Đan Trường ngậm ngùi kể lý do con trai đánh bạn mà ai cũng bất ngờ.
Không phải những đứa trẻ thanh thiếu niên 15, 16 mới bắt đầu nổi loạn ở trường học hay xã hội mà ngay khi trẻ bước vào lứa tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học, các bậc cha mẹ cũng đã lo ngại nhiều vấn nạn như con bị bắt nạt hay xô xát, tranh giành, đánh nhau. Với mỗi đứa trẻ khi gặp phải tình huống này sẽ có những cách hành xử khác nhau.
Mới đây nam ca sĩ Đan Trường bất ngờ chia sẻ hình ảnh chụp chung với cậu con trai Thiên Từ đáng yêu. Thế nhưng chỉ với 2 dòng văn chia sẻ của anh đã khiến nhiều người phải bất ngờ. Theo ông bố một con, bé Thiên Từ hôm nay bị đỏ ở phần mắt, nguyên nhân là do... đánh nhau với bạn.
"Hôm nay bày đặt đánh nhau nữa, cũng may là con mắt mới bị đỏ, chưa bị bầm, hỏi tại sao con đánh nhau, tại bạn đánh con trước... Hay quá con ha" - anh Bo cho hay.
Như vậy có thể hiểu theo chia sẻ của cậu bé 5 tuổi, câu chuyện bắt đầu từ việc bé bị bạn đánh nên phản kháng lại bằng cách... đánh bạn luôn! Xô xát xảy ra khiến cậu nhóc bị đỏ ở mắt. Hiện tại Đan Trường vẫn chưa chia sẻ thêm tình hình hiện tại của con trai nhưng cũng đã rất nhiều người quan tâm.
Hành động đánh trả lại bạn khi bị bạn bắt nạt và đánh trước của bé Thiên Từ có lẽ không phải là hành động hiếm xảy ra ở các bé lứa tuổi mẫu giáo. Trước đó con trai Elly Trần - Alfie Túc Mạch cũng đã từng gặp trường hợp tương tự. Theo chia sẻ từ phía bà mẹ 2 con, con trai cô đã "áp dụng" lời mẹ dặn quá chính xác khiến Elly Trần chỉ biết cười ra nước mắt khi sự việc đã rồi, cô bị mời lên trường họp.
"Em có cảm giác bị phản bội các bác à. Chuyện là em có nói với thằng đệ nhà em, là nếu vô cớ bị bạn phát thì hãy nhanh tay phát lại một phát trước khi cô giáo đến giải quyết. Thằng bé nó thông minh nghe một hiểu mười, chỉ có điều khi cô giáo hỏi lại nó tại sao lại phát trả, nó lại khai tên em ra", Elly Trần kể chuyện, đính kèm icon "cười ra nước mắt" - Elly Trần kể.
Trên thực tế như đã nói ở trên, trẻ ở bất kì độ tuổi nào cũng dễ vướng vào các trường hợp bị bắt nạt, bạo lực dù là ở ngoài xã hội hay trong trường học.
Khi bị bắt bạt trẻ phản ứng thế nào? Giữ im lặng mách cô, hay đánh lại bạn?
Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách ứng phó với hành vi bắt nạt nếu nó xảy ra. Điều quan trọng cần lưu ý là không nên dạy trẻ phản ứng với hành vi bắt nạt bằng cách đánh nhau hoặc bắt nạt lại.
Thay vào đó, bố mẹ nên dạy trẻ tránh xa tình huống này, báo với giáo viên hoặc các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường; tìm đến những bạn khác để được giúp đỡ.
Nhiều người gợi ý rằng sự tương tác, gắn kết của bố mẹ sẽ giúp trẻ giảm thiểu tình trạng bị bạn bắt nạt, chuyên gia nghĩ gì về vai trò của bố mẹ trong vấn đề này?
Tình yêu thương, sự kết nối và ảnh hưởng của bố mẹ có sức mạnh to lớn đối với trẻ. Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Trong đó, bao gồm cả việc dự phòng và giúp trẻ ứng phó với hành vi bắt nạt; cũng như giúp trẻ xây dựng sức mạnh nội tại, lòng tự tôn để trẻ có thể tự bảo vệ và ứng phó với hành vi bắt nạt ở trường học.
Bố mẹ nên làm gì để dạy con xử lý và phòng ngừa bị bắt nạt ở trường?
Bố mẹ có thể chủ động giáo dục trẻ về vấn đề bắt nạt ở trường học để trẻ hiểu và có phản ứng phù hợp. Ví dụ, bố mẹ có thể nói chuyện với trẻ về bắt nạt là gì, chia sẻ những câu chuyện, bài học về bắt nạt, cách ứng phó với hành vi bắt nạt,…
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số cách thức sau đây để ứng phó và phòng ngừa bị bắt nạt ở trường:
- Chủ động tránh những kẻ có hành vi bắt nạt và hạn chế ở một mình, cụ thể, lưu ý trẻ không sử dụng nhà vệ sinh khi kẻ bắt nạt đang ở gần đó và xung quanh không có ai khác; chủ động kết bạn và luôn có bạn đi cùng hoặc tham gia cùng trong các hoạt động ở trường.
- Kiểm soát cảm xúc: Việc trẻ cảm thấy khó chịu, sợ hãi bởi kẻ bắt nạt là điều đương nhiên, nhưng chứng kiến điều này làm cho kẻ bắt nạt cảm thấy thích thú và sẵn sàng duy trì hành vi.
Vì vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số bài tập kiểm soát cảm xúc như “đếm đến 10”, hít thở sâu, giữ vẻ mặt bình tĩnh, hoặc bỏ đi thay vì phản ứng bằng cách khóc, đỏ mặt, buồn bã hoặc sợ hãi.
Ảnh minh họa.
- Không quan tâm, phớt lờ kẻ bắt nạt: dạy trẻ cách nói rõ ràng và dứt khoát để kẻ bắt nạt dừng lại, sau đó bỏ đi, đồng thời, hướng dẫn trẻ phớt lờ những nhận xét gây tổn thương như tỏ ra không quan tâm hoặc chú tâm vào một việc nào khác.
Bằng cách phớt lờ kẻ bắt nạt, trẻ đang cho thấy là trẻ không quan tâm, vì vậy, kẻ bắt nạt có thể cảm thấy nhàm chán và không tiếp tục hành vi bắt nạt.
- Nói với người lớn: Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự hỗ trợ từ người lớn (đặc biệt là giáo viên và các lực lượng giáo dục trong nhà trường) bởi đây là những người sẵn sàng hỗ trợ trẻ và có biện pháp để ngăn chặn hành vi bắt nạt.
- Chia sẻ: Bố mẹ có thể tạo điều kiện, khơi gợi để trẻ chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm ở trường học của mình. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng khuyến khích trẻ chia sẻ với bạn bè, giáo viên hoặc bất kỳ ai mà trẻ tin tưởng.
Việc chia sẻ này có thể giúp trẻ giải toả cảm xúc, thiết lập các mối quan hệ xã hội, xác lập các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời có thêm các gợi ý về cách thức ứng phó và dự phòng hành vi bắt nạt khi trẻ không có bố mẹ bên cạnh.