Chị Anh Thư đã nói dối ông xã Mikael rằng không biết em bé đang mang trong bụng là con của ai để thử lòng anh.
Chị Anh Thư (biệt danh Ann Thu Duong, 33 tuổi, sống tại Sài Gòn) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Mikael hơn 8 tuổi người Thụy Điển và 3 nhóc tì nhí 5 tuổi, 4 tuổi và 9 tháng tuổi ở Thụy Điển.
Hiện chị Thư làm việc trong một trường mẫu giáo nhưng do đang nghỉ thai sản ở nhà nên ngoài dành thời gian chăm sóc con chị còn làm youtube chia sẻ cuộc sống, những chuyến du lịch và khám phá của mình ở đây. 3 lần mang bầu, đi sinh 3 con đều là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ của chị, đặc biệt, chị từng thử lòng ông xã khi nói dối con gái đầu tiên không biết là con của ai.
Tổ ấm nhỏ của chị Thư và ông xã Thụy Điển.
Tính đến nay, chị Thư đã sang Thụy Điển sống được 11 năm. Chị từng kết hôn với một người chồng ở Thụy Điển nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên đã tan vỡ sau 2 năm. Năm 2015, chị và anh Mikael có cơ duyên quen nhau trên một ứng dụng hẹn hò.
Sau hơn 1 tháng trò chuyện, trong một lần tình cờ đi chơi với gia đình người bạn ở gần chỗ anh ở mà chị có cơ duyên gặp anh trên chính chuyến tàu lửa mà anh lái. Sau lần gặp gỡ định mệnh đó, anh Mikael xin nghỉ phép lên tỉnh chị chơi 2 ngày và anh chị chính thức quen nhau từ đó. “Anh cao 1m96 nên lần đầu tiên gặp anh mình thấy anh như khủng long vậy còn anh thấy mình như diễn viên Hàn Quốc vì chảnh quá, không thèm cười với anh khi gặp nhau lúc lên tàu”, chị Thư chia sẻ.
Nói đến đây, chị Thư cười cho biết, người bạn của anh tưởng chị là người Thái nên nói anh cẩn thận coi chừng lady boy (người chuyển giới). Chính vì vậy sau khi hẹn hò được 3 tháng, anh mới dám hỏi chị về vấn đề này.
“Anh hỏi mình “Em có phải lady boy không? Anh chưa bao giờ đi Châu Á, bạn anh nói anh coi chừng mà anh không có kinh nghiệm và chưa gặp lady boy”. Mình nói “Ừ, có thể em là lady boy đó. Anh sợ không”. Anh e dè xíu nhưng nói không sợ, thấy thú vị và 3 ngày sau khi anh hỏi mình thấy lạ lạ trong người, phát hiện có bầu. Anh thông báo ngay với bạn tin tuyệt vời này: “Bạn gái tôi không phải lady boy, mừng quá”, chị Thư cười cho biết.
Thời điểm đó nhận tin vui, chị Thư cảm xúc lẫn lộn vì chị muốn có con nhưng chưa xác định với anh Makael. Chị mất niềm tin vào đàn ông nên chỉ muốn làm mẹ đơn thân. Chị đã thử lòng anh sau đó.
“Trong lúc quen anh, em có quen một vài người nữa. Vì cả 2 chỉ tìm hiểu, chưa chính thức quen nhau nên giờ em có bầu không biết là con ai. Em thấy thích anh, anh rất tốt bụng, giờ em chỉ có mình anh. Em không chắc đây có phải con anh không, anh suy nghĩ kỹ đi, nếu chấp nhận thì mình dọn về ở chung còn không thì coi như ta chưa hề quen biết nhau” – chị Thư nói.
Nghe chị thổ lộ, anh Mikael bảo chị cho anh một đêm suy nghĩ và sáng hôm sau anh dậy sớm nấu đồ ăn sáng rồi gọi chị ra ăn.
“Anh yêu em thật lòng, chuyện em nói hôm qua, nếu em muốn bỏ con thì anh sẽ giúp đặt giờ bác sĩ còn nếu không thì anh cũng chấp nhận. Anh yêu em, anh không dám hứa chắc chắn 100% là anh sẽ yêu đứa bé như con ruột nếu không phải con anh nhưng anh yêu em thì anh sẽ yêu luôn con em. Còn nếu là con ruột của anh thì còn gì tuyệt vời hơn thế nữa” , anh nói khi chị ăn xong.
Nhận câu trả lời từ anh, chị vô cùng xúc động và đã dọn về ở chung luôn với anh. Chị Thư thổ lộ, ở Thụy Điển không quan trọng chuyện cưới xin, bố mẹ, ông bà anh Mikael cũng ở với nhau hạnh phúc mà chưa kề kết hôn. Hơn nữa chị đã từng đổ vỡ hôn nhân một lần nên không quan trọng đám cưới, chỉ cần cả 2 yêu thương nhau là được.
Chị tăng 12kg khi mang bầu.
Mang bầu lần đầu chị Thư tăng 12kg. Từ tuần thứ 20 chị đã bị đau hông đến nỗi không đi nổi, đi phải chống gậy, nạng và được bác sĩ cho nghỉ làm đến tận khi đẻ.
Mặc dù vậy nhưng cả thai kỳ chị cùng anh đi chơi rất nhiều nên không hề cảm thấy nhàm chán. Đặc biệt, chị được anh vô cùng quan tâm chăm sóc, làm tất cả mọi việc, chị không phải động chân động tay việc gì.
Bé đầu chị Thư sinh ở tuần thứ 41, trễ 8 ngày so với dự kiến sinh. Chị đau đẻ mất 3 ngày 3 đêm mới sinh thường được, bé chào đời nặng 3,3kg, dài 51cm. Sau sinh, chị bị xỉu, ngã chấn thương trong phòng sinh nên 2 tuần sau đó chị không ẵm được con và không có sữa cho con bú, một tay anh Mikael chăm hết cả mẹ lẫn con dù chị vẫn giấu sự thật với anh.
Mãi sau sinh được 1 tháng khi Cục Xã hội yêu cầu xét nghiệm ADN em bé với những cặp vợ chồng chưa kết hôn, chị mới nói sự thật cho anh biết.
“Đến bây giờ nghĩ lại, mình thấy mình ác quá khi thử lòng anh nhiều. Mà ác một điều là sau sinh con y chang như mình không giống anh chút nào nhưng anh vẫn vui lắm bảo con giống mình cho đẹp. Lúc sinh nhìn thấy đầu con ra, anh đã nhảy lên nói con có tóc giống mình đen, không bị hói giống anh rồi.
Ở Thụy Điển có luật nếu 2 người chưa cưới sinh con thì phải làm giấy tờ kiểm tra ADN họ mới làm giấy khai sinh cho con. Lúc đó mình mới nói thật “Em chắc chắn là con anh vì em chỉ thử lòng anh”. Anh biết sự thật nói mình tàn nhẫn với anh nhưng anh không giận còn cám ơn vì đã sinh cho anh đứa con, không có mình anh nghĩ sẽ ế tới già mà không có con”, chị Thư cười.
Bé đầu được 1 tháng tuổi chị Thư mới nói sự thật cho anh biết.
Sinh bé đầu chị ở cữ 1 tháng trong nhà khiến ông xã lo lắng.
Được biết, bé đầu nhà chị Thư sinh năm 2016, bé thứ 2 sinh năm 2017 nặng 4kg, dài 53cm, bé thứ 3 sinh năm 2021 nặng 3,6kg dài 53cm. Các bé chào đời đều bằng phương pháp sinh thường.
Mặc dù lần nào mang bầu chị cũng bị nghén, nôn nhiều và bị mất ngủ suốt 9 tháng thai kỳ nhưng bé thứ 3 chị thấy khó khăn nhất. Nếu như bé đầu tiên chị bị đau hông từ tuần thứ 20, bé thứ 2 đau từ tuần 15 thì bé thứ 3 chị bị đau hông từ trước khi thử thai, đau đến mức không ngủ được. Thậm chí còn bị stress với 2 bé lớn khiến anh Mikael phải bảo chị đặt giờ đi bác sĩ tâm lý để giải tỏa và xin nghỉ 1 tháng trước khi chị sinh để chăm 2 bé. “Mình đau hông phải chống gậy, đi bằng 2 cây nạng y như người khuyết tật luôn”, chị Thư kể.
Mang bầu lần 2 chị tăng 15kg, lần 3 tăng 13kg.
Đối với chị Thư, đi sinh bé thứ 3 cũng có những kỷ niệm hài hước vô cùng đáng nhớ. Chị kể, khi đi đẻ chị đau bụng vô cùng. Thế nhưng vào phòng sinh, chồng gặp lại người bạn học chung hồi cấp 1 nên 2 người ngồi tám đủ chuyện trên trời dưới đất. Mặc dù đau đẻ quá nhưng chị không hề rên la vì biết sẽ làm mất sức. Thế là bà mụ cho chị nằm đợi 3 tiếng mà không tới kiểm tra.
“Hai người ngồi tám suốt luôn. Chị bác sĩ nói với chồng mình “Vợ bạn giỏi và bình tĩnh quá, không kêu ca gì hết”. Anh bảo mình có kinh nghiệm đẻ 3 đứa rồi và lại tám tiếp với bạn. Mình tức quá mới la lên “Khi nào cho tôi đẻ”. Chị bác sĩ nói “Khi nào bạn muốn”. Mình mới nói “Ngay bây giờ, đau quá trời mà cứ tám hoài” nhưng chị ý vẫn bảo chưa vỡ ối nên cứ bình tình. Mình nói “Chọc vỡ ối cho tôi. Tôi muốn đi đẻ”.
Chị đó thông tiểu cho mình để kiểm tra, mình đau quá rặn đẻ luôn. Bé thứ 3 chào đời trong bọc ối còn nguyên. Sau này mình mới biết người bạn của chồng chỉ là thực tập thôi, chị ta hoảng quá xé bọc ra lúc em bé chưa ra khỏi rồi phải bấm chuông gọi thêm người vào giúp.
40 phút sau mới lấy em bé ra khỏi mình để không bị sót nhau và tổn thương bé. Bệnh viện hỏi ý kiến mình có muốn kiện không nhưng gia đình mình không kiện vì là người quen của chồng. Trộm vía 2 mẹ con không sao. Mình được theo dõi suốt 1 tháng vì sợ bị nhiễm trùng”, chị Thư nhớ lại.
Bé thứ 3 chào đời trong bọc điều hiếm gặp.
Dẫu xảy ra sự cố khi đi sinh nhưng chị Thư vẫn đánh giá cao về chế độ đi sinh ở Thụy Điển vì mọi thứ hoàn toàn miễn phí từ khám thai, đi đẻ đến tiêm vắc xin, bệnh viện cũng tận tình hỏi han. Thậm chí, 2 vợ chồng còn được nghỉ tổng cộng 480 ngày nghỉ phép hưởng 80% tiền lương. Sau sinh, anh Mikael đã xin nghỉ 4 tháng để giúp chị nhiều hơn, anh nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa nên chị cảm thấy thoải mái.