Cho con 1 triệu đóng tiền học nhưng cô giáo báo chưa nhận được, lời giải thích của đứa trẻ khiến tôi ngã ngửa

Ngày 21/03/2024 14:30 PM (GMT+7)

Cứ đinh ninh đã đưa tiền cho con đóng học rồi nên tôi cãi cố với cô giáo. Giờ thì xấu hổ.

Tôi có một cậu con trai đang học lớp 2, bé rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và chưa bao giờ nói dối bố mẹ. Thế nên mới đây nghe được cuộc điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm, tôi khá hoang mang xen lẫn lo sợ.

Chẳng là hôm trước bé đi học về có đưa cho mẹ giấy thông báo của nhà trường yêu cầu đóng tiền. Cụ thể 500 nghìn tiền mua thêm học liệu và 500 nghìn để chuẩn bị cho chuyến đi chơi dã ngoại toàn trường. Đọc trong nhóm phụ huynh lớp, tôi thấy cô giáo cũng thông báo điều tương tự. Chính vì thế tôi cũng thu xếp tiền để chuẩn bị đóng cho con.

Buổi sáng hôm đó dậy muộn nên mọi thứ đều vội vàng, tôi rút hai tờ 500 nghìn trong 1 cọc tiền mà chồng vừa đưa tối hôm qua trước mặt con trai rồi đưa cho con. Tôi nói:

- Hôm nay mẹ vội đi làm quá không đưa con vào tận lớp học được để đóng tiền cho cô giáo. Vì vậy con cầm tiền vào để nộp cho cô giáo giúp mẹ nhé. Nhớ là phải đưa cho cô giáo luôn khi vừa vào lớp chứ không là quên hoặc làm mất đấy nhé.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời và thú thực là cũng nhiều lần tôi đã đóng học cho con bằng cách này rồi nên lần này cũng không mảy may suy nghĩ gì cả. Hôm đó cũng vì quá mải mê làm việc nên tôi quên mất không nhắn tin thêm cho cô giáo chứ mọi lần đều liên lạc với cô để phòng trường hợp con quên.

Hôm đó sau khi tan học về nhà không thấy con nhắc gì đến chuyện đã đóng học và tôi thì cũng không hỏi nên cứ đinh ninh mọi thứ đã xong. Mãi cho tới mới đây khi buổi dã ngoại chuẩn bị diễn ra, cô giáo của con mới điện thoại cho tôi nói về việc gia đình chưa đóng tiền cho con đi chơi và cũng chưa đóng tiền học liệu của con.

Lúc này tôi mới ngỡ ngàng, cãi cố với cô giáo rằng rõ ràng tôi đã đưa tiền cho con đi đóng rồi và tôi hoàn toàn tin tưởng vào con trai mình. Bé chưa bao giờ dám lén lút lấy tiền để làm việc riêng mà mọi thứ tôi mua cho con đều đủ đầy nên không hề có chuyện "cuỗm" tiền học. Khả năng chỉ có thể là cô giáo nhận tiền của con nhưng quên chưa ghi vào sổ.

Thế nhưng cô giáo cũng một mực khẳng định rằng chưa nhận bất kì số tiền nào của con. Lúc này tôi đành phải đặt nghi vấn về phía đứa trẻ nên ngay buổi tối hôm đó đã phải hỏi con ngay:

- Hôm trước mẹ đưa tiền cho con đi đóng học, con đã đưa cho cô chưa?

- Con đưa rồi ạ!

- Thật không con, sao hôm nay cô giáo lại gọi điện báo rằng con chưa đóng tiền học?

Tới khúc này, cu cậu bắt đầu lúng túng đôi chút nhưng im lặng không nói gì. Tôi nhận thấy đúng là vấn đề đã nằm ở con mình nhưng chắc chắn phải giữ bình tĩnh để tìm hiểu.

- Con lại đây mẹ hỏi nào. Nói cho mẹ biết số tiền đó đang ở đâu và tại sao con lại không đóng học như lời mẹ dặn để hôm nay cô giáo báo rằng con chưa đóng?

- Con... con ... con xin lỗi mẹ!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thằng bé bắt đầu rơm rớm nước mắt để lấy lòng thương hại của mẹ, lần nào làm sai điều gì là cũng thế nhưng tôi nghĩ chưa ra xem liệu là vì lý do gì? Do đó tôi cần phải bình tĩnh, hỏi con kĩ hơn. Đứa trẻ đáp:

- Con định là sẽ nộp cho cô ngay nhưng hôm đó cô giáo lại tới trễ. Con sợ làm rơi mất tiền nên cầm chắc trong tay, bạn Bảo và bạn Trung ngồi bên cạnh đã nhìn thấy. Hai bạn ý bảo là thích tờ tiền 500 nghìn lắm nên ngỏ ý muốn xin con nên con đã cho mỗi bạn một tờ.

- Tại sao, tại sao con lại cho mỗi bạn một tờ 500 nghìn dễ như vậy mà không đóng học cho cô?

- Tại hôm đó con thấy mẹ có 1 xấp nhiều tờ 500 nghìn lắm nên con chia sẻ với bạn. Con bảo rằng mỗi bạn cứ cầm lấy một tờ 500 nghìn đi, mẹ tớ ở nhà con nhiều lắm! Thế nhưng hôm đó về nhà con không thấy mẹ cầm cọc tiền đó nữa nên con cũng quên không hỏi xin mẹ lại.

Câu trả lời ngây thơ của con trai khiến tôi bật ngửa, ngay lập tức nghĩ xấu hổ với cô giáo vì mới hồi nãy còn "cãi tay đôi" với cô. Tôi thật đến chịu với cậu con trai của tôi, bình thường cũng khôn ranh lắm nhưng sao giờ lại "tồ tẹt" thế này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngay hôm đó tôi đã phải điện thoại để nói chuyện lại với cô giáo và phụ huynh của hai người bạn kia để họ hiểu. Thật bất ngờ lại 2 người bạn của con trai cũng "tồ" không kém. Xin được tờ 500 nhưng cũng không biết tiêu mà chỉ để trong cặp thỉnh thoảng bỏ ra... ngắm vì quá thích nên tiền vẫn còn nguyên. Thật đến chịu với những bạn nhỏ này.

Tâm sự từ độc giả vannay...

Trẻ biết cách chia sẻ với bạn bè là điều tốt, tuy nhiên như trường hợp như trên, bố mẹ cần tìm cách giáo dục lại con.

Việc dạy con về tiền bạc đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát tài chính khi trưởng thành. Angela Merkel, cựu Thủ tướng Đức, từng chia sẻ: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".

Việc bắt đầu giáo dục con về tiền bạc không bao giờ là quá sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể được giới thiệu với khái niệm cơ bản về tiền bạc, nhưng cách tiếp cận nên được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của trẻ.

Từ việc đếm tiền, phân biệt giữa các đơn vị tiền tệ đến việc sử dụng tiền trong trò chơi giả lập, các hoạt động như vậy giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của tiền và cách sử dụng nó.

Trong quá trình trưởng thành, sự thiếu hiểu biết về tiền bạc có thể khiến trẻ không nhận ra hoàn toàn ý nghĩa của tiền, không biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý và dễ rơi vào những sai lầm. Do đó, dạy con về tiền bạc từ nhỏ có thể giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng như tiết kiệm, lập kế hoạch tài chính và quản lý chi tiêu.

Mẹ vắng nhà, bé 4 tuổi gọi shipper chuyển dây chuyền đắt tiền tặng bạn gái cùng lớp mẫu giáo
Sau khi nhận được thông báo của nhân viên chuyển phát, người mẹ đã tức tốc trở về nhà.

Gia đình và Xã Hội

Theo Phan Nguyễn (Ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con