Cháu gái ngây thơ nói một câu mà ông nội liền thay đổi quyết định.
Sau khi chồng qua đời, tôi làm mẹ đơn thân, một mình nuôi cô con gái nhỏ học lớp 5. Làm lụm tích góp bao năm, vợ chồng cũng đã có nhà riêng chứ không sống cùng với ông bà nội ngoại. Lúc chồng mất, tôi cũng không dọn về quê để nhờ ông bà đỡ đần mà tự mình bươn chải lo cho con.
Dù thương con còn nhỏ đã thiếu đi tình yêu của người bố, nhưng cũng không vì thế mà tôi nuôi dạy con một cách vô tội vạ, thích gì được nấy chỉ vì muốn bù đắp sự thiệt thòi mà con đang chịu. Để con sau này đứng vững trên đôi chân của mình, không phải phụ thuộc bất kỳ ai và ngại bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đã dạy con kỹ càng mọi thứ.
Ảnh minh hoạ
Chính vì được giáo dục cẩn thận, nên tôi cực kỳ hạnh phúc khi đi đến đâu là người ta cũng khen con gái tôi vừa học giỏi, tính tình hiền lành lại rất ngoan ngoãn, lễ phép. Ai gặp con bé cũng mến, tôi cảm thấy vui và tự hào về điều đó. Không chỉ còn nhỏ đã biết thương mẹ, đỡ đần mẹ mà con bé còn rất hiếu thuận với ông bà nội ngoại.
Suốt những năm qua, dù chồng không còn nữa, nhưng tôi vẫn thay anh chăm sóc bố mẹ chồng, làm tròn bổn phận của một người con dâu. Tôi hài lòng về bản thân khi luôn biết đặt gia đình làm cái gốc để sống. Một số người “độc miệng” cũng nhiều lần nói bóng gió rằng tôi nịnh nọt bố mẹ chồng để được hưởng thừa kế, tuy có chút khó chịu nhưng tôi tự hiểu bản thân từ trước đến nay chưa bao giờ nghĩ đến điều này.
Cách đây vài ngày, bố mẹ chồng gọi cả nhà, các anh chị em về họp mặt gia đình. Ông bất ngờ thông báo về việc chia đất. Bố chồng chia sẻ tuổi của bố và mẹ đều đã cao, chuyện sống chết không ai lường trước được nên nhân lúc còn khoẻ và đủ minh mẫn thì viết di chúc, phân chia tài sản cho con cháu.
Gia đình chồng tôi có 3 người anh em, trước anh có một anh trai và sau anh có cô em gái. Cả hai đều đã lập gia đình, và sinh sống ở các thành phố khác nhau. Ban đầu, vì trong khối tài sản của bố mẹ chồng, chỉ có 2 mảnh đất sát ngôi nhà đang ở nên 3 con thì chỉ có 2 con được chia đất. Gia đình tôi đã có nhà riêng, còn anh trai và em gái của chồng vẫn ở nhà thuê. Đó là lý do mà bố chồng quyết định để lại 2 mảnh đất này cho con trai cả và cô con gái út, để các con đều an cư lập nghiệp.
Trong di chúc, bố mẹ chồng để lại cho 2 mẹ con tôi ít vàng, cùng cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu. Tôi ngại nên nhất quyết từ chối nhưng bố mẹ chồng kiên quyết bảo tôi phải nhận, ông nói không phải cho tôi mà là cho cháu gái sau này có một cuộc sống tốt hơn. Tôi không có bất kỳ ý kiến gì với di chúc của bố chồng, vì đó là tài sản của ông bà, ông bà muốn cho con cháu như thế nào thì cũng là quyền ông bà quyết.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên dường như nghe lén được chuyện phân chia tài sản này của ông nội, con gái tôi từ đã từ trong phòng chạy ra ôm mẹ, sau đó đứa trẻ nhìn ông và nói một câu khiến cả nhà chết lặng. Đứa trẻ nói với giọng ngây thơ:
- Ông ơi, sao ông không cho mẹ và con đất ạ. Mẹ con thương ông bà lắm, lúc nào mẹ cũng nhắc về ông bà, lo cho sức khoẻ của ông bà và bảo con phải ngoan ngoãn, hiếu thuận với ông bà. Lúc ông bà đau ốm cũng là mẹ đã chăm sóc ông bà, trả tiền viện phí đấy ạ! Còn các bác thì ở xa, lúc nào mẹ con điện cũng bảo bận công việc. Mẹ con vất vả lắm, ông bà cho mẹ con đất để mẹ con có thật nhiều tiền, như vậy thì mẹ sẽ không đi làm cực khổ nữa. Mẹ sẽ ở nhà nấu ăn cho con, và về chơi với ông bà thường xuyên, có được không ông?
Tôi không ngờ, con gái mới học lớp 5 lại có thể suy nghĩ già dặn và nói ra được những lời như thế. Sau khi nghe cháu gái nói, anh trai và cô em chồng đều nhìn tôi với ánh mắt tức giận, có lẽ họ nghĩ là tôi đã dạy con nói như thế. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không biết gì về tình huống này. Tôi nhận ra hàng ngày, dường như con cực kỳ để ý đến những việc mẹ làm, chính vì lẽ đó mà con mới có thể quan sát thấy và nêu ra được những cảm nhận, quan điểm của bản thân như thế.
Không chỉ tôi, mà bố chồng sau khi nghe câu nói từ cháu gái cũng đã trầm ngâm, suy tư rất lâu. Cuối cùng 3 ngày sau đó, bố chồng bất ngờ thông báo về sự thay đổi trong quyền thừa kế đất. Lần này, tôi quyết từ chối và có chia sẻ rõ với bố chồng về việc, bản thân muốn dạy con trở thành một người hiếu thuận từ trong tâm, chứ không hy vọng con sẽ hiểu lầm, có nhận thức lệch lạc rằng chỉ khi hiếu thuận với ông bà thì ông bà mới để lại tài sản, vật chất cho mình.
Sau khi từ chối bố chồng xong, tôi đã có một cuộc tâm sự với con gái và dạy cho con hiểu rõ về lòng hiếu thuận một cách đúng đắn nhất, hy vọng con lớn lên sẽ yêu thương gia đình bằng cả trái tim chân thành, không chút vụ lợi cá nhân…
Tâm sự từ độc giả Phamduyen…@gmail.com