Khi khám trong cho sản phụ này, y tá cảm thấy kỳ lạ vì tay cô mãi không chạm được đến đầu thai nhi mà chỉ thấy thứ gì đó... rất cứng.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu luôn được khuyến cáo hãy siêu âm, thăm khám đầy đủ và đúng lịch tại các bác sĩ chuyên khoa uy tín. Tuy nhiên nhiều bà mẹ vì lý do chủ quan hoặc khách quan mà vẫn không tuân thủ khuyến cáo này, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện của bà mẹ mang bầu đôi dưới đây là một ví dụ.
Câu chuyện do bác sĩ Lý Duy Hào, công tác tại khoa Phụ sản của Bệnh viện Trấn Hưng, Đài Loan chia sẻ trong chương trình "Mom Good God: Secular Female Housework". Bác sĩ cho biết đó là một ca cấp cứu vào lúc 8 giờ tối, người nhập viện là một sản phụ có dấu hiệu sắp sinh. Trong quá trình thăm khám ban đầu, bác sĩ hỏi người phụ nữ này từng khám thai ở đâu, cô ấy ngập ngừng và nói chỉ khám vài lần ở quê.
Lúc nhập viện, cổ tử cung mẹ bầu này mới mở 5cm nên bác sĩ Lý cho cô nằm phòng chờ sinh để các y tá theo dõi tình hình. Sau đó 2 tiếng, lúc 10h tối, anh hỏi lại y tá tình trạng của sản phụ kia thì nhận được câu trả lời: "Tôi đã khám trong vài lần nhưng có gì đó rất lạ. Khi sờ vào bên trong, đáng lẽ đó là đầu em bé nhưng lại rất cứng. Có vẻ như tôi chạm được vào màng ối, nhưng cảm giác rất khác so với bình thường".
Khi khám trong cho sản phụ này, y tá cảm thấy rất bất thường. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Lý nói y tá tiếp tục theo dõi tình hình và có gì bất ổn thì báo lại ngay. Tuy nhiên, đến tận 3, 4 giờ sáng anh không thấy y tá báo cáo gì. Lúc này, linh tính bác sĩ Lý cảm thấy không ổn, nếu đứa trẻ không được sinh ra trong vòng 2-4 tiếng nữa sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng cả 2 mẹ con.
Đúng lúc anh định đến kiểm tra thì y tá hốt hoảng chạy đến thông báo sản phụ đã vỡ ối nhưng khám trong vẫn thấy lạ, cảm giác khó có thể giải thích được. Bác sĩ Lý nhanh chóng đến xem xét. Khi tự mình khám, anh cũng thấy điều bất thường. Đáng lẽ khi cổ tử cung đã mở lớn, ối đã vỡ thì khám trong sẽ sờ được đầu em bé rất trơn trượt, đã quay ngôi và chờ chui ra khỏi bụng mẹ. Thế nhưng, khi chạm vào, anh cảm thấy có một vật thể rất cứng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dù khá sốc nhưng anh đã bình tĩnh lại và sử dụng dụng cụ hút chân không kéo ra, kết quả đó không phải là một em bé mà là một mảnh vôi cứng màu vàng trắng rơi xuống. Sau đó, một bọc ối khác phình ra và bị vỡ, em bé thực sự mới chào đời vào lúc này.
Một trường hợp thai nhi hóa đá lâu năm người mẹ mới phát hiện. (ảnh minh họa)
Sau khi quan sát kỹ hơn, bác sĩ Lý xác nhận mảnh vôi cứng hóa ra là một thai nhi đã bị vôi hóa, teo tóp lại và cứng như đá. Người mẹ sau đó kể lại rằng, lần đầu tiên đi khám, bác sĩ bảo rằng cô mang song thai, nhưng lần siêu âm lại chỉ còn một em bé. Tuy nhiên, cô không để ý và chỉ nghĩ do lần đầu kết quả siêu âm có nhầm lẫn. May mắn thay cuối cùng sản phụ và em bé còn lại đều an toàn.
Hiện tượng thai nhi "hóa đá" Mang thai đá có thể xảy ra với tuổi thai từ sau ba tháng đến khi trưởng thành, bình thường sẽ không được chẩn đoán trong một thời gian dài hoặc có khi vài chục năm. Để phát hiện ra thai nhi vôi hóa (thai đá) phải trải qua các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh mới có thể nhận biết và đưa đến kết luận. Về mặt hóa sinh, hiện tượng vôi hóa của thai nhi diễn tiến như thế nào vẫn còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, người ta cho rằng quá trình vôi hóa trong cơ thể thường được tìm thấy ở những nơi các tế bào bị tổn thương. Tiến trình này được kết hợp với các động mạch bị hư hại. Dẫn đến tim và não, bệnh vú lành tính và ác tính, sỏi thận, trong mô cơ và mô liên kết. Trong trường hợp mang thai đá, sau khi thai nhi đã ngừng phát triển, các mô của thai không còn được cung cấp lượng máu phù hợp, do đó nó bắt đầu bị phá vỡ. Sự tích tụ của muối vôi khi đó dần hình thành, bắt đầu tạo nên một khối giống như đá. |