Kể từ khi có bầu, tính đa nghi của vợ tôi ngày càng lên một cấp độ mới cao hơn, cụ thể như việc thường ngửi mùi cơ thể lẫn quần áo của chồng mỗi khi tôi đi ra ngoài về.
Khi tôi kết hôn, người thân, đồng nghiệp đánh giá bề ngoài của tôi có phần đẹp hơn vợ. Trong khi cô ấy thấp lùn, da đen thì tôi lại cao ráo, đẹp trai. Có lẽ vì thế mà lúc nào vợ tôi cũng “đa nghi hơn Tào Tháo”, cô ấy thích kiểm soát tôi mọi lúc, đặc biệt là nếu như có buổi tôi phải tăng ca hoặc đi tham gia các sự kiện cùng với công ty.
Ban đầu, tôi cũng khó chịu, thế nhưng lâu dần thành quen. Hơn nữa tôi cũng hiểu tâm lý của vợ, có thể những lời nói hoặc những câu bông đùa đã tác động vào suy nghĩ của vợ quá lớn khiến cô ấy không thể nào kiểm soát được. Tôi tin theo thời gian, sự đàng hoàng của tôi sẽ khiến vợ thay đổi.
Khi vợ có bầu, tính cách không hề thay đổi mà càng kinh khủng hơn. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng có lẽ tôi đã lầm, kể từ khi có bầu, tính đa nghi của vợ tôi không những không thay đổi mà ngày càng kinh khủng hơn. Tôi để mọi mật khẩu zalo, facebook cho vợ tôi thoải mái thích vào xem lúc nào thì xem cũng chưa đủ. Cô ấy còn nghĩ ra đủ mọi tình huống cho rằng tôi dùng mọi chiêu trò ngoại tình để qua mặt vợ khiến tôi tức điên.
Một hôm, tôi đi làm về muộn, dù đã báo với vợ từ sớm nhưng cô ấy vẫn đợi cơm. Tôi vừa bước vào cửa, vợ lớn tiếng: “dừng lại”. Tôi sững sờ chẳng hiểu lý do là gì. Rồi cô ấy từ từ tiến lại phía tôi, ngửi mùi tôi từ cằm, vai, lưng… phần chân vợ tôi bỏ qua có lẽ vì… thai đã khá lớn khiến cô ấy khó cúi người.
Sau khi không thấy có mùi khác lạ, cô ấy mới cho tôi bước vào nhà. Thế nhưng khi tôi đi tắm, vợ lại yêu cầu cởi bỏ toàn bộ quần áo, kể cả quần áo trong lẫn ngoài đưa cho cô ấy kiểm tra trước khi tôi đem ra máy giặt. Tôi chán nản lần 2 nhưng vẫn cố gắng bình tĩnh vì nếu không đêm nay dễ phải ngủ đất hoặc ngoài sofa lắm. Không thấy vợ nói gì, tôi yên tâm hẳn.
Đinh ninh rằng kết quả kiểm tra đột xuất vậy khiến cô ấy hoàn toàn tin tưởng, nhưng không, kể từ hôm đó vợ tôi thường có màn kiểm tra quần áo liên tục. Bất cứ lúc nào tôi đi làm, trước khi đi cô ấy đều ngửi mùi, sau khi trở về lại ngửi mùi lần nữa để kiểm tra xem “lỡ đâu có sự khác biệt”.
Có hôm, vì quá mệt mỏi, tôi bảo: “Em không tin tưởng anh thì còn tin ai, em cứ ngửi mùi anh để làm gì. Anh đi làm tối ngày khi về quần áo vừa mồ hôi, vừa mùi khói bụi đường, tốt gì đâu mà ngửi”. Nhưng vợ vẫn quả quyết: “Khi có bầu mũi em thính lắm, không mùi lạ gì qua được mũi em, mùi mồ hôi hay khói bụi kiểu khác, mùi nước hoa, son phấn, mùi phụ nữ kiểu khác”.
Vợ bầu thích ngửi mùi chồng, tưởng là yêu nhưng lý do ai cũng tá hỏa. (Ảnh minh họa)
Đến đây thì tôi cũng xin quỳ. Từ ngày vợ có chiêu ngửi mùi, tôi bỗng sợ hãi mỗi khi về nhà vào buổi chiều. Sợ cái cách vợ “đánh hơi” kiểm tra mới cho qua cửa. Tôi cũng chẳng dám ra ngoài lâu vì sợ đâu lỡ ngồi cạnh cô gái nào đó có mùi nước hoa hơi nồng, “dính” vào một ít về nhà cũng “xong đời” với vợ.
Không biết cho đến khi cô ấy sinh con, cái tính thích kiểm soát có thay đổi chút nào không. Chứ nếu tiếp tục như bây giờ, tôi chẳng biết sẽ cố nín nhịn được cái tính tình của vợ bao lâu nữa. Cứ tưởng vợ chờ cửa ngửi mùi chồng mỗi khi về nhà vì yêu, ai ngờ chỉ vì cái tính đa nghi của cô ấy mà thôi.
Làm gì để ổn định tâm tính giai đoạn thai kỳ?
Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (APA) khi mang thai, phụ nữ thường xuất hiện nhiều thay đổi cả về vóc dáng, ngoại hình lẫn tâm sinh lý. Đôi khi người trong cuộc không nhận biết được những thay đổi này. Đa phần trở nên khó tính, cáu gắt hay lo âu vô cớ...
Lo âu cũng là một cảm xúc thất thường giai đoạn thai kỳ. Rất đa dạng như lo đủ thứ, nào là đau đớn vỡ ối khi vượt cạn, lo không có người giúp đỡ, lo gặp sự cố nơi con cái, lo không có sữa cho con, rồi cả tương lai con cái sau này, lo chồng không chung thủy trong thời gian mình bầu bí...
Cách ổn định tâm lý trong thai kỳ:
Tự chăm sóc bản thân và duy trì lối sống tích cực là những cách giúp giảm thiều thay đổi tính cách trong thai kỳ.
- Tự chăm sóc bản thân tốt hơn như làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống cân bằng, khoa học, đủ chất… và nên nhớ mẹ bầu không đơn độc
- Chia sẻ cùng người thân, bác sĩ, các chuyên gia sản phụ khoa
- Nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ, trọng tâm tới các hoạt động có lợi cho việc điều hòa cảm xúc, nâng cao sức khỏe cho cả mẹ và bé, nhất là hoạt động thể chất
- Duy trì tinh thần vui vẻ và lối sống tích cực để không gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
- Duy trì giấc ngủ chất lượng, đủ về thời lượng.
- Tham gia lớp yoga thai kỳ hoặc thiền, thực hành mát xa
- Nếu tâm trạng thay đổi kéo dài hơn hai tuần và tệ đi, mẹ bầu nên tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn, đặc biệt là khi bị trầm cảm. Nếu không can thiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cả hai mẹ con và thậm chỉ cả gia đình sau khi sinh.