Những mâm cơm cữ của chị Lê Thị Ngọc Trân (Sài Gòn) nấu cho em dâu mỗi ngày luôn được chị mang tất cả yêu thương của mình vào đó.
Ăn uống sau sinh là một trong những vấn đề được mẹ bỉm sữa quan tâm nhất. Bởi lẽ chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của bản thân mà còn quyết định chất và lượng sữa dành cho con.
Thấu hiểu điều đó vì từng trải qua hai lần sinh nở nên chị Lê Thị Ngọc Trân (Sài Gòn) đều đặn sắp xếp thời gian nấu cơm cữ cho cô em dâu mới sinh. Những mâm cơm cữ được chị đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều lời khen từ dân mạng vì vừa đa dạng, phong phú lại ngon mắt.
Gia đình lớn của chị Ngọc Trân mới chào đón thành viên nhí.
Từng trầm cảm sau sinh vì ở cữ không đúng cách
Chị Ngọc Trân cho biết, trước đây 15 năm khi mang bầu bé lớn vì không có kinh nghiệm kiến thức nhiều mà chị gặp tình trạng trầm cảm sau sinh, sức khỏe không tốt. Vì hiểu nỗi khổ ấy, không muốn em dâu bị giống như mình nên chị luôn cố gắng chăm chút từng bữa ăn cho em.
Chị kể, chị có 2 bé, một bé 15 tuổi và một bé 10 tuổi. Chị còn nhớ khi sinh bé lớn, do lúc đó internet không thịnh hành như bây giờ và không quan niệm kiêng khem quá kỹ nên chị bị táo bón nặng sau sinh, phải đi khám và chữa trị thời gian dài.
Thời gian đó, chị ăn uống chỉ quanh quẩn vài món, không ăn rau nhiều, không ăn trái cây, dẫn đến thiếu chất, không có đủ sữa cho bé bú khiến tinh thần không thoải mái khi đến cữ ăn. Chưa kể, chị còn ăn móng giò đu đủ khiến người không khỏe, không xuống được cân nặng, con lại quấy khóc suốt đêm. Điều đó góp phần khiến chị mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.
Sau kinh nghiệm đó và cách 5 năm sau sinh bé thứ 2, nhờ đi học lớp dinh dưỡng cho mẹ và bé sau sinh, cũng như tự áp dụng chế độ ăn uống theo khoa học nên chị đạt kết quả tốt lên trông thấy, hoàn toàn trái ngược lần sinh đầu.
“Lần sinh bé thứ 2 có kinh nghiệm và được học nên mình ăn đủ chất, không kiêng cữ gì nhiều. Mình chỉ ăn nhiều rau xanh, trái cây nên không hề bị táo bón. Mình khoẻ, xuống cân nhanh, người gọn gàng mau lấy dáng và đặc biệt có sữa rất nhiều cho bé bú đến năm 3 tuổi. Bé tăng cân tốt từ 3,3kg đến 5,3kg khi đầy tháng. Trộm vía mình nuôi bé ít bệnh, sức đề kháng tốt, riêng bản thân mình tinh thần rất thoải mái”, chị Ngọc Trân chia sẻ.
Sau sinh con trai lớn chị Ngọc Trân ăn móng giò đu đủ khiến người không khỏe, không xuống được cân nặng, con lại quấy khóc suốt đêm.
Những bữa cơm cữ chỉ 100 nghìn, ai nhìn cũng trầm trồ thán phục
Từ kinh nghiệm của bản thân nên khi em dâu mang bầu và sinh em bé, chị Ngọc Trân đã quyết tâm áp dụng tất cả những kiến thức của mình cho việc chăm em dâu bây giờ. Chị tự tay tỉ mẩn từng bữa cơm cữ cho em dâu và suy nghĩ thay đổi thực đơn sao cho đa dạng.
Chị Ngọc Trân chăm sóc từng bữa cơm cữ cho em dâu để em dâu không gặp tình trạng giống như mình trước đây.
Những bữa cơm chị làm thường thay đổi liên tục mỗi ngày. Chị không kiêng khem mà cho em ăn uống theo khoa học để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và bé bú. Bên cạnh đó, chị dựa vào kinh nghiệm bản thân lúc ở cữ và lớp học về dinh dưỡng cho mẹ, bé sau sinh cùng những dặn dò của bác sĩ trước đây để áp dụng vào.
Thậm chí, chị còn trồng cả một khu vườn có các loại rau phục vụ những bữa cơm cữ cho em dâu như bồ ngót, cải ngọt, cải thìa, rau các loại, hành lá, hẹ, khổ qua, ổi, táo, chuối, gừng, sả, nghệ, đu đủ....
Vì em dâu sinh mổ nên chị kiêng nấu rau muống gây sẹo lồi, sử dụng nước tương làm thâm vết mổ, hạn chế hoặc chỉ cho em ăn một ít đồ chua, còn lại luôn đa dạng thực phẩm và luôn chú ý theo ý thích của em dâu.
Những bữa cơm cữ ngon mắt chị Trân nấu chỉ dao động từ 60-100 nghìn.
Mỗi bữa cơm chị làm đều đầy đủ 4 món: mặn, xào hoặc luộc, canh và tráng miệng. Đặc biệt, chị luôn lưu ý bổ sung nhiều rau, không dùng dầu mỡ để chế biến, không ăn nhiều tinh bột, mỗi bữa chỉ một bát cơm vừa, ăn đủ đạm như thịt, cá, trứng. Vì em dâu thích ăn cá nên đa số chị làm các món cá, nêm nếm nhạt.
“Thực đơn mình làm đa số không có dầu mỡ, nêm nhạt, mình cho em ăn uống theo khoa học, không kiêng cữ nhiều và chú ý theo ý thích của em dâu. Do em dâu bị táo sau sinh nên mình chú trọng rau nhiều, ít cơm, canh nhiều và luôn luôn có trái cây tráng miệng.
Món canh rau ngót, thịt nạc rang gừng, nghệ rất tốt cho bà đẻ. Các loại gia vị gừng, nghệ giúp ấm bụng, dễ tiêu. Đây đều là những món ăn quen thuộc với phụ nữ mới sinh. Theo mình, không nên ăn móng giò bởi món ăn này sẽ khiến mẹ tăng cân và dễ bị tắc sữa do có quá nhiều chất béo”, chị Ngọc Trân cho hay.
Rau ngót em thích ăn hơn nữa lại lành cho sản phụ sinh mổ nên chị đã trồng loại cây này trong vườn.
Do thói quen bếp núc, nấu nướng nhanh gọn nên chị không vất vả hay phải thức khuya dậy sớm nấu. Mỗi bữa ăn của em dâu, chị chỉ dành 30 phút là xong xuôi tất cả. Thông thường, buổi sáng, chị sử dụng nước xương hầm sẵn mang ra nấu và nấu đa số các món nước như nui, hủ tiếu, mì hoành thánh, bánh mì... Các ngày trong tuần chị cho em dâu ăn đa dạng thực phẩm với cơm còn cuối tuần chị sẽ đổi món như xá xíu, bò nấu đậu, gà hầm sen rau củ....
Với các món thịt, cá, chị chỉ cần mua siêu thị rồi về hái rau ở vườn nấu nên không tốn kém nhiều. Chính vì vậy, trung bình mỗi bữa cơm của chị chỉ dao động khoảng từ 60-100 nghìn tuỳ món.
Khi được hỏi về động lực giúp chị chăm chút những mâm cơm ở cữ cho em dâu như vậy, chị Trân tâm sự, bản thân chị trước đây từng bị táo bón sau sinh do quan niệm kiêng khem kỹ, thiếu chất nên không muốn em mình gặp phải những phiền toái này. Hơn nữa, cũng như tiêu đề chị đặt mâm cơm ở cữ mình nấu cho em dâu “Có yêu thương là có tất cả”, điều này sẽ xoá tan quan niệm không tốt nào giờ về mối quan hệ chị chồng em dâu. “Vì trót sinh ra thân phận phụ nữ, chỉ nên yêu thương nhau nhiều hơn thôi. Bạn hãy cứ trao yêu thương sẽ nhận gấp bội yêu thương”, chị Trân bộc bạch.
Được biết, nếu như mang bầu em dâu chị Trân tăng 17kg thì giờ chỉ sau 1 tháng thực hiện chế độ ăn tốt, em dâu đã giảm được 11kg còn em bé tăng được 1,5kg vô cùng đáng yêu, kháu khỉnh. Điều đó khiến tâm trạng cả nhà chị vui vẻ, thoải mái và gắn kết yêu thương hơn.
Có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của chị Trân sau tất cả, đó là nhìn thấy niềm hạnh phúc trên gương mặt em dâu và lời khen hết lời khi được ăn món ngon chị chồng nấu. Đặc biệt, sau 1 tháng chăm em, điều chị vui và có động lực nhất là chia sẻ được nhiều kinh nghiệm của mình cho em dâu để không bỡ ngỡ trong lần đầu sinh con đầu lòng, có sức khỏe, nhiều sữa, tinh thần thoải mái, vui tươi sau sinh.
Những mâm cơm cữ bổ dưỡng, hấp dẫn do chị Ngọc Trân làm cho em dâu.