Ông bố trẻ Đăng Khôi và con trai nhỏ đã có một ngày trổ tài đi chợ vào bếp để cậu bé có thêm hiểu biết về cuộc sống thực tế.
Khi trẻ vào lớp 1, cũng là lúc con biết đến “đồng tiền” dù mẹ có muốn hay không. Hotmom Thuỷ Anh cũng như nhiều gia đình không cho con tiền sớm, nhưng bạn bè xung quanh con đều có tiền để tiêu, không thể tránh việc con xin tiền mẹ, đòi hỏi mẹ mua quà mỗi khi đi siêu thị và thích ăn nhà hàng, chê cơm nhà...
Với nhiều gia đình, chuyện đi chợ cơm nước được mặc định là… chuyện phụ nữ. Vậy nhưng hóa ra, giao chuyện bếp núc này cho chồng con đôi khi lại nhận về những thành quả vô cùng ngọt ngào. Câu chuyện của gia đình bỉm sữa Đăng Khôi – Thủy Anh là một ví dụ.
Thường xuyên là người đảm nhiệm việc cơm nước, hotmom Thủy Anh mới đây đã quyết định ra một thử thách nhỏ cho bé Ken và ông xã Đăng Khôi: Làm sao để có thể đi chợ chỉ với 85 nghìn đồng và nấu một bữa ăn tươm tất cho cả gia đình 2 người lớn, 2 em bé với mức chi phí đắt đỏ tại thành phố?
Hot mom Thủy Anh chia sẻ, việc giao cho hai bố con thử thách một ngày đi chợ và giúp đỡ mẹ trong các công việc gia đình có ý nghĩa rất lớn. Đây không chỉ là cách giúp bé Ken có thêm nhiều kỹ năng thực tế trong cuộc sống, biết cách chi tiêu, hiểu được giá trị đồng tiền mà đồng thời còn là khoảng thời gian để cho hai bố con thêm gắn bó.
Mặt khác, được tự tay mua đồ, chế biến các món ăn trong gia đình cũng giúp bé Ken hiểu hơn sự vất vả của mẹ và hào hứng hơn trong ăn uống vì được là người từ quyết định bữa ăn của bản thân.
(Clip: Đăng Khôi và con trai đi chợ nấu ăn với 85 nghìn)
Thử thách đi chợ chỉ với 85 nghìn đồng để sửa soạn một mâm cơm cho 4 người ăn thực sự không đơn giản. Ông bố trẻ Đăng Khôi và bé Ken đã có một ngày trổ tài đi chợ vào bếp đầy ý nghĩa. Với 85 nghìn đồng, điều đầu tiên hai bố con ngậm ngùi nhận ra rằng hôm đó sẽ không có hải sản.
Sau một hồi cặm cụi đảo qua nhiều gian hàng trong chợ, có vẻ như bố con Đăng Khôi - Ken cũng đã lựa chọn cho mình được những nguyên liệu cần thiết cho một bữa ăn: 40 nghìn tiền thịt gà, 15 nghìn tiền thịt băm, 10 nghìn tiền đậu phụ, 10 nghìn tiền cà chua và hành, thêm 5 nghìn tiền lá lốt và 5 nghìn tiền bột chiên là vừa in 85 nghìn.
Riêng Ken còn được bác bán thịt gà tặng miễn phí một ít trứng gà nữa. Kiểu này chắc mẹ Thủy Anh sẽ để hai bố con đi chợ thường xuyên hơn.
Một nửa thử thách đã xong, phần còn lại cũng không kém phần khó khăn khi hai bố con phải nghĩ làm sao với những nguyên liệu đó chế biến được một bữa ăn thịnh soạn. Gà thì tẩm bột chiên nước mắm, thịt cuốn lá lốt rán, đậu phụ sốt hành. Lúc này, hai bố con mới phát hiện ra chưa có món rau nào cả.
Cuối cùng, hai bố con cũng đã khéo léo xoay sở, tìm ra được hai quả dưa chuột và có món salad cà chua dưa chuột ngon lành.
Những hình ảnh hai bố con bên thành quả mâm cơm thịnh soạn cùng cả gia đình.
Đăng Khôi và Ken bên mâm cơm tươm tất đã chuẩn bị sau một buổi sáng đi chợ.
Mâm cơm tươm tất đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả gia đình.
Nhìn thành quả lần này, mẹ Thủy Anh không khỏi tự hào vì hai bố con Đăng Khôi và Ken. Thử thách đi chợ với 85 nghìn đồng không chỉ để hai bố con có thời gian bên nhau mà còn để chồng và con hiểu được mỗi ngày đi chợ nấu ăn cũng là một lần tính toán đau đầu của các bà mẹ: Nay nên ăn món gì? Chi ra bao nhiêu tiền thì hợp lý? Món này bố nó và các con có thích ăn không?
Bố Đăng Khôi thực sự đã vượt qua thử thách đi chợ nấu ăn xuất sắc và Ken cũng đã học được thêm một kỹ năng chi tiêu tưởng chừng "chưa phải việc của con" nhưng hóa ra hết sức quan trọng.
"Nhiều người cho rằng, để trẻ biết tiêu tiền sớm là không tốt, khiến cho con có suy nghĩ về vật chất quá từ nhỏ. Chúng ta cũng từng nói nhiều về câu chuyện sự cần thiết của việc dạy con kiến thức giới tính, mà quên đi mất việc dạy con trẻ con về giá trị vật chất và tiền bạc cũng quan trọng như vậy.
Sự cấm đoán đến nghiêm khắc của phụ huynh đôi khi dẫn đến suy nghĩ tiêu cực của trẻ nhỏ về vấn đề tiền bạc. Dạy con về “đồng tiền”, nói sao cho khéo đôi khi không đơn giản", Thuỷ Anh kết luận.
Cách dạy con ứng xử với tiền theo quan điểm của TS Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội): Theo tôi, trước hết bố mẹ hãy cho con làm quen với tiền. Điều này được áp dụng từ khi trẻ ở độ tuổi mầm non và áp dụng với chính con gái của mình. Theo đó, tôi đem tiền đi photo ra rồi cho con chơi đồ hàng trong nhà bằng những đồng tiền giả ấy. Để khỏi bị mắc tội sản xuất tiền giả (vi phạm pháp luật), tôi chỉ in có 1 mặt thôi, mặt kia trắng xóa. Tôi dạy con nhận biết tiền to tiền nhỏ không phải bằng cách đọc con số. Điều lưu ý là mọi thứ tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới đều tuân theo quy luật: Tờ nào mệnh giá to thì kích thước nó to. Để con quen với việc đó, tờ tiền to thì in to đùng, tờ tiền mệnh giá nhỏ, thì in nhỏ xíu. Trẻ mầm non rất giỏi về cảm nhận nên không ngại việc nhận biết tiền khi các cháu còn nhỏ. Sau một thời gian chơi bằng tiền photo, con sẽ quen với tiền và các mệnh giá tiền. Tiếp đến tôi dạy con cách giữ gìn tiền. Vẫn là tờ tiền photo, tôi hướng dẫn con làm cái ví bằng giấy (vụ này phụ huynh nào cũng biết làm cả). Tôi dặn con hãy giữ tờ tiền phẳng phiu bằng cách cho vào ví giấy. Khi giao dịch với bạn bè lúc chơi đồ hàng, con có chi tiền hay thu tiền thì xong vẫn nên cho vào ví cho đẹp. Tôi tiền đẹp sẽ thể hiện con là em bé biết giữ gìn. Vì thế, con rất thích ví, có lần bé còn đem bút mầu ra vẽ loăng quăng lên ví cho đẹp. Dạy con về giá trị thật của tiền. Từ khi con 2 tuổi, tôi đã đưa tiền cho con đi mua hàng. Đơn giản chỉ là gói muối, gói hạt tiêu. Cửa hàng là bác hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu con tự đi, mẹ đi đằng sau. Buổi sau mẹ sẽ đứng nhìn từ xa. Vài lần như vậy, mẹ sẽ kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà. Con hiểu về tiền bằng hành động đó nên sẽ rất hào hứng chơi trò đồ hàng với tiền photo đấy các mẹ ạ. Dạy con chi tiêu: Vào bậc tiểu học, con cần được làm quen nhiều hơn nên việc bị sai đi mua hàng ở hàng xóm sẽ nhiều hơn nhiều. Con cũng được phép vào siêu thị cùng bố mẹ với 1 khoản tiền nhỏ muốn mua gì thì mua. Lúc đó cha mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con. Dạy con lập kế hoạch chi tiêu: Khi con đã lên lớp 5, tôi dạy con lập kế hoạch chi tiêu cho 1 khoản tiền lớn hơn. Bài toán là: Con có 1 khoản tiền dành cho 1 công việc nào đó của con (tôi hay lấy việc chuẩn bị đồ dùng học tập của con để làm công việc con thực hiện). Khoản tiền đó bố mẹ vẫn giữ nhưng con biết là sẽ có. Con lập kế hoạch mua sắm sao cho đủ tiền mà chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Tôi hướng dẫn con lập bảng bằng giấy và tự tính toán sao cho phù hợp. Con đã học đến lớp 5 thì mọi tính toán là đều làm được rồi. Tuy nhiên, tính kiểu đơn giản thì con sẽ dễ làm hơn là các phép tính phức tạp của kế toán. Để con tính toán và xử lý số tiền phù hợp nhất, tôi đưa con đến các siêu thị, cửa hàng để con khảo giá. Sau khi khảo xong, con tự tính toán và quyết định mua gì ở đâu. Số tiền tôi đưa ra thường ít hơn số cần thiết 1 chút để con phải đau đầu tính toán. (Đưa nhiều không có giá trị dạy con tiết kiệm). Phần lưu ý trong bảng con sẽ ghi địa chỉ mua món hàng đó (cửa hàng nào bán rẻ và chất lượng mà). Sau khi con đã có bảng chi tiêu rõ ràng, tôi giao tiền cho con và cùng con đi mua. Sau lần đó, con tiết kiệm hẳn và rất nhận thức được việc phải giữ gìn đồng tiền thế nào. Dạy con giữ tiền và chi tiêu hợp lý Sau khi con đã qua bước số 5, tôi bắt đầu giao tiền cho con giữ. Thay vì cho con tiền tiêu hàng ngày như các mẹ, tôi cho con hẳn 1 khoản to để tiêu trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Nếu con làm mất hay tiêu lẹm vào thì con sẽ phải nhịn ăn sáng hoặc ăn ít đi. Tuy nhiên, nếu tôi phát hiện ra con nhịn ăn sáng, tôi sẽ phạt rất nặng. Con tôi đã "chống" lại tình trạng đau khổ đó bằng cách mua gạo về thổi xôi sáng. Theo Infonet |