Mắt đứa trẻ sáng trưng, hạnh phúc ngay vào khoảnh khắc nhìn thấy chồng tôi.
Tôi cảm thấy bản thân thật may mắn khi có được một gia đình hạnh phúc, ông xã là người tâm lý, yêu gia đình và cậu con trai thừa hưởng những ưu điểm của bố. Dù không quá giàu có nhưng nhiều người đều nhận xét gia đình tôi đúng chuẩn gia đình kiểu mẫu mà mọi cặp đôi đều mong muốn sau khi bước vào hôn nhân.
Tuy nhiên, ông trời quả thực không cho ai tất cả, nếu tôi có thể sinh thêm được một cô con gái thì có lẽ mọi thứ đã trọn vẹn hơn. Thế nhưng tôi lại không may hiếm muộn, giờ lại bị mãn kinh sớm nên không thể sinh con được nữa. Đó là điều mà tôi hối tiếc nhất cuộc đời, tôi vẫn luôn thấy buồn phiền về chuyện này nhưng chồng đã luôn ở bên cạnh thấu hiểu và động viên vợ. Anh chưa bao giờ tạo áp lực cho tôi về vấn đề phải sinh bao nhiêu con, hay phải sinh “đủ nếp, đủ tẻ”.
Nhờ chồng tâm lý mà tôi dần học cách chấp nhận, tận hưởng niềm hạnh phúc mình đang có ở hiện tại. Vì quả thực, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được một gia đình viên mãn như tôi. Ngoài kia, còn có rất nhiều bà mẹ phải đơn thân nuôi con, một mình gánh vác cuộc sống mà không có người đàn ông bên cạnh.
Ảnh minh hoạ
Giống như hoàn cảnh của một chị đồng nghiệp làm chung công ty mà tôi được chứng kiến vào tuần trước, cho đến tận hôm nay tôi vẫn còn rất xúc động khi nhớ về buổi tối đó. Chuyện bắt đầu khi tôi mời chị ghé nhà chơi, mặc dù tôi và chị chỉ mới quen biết nhau nhưng vì cực kỳ thích tích cách của chị nên tôi đã sớm xem chị giống như người thân trong nhà.
Dĩ nhiên tôi cũng chưa được nghe qua chuyện chị đang làm mẹ đơn thân, mãi cho đến khi chị dắt theo một bé gái chừng 5 tuổi đến nhà, tôi mới ngạc nhiên. Vì để đón tiếp chị chỉn chu, tôi đã chuẩn bị một bữa cơm tối ấm cúng. Lúc chị ghé nhà là 7 giờ tối, chồng tôi cũng có ở nhà và anh là người ra mở cửa.
Tuy nhiên đúng vào khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy chồng tôi, gương mặt chị đồng nghiệp có chút hoảng hốt, còn con gái chị ấy thì bất ngờ chạy đến ôm chầm lấy chồng tôi rồi còn gọi “bố” ngọt sớt. Tình huống này xảy ra khiến tôi đứng hình, vô cùng hoang mang vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Lúc này, chị đồng nghiệp mới tiến lại kéo con gái ra khỏi người chồng tôi. Con bé vẻ mặt vô cùng hạnh phúc, quay sang mẹ nó và nói:
- Mẹ ơi! Là bố mẹ ạ, bố đã về với mẹ con mình rồi!
- Không phải đâu con, chú này chỉ giống bố thôi chứ không phải bố! Bố đã đi đến một nơi rất xa, bố ở bên đó sống rất tốt và có thể sẽ không về với mẹ con mình nữa! Con là đứa trẻ ngoan, con hiểu lời mẹ nói mà đúng không?
- Con không muốn, con muốn bố ở với mẹ và con, con nhớ bố, con cần bố!
Đoạn hội thoại giữa chị đồng nghiệp và con gái khiến tôi ngay lập tức hiểu ra vấn đề, hoá ra chồng chị đã mất và hiện tại chị ấy đang làm mẹ đơn thân. Nhìn thấy con gái chị ôm mẹ bật khóc nức nở, cả tôi và chồng chứng kiến cảnh tượng này đều không khỏi xúc động. Chị đồng nghiệp ngại ngùng xin lỗi vợ chồng tôi vì chuyện “hiểu lầm” vừa xảy ra. Tôi cảm thấy rất thương cho hoàn cảnh của chị.
Ảnh minh hoạ
Có lẽ vì chịu nỗi đau mất mát quá lớn nên con gái nhỏ của chị ấy vẫn chưa hiểu và chưa chấp nhận được điều này. Vẻ mặt thất vọng của đứa trẻ ngày hôm đó làm tôi cứ ám ảnh mãi. Cuối cùng sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã quyết định bàn bạc với chồng về việc nhận con bé làm con nuôi. Dù sao việc có một cô con gái là điều mà tôi vẫn hằng ao ước, nhưng không bao giờ có cơ hội biến nó thành hiện thực được nữa, và đây chính là cơ hội mà ông trời ban xuống cho vợ chồng tôi.
Được sự đồng ý của chồng, tôi đã quyết định đến nhà chị đồng nghiệp và bày tỏ nguyện vọng này. Lúc nghe tôi nói, chị đồng nghiệp cảm động bật khóc, miệng không ngừng cảm ơn vợ chồng tôi rối rít. Còn con gái của chị kể từ sau khi biết tin này, đứa trẻ đã ngày càng trở nên vui vẻ hơn trước đây rất nhiều.
Tôi thực sự hạnh phúc với quyết định của mình ngày hôm đó…
Tâm sự từ độc giả thuphuong…@gmail.com
Sự mất mát trong cuộc sống là một trong những trải nghiệm đau khổ, và khó khăn nhất. Đối với người lớn, việc đối diện với những nỗi đau, sự mất mát vốn dĩ đã khó, với trẻ em thì trải nghiệm này càng khó khăn hơn. Khi trẻ đối diện với những đau buồn, mất mát lần đầu tiên trong cuộc đời, trẻ có thể không định nghĩa được cảm giác của mình.
Điều này có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt từ phía người lớn. Trong suốt quá trình này, việc giúp trẻ hiểu và chấp nhận sự thật về nỗi đau, sự mất mát là rất quan trọng để trẻ có thể vượt qua giai đoạn đau buồn, và hồi phục sau sự mất mát.
Cách mà trẻ phản ứng trước những nỗi đau, sự mất mát sẽ khác nhau tùy vào từng độ tuổi và kinh nghiệm cuộc sống mà trẻ đã trải qua. Việc hiểu rõ những khác biệt này sẽ giúp người lớn có thể đưa ra những hành động, phương pháp hỗ trợ và chăm sóc phù hợp. Như vậy, mới không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, ngược lại còn có thể khiến nhận thức và quá trình phát triển tính cách, tâm lý của trẻ đạt được hiệu quả lành mạnh nhất.
Trước vấn đề này, có 3 bước chung trong vấn đề này để bố mẹ có thể giúp con vượt qua được những cú sốc, nỗi đau mất mát trong cuộc sống. Bước đầu tiên được gọi là bước chấp nhận, nghĩa là bố mẹ cùng ngồi xuống với con, để quan sát và trò chuyện cùng con, từ đó đánh giá xem con đã chấp nhận được sự thật về một mất mát nào đó hay chưa.
Sau bước này sẽ đến bước tìm kiếm, nghĩa là khơi dậy, kích thích những cảm xúc thật của trẻ, thay vì để con kìm nén hay lãng tránh nó. Có thể tại thời điểm đó, trẻ sẽ cảm thấy kinh hoàng, hoảng sợ không biết cần làm gì để đối diện với nỗi mất mát, nhưng bố mẹ hãy giúp con hình dung về hoàn cảnh đã xảy ra để con hiểu và cảm nhận.
Cuối cùng là bước thấu hiểu, nghĩa là bố mẹ lắng nghe con, chia sẻ, an ủi, động viên con để giúp con hiểu và chiêm nghiệm ra được những thông điệp tích cực từ trong những mất mát của cuộc sống. Ngoài những nỗi buồn, con sẽ nhận được niềm vui hay ý nghĩa, bài học gì cho bản thân từ sự mất mát này.