Biết được lý do chồng ưng ý cô giáo của con trai tôi mới vỡ lẽ.
Giai đoạn này là thời điểm con trẻ được nghỉ hè, nghỉ ngơi sau 1 năm học hành chăm chỉ. Nhưng trẻ nghỉ hè thì bố mẹ vẫn phải đi làm, ai sẽ là người ở nhà chăm sóc và chơi với con là một bài toán nan giải đối với các bậc bố mẹ. Để giải bài toán này, nhiều phụ huynh lựa chọn đăng ký các lớp học thêm hè ngay cho trẻ để con đi học, như vậy thì con vừa có kiến thức mà bố mẹ lại đỡ lo lắng.
Tuy nhiên là một người mẹ, quan điểm của tôi vẫn là học ra học và chơi ra chơi. Học hành phải đi đôi với vui chơi, giải trí, nếu chỉ bắt con học mà không cho đứa trẻ chơi thì về lâu về dài, chính bố mẹ đang làm hại đứa trẻ của mình. Chính vì hiểu rõ điều đó nên tôi muốn con trai được hưởng trọn vẹn mùa hè ý nghĩa, thoải mái vui chơi thay vì thúc ép con đi học thêm hè.
Ảnh minh hoạ
Đó là suy nghĩ của tôi, nhưng chồng tôi thì lại không nghĩ như thế. Anh ấy sinh ra trong gia đình khá đặt nặng chuyện thành tích nên với con trai của mình, anh ấy cũng áp dụng cùng một quan điểm giáo dục này. Chỉ cần là những vấn đề liên quan đến việc học tập của cậu quý tử, anh ấy không tiếc bất cứ điều gì mà luôn sẵn sàng chi "mát tay" số tiền lớn để đầu tư cho con trai.
Thằng bé chỉ vừa kết thúc năm học và nghỉ hè được một tuần, thì chồng đã bàn với tôi chuyện đăng lý lớp học thêm hè cho con. Bị tôi phản đối, anh ấy vô cùng tức giận. Thế là suốt mấy ngày nay hai vợ chồng chiến tranh lạnh, chỉ vì bất đồng quan điểm trong vấn đề này.
Chồng tôi bảo anh ấy là lao động chính trong nhà nên mọi việc phải do anh quyết. Thế là bất chấp chuyện tôi phản đối, anh đã tự mình tìm kiếm các lớp học thêm cho con trai. Cách đây vài hôm, anh bất ngờ thông báo đã tìm được chỗ học cho con rất ưng ý. Nhưng sau khi nghe anh nói ra mức học phí thì tôi suýt ngã ngửa, vì số tiền không hề rẻ chút nào.
Dĩ nhiên ban đầu tôi đã không thoả hiệp, thì giờ nghe mức học phí đắt đỏ thế này, tôi càng tỏ thái độ không hài lòng. Học phí hè cho con thôi mà hết cả tháng lương thì tiền đâu để chi tiêu các khoản khác trong nhà. Tôi khá bực dọc trước sự "cứng đầu" của chồng vì anh đã không nghe lời khuyên từ tôi.
Chuyện không chỉ dừng lại ở đó, mà đỉnh điểm dẫn đến sự "phát nổ" của tôi là khi biết được rằng, nguyên nhân chồng nhất quyết chi số tiền lớn để con trai đi học thêm hè ở trung tâm gần nhà là bởi vì thích cô giáo. Điều này tôi được nghe kể lại từ chính miệng cậu con trai 8 tuổi, thằng bé bảo rằng là bố đã nói với nó như vậy.
Sau khi biết được sự thật, tôi tức điên vì nghĩ chồng đã làm chuyện phản bội mình. Không cho anh ấy cơ hội giải thích, tôi "quậy phá" một trận tơi bời rồi hùng hổ viết đơn ly hôn yêu cầu anh ký, nhưng sau đó liền hối hận. Bình tĩnh nghe chồng giải thích, tôi mới biết hoá ra mọi chuyện không "bậy bạ" như tôi nghĩ.
Là do con trai còn nhỏ nên chưa biết cách diễn đạt ý rõ ràng, mới dẫn đến hiểu lầm "dở khóc dở cười" này. Không phải chồng tôi có tình cảm hay dan díu gì với cô giáo của con cả, "thích" ở đây có nghĩa là ưng ý và anh ấy cảm thấy hài lòng trước "cái tâm và cái tầm" của cô giáo này nên đã quyết định gửi con học hè ở đây.
Ảnh minh hoạ
Chồng tôi đã thuyết phục tôi với loạt những dữ liệu, thông tin mà anh đã dày công tìm hiểu về nơi mà con trai sẽ được gửi đi học hè khiến tôi muốn phản đối cũng khó. Bởi sau khi nghe anh nói, tôi đã khá thích vì ở đây con không phải bị bắt học hay nhồi nhét những kiến thức khoa giáo, sách vở rập khuôn mà chủ yếu sẽ được rèn luyện bằng các hoạt động kết hợp vừa chơi vừa học ngoài trời.
Không những thế, con còn được học các kỹ năng sống cần thiết, trau dồi và tự do phát triển các môn năng khiếu với sự hỗ trợ chu toàn từ giáo viên. Đây hoàn toàn là một môi trường hè thú vị, và hứa hẹn sẽ cho thằng bé nhà tôi những trải nghiệm đáng nhớ. Chính vì lẽ đó mà tôi đã đồng ý với quyết định của chồng.
Tâm sự từ độc giả huonggiang...@gmail.com
Các lớp học năng khiếu, và kỹ năng sống có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ em. Trước hết, chúng giúp trẻ khám phá và nuôi dưỡng các sở thích, tài năng độc đáo của bản thân. Thông qua các hoạt động như âm nhạc, nghệ thuật, thể thao hay khoa học, trẻ có cơ hội tìm kiếm và trải nghiệm những lĩnh vực mà chúng thực sự yêu thích. Điều này không chỉ giúp trẻ tìm kiếm niềm đam mê, mà còn tạo cơ hội để phát huy và rèn luyện những năng lực chuyên biệt.
Ngoài ra, những lớp học kỹ năng sống cũng trang bị cho trẻ những kỹ năng thiết yếu như giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc và thời gian. Những kỹ năng này rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và giúp trẻ trở nên tự lập, chủ động và có khả năng thích ứng cao. Trẻ được trang bị những "công cụ" hữu ích để vượt qua những thách thức, và áp lực trong quá trình trưởng thành.
Đáng chú ý là các lớp học này còn góp phần tăng cường sự tự tin và khả năng lãnh đạo của trẻ. Thông qua việc trình bày ý tưởng, làm việc nhóm và phát huy điểm mạnh, trẻ có cơ hội thể hiện bản thân, phát triển sự tự tin và khả năng dẫn dắt. Những kinh nghiệm quý báu này sẽ là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp và cuộc sống của trẻ sau này.
Hơn thế nữa, việc tham gia các hoạt động ngoài trời cũng giúp trẻ tìm được sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, rèn luyện thể chất và nuôi dưỡng tâm hồn. Điều này không chỉ giúp trẻ tránh được căng thẳng và áp lực vì bài vở, mà còn mở rộng mối quan hệ xã hội thông qua việc giao lưu, kết bạn và học hỏi từ những trẻ khác.