Nhờ con trai mà tôi được "cứu".
Kể từ khi con trai chào đời, vợ tôi nghỉ làm hẳn công việc văn phòng, tập trung ở nhà dành thời gian chăm sóc đứa trẻ. Có chút vốn để dành từ trước, hai vợ chồng mở một tiệm tạp hoá tại gia để vợ tôi vừa tiện buôn bán, vừa có thể trông con. Bình thường con đi học mẫu giáo cũng đỡ phần nào, nhưng nay nghỉ hè nên thằng bé ở nhà mỗi ngày với mẹ.
Vợ ở nhà chăm sóc gia đình, tôi cũng rất yên tâm mà tập trung cày cuốc. Tôi là dân xây dựng nên thú thực là công việc vô cùng bận rộn. Nhưng vì thu nhập ổn nên mấy năm nay tôi vẫn nỗ lực gắn bó với nghề. Người ta nói chăm con vất vả hơn đi làm, tôi cũng rất hiểu cho vợ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mỗi ông bố bà mẹ khi có con rồi thì sẽ có những trách nhiệm khác nhau cần phải thực hiện.
Với gia đình tôi thì "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Tôi bươn chải kiếm tiền lo kinh tế gia đình, ban ngày hàng đống thứ phải giải quyết nên khi tan tầm trở về nhà, tôi dường như kiệt sức và chỉ muốn nghỉ ngơi. Ngày thường thấy tôi như thế, vợ sẽ tận tình cơm bưng nước rót và để tôi được nghỉ ngơi. Nhưng thời gian gần đây, cô ấy lại thường xuyên bắt tôi phải thức khuya đến cạn cả sức lực.
Ảnh minh hoạ
Và nguyên nhân duy nhất khiến tình huống này xảy ra có lẽ sẽ không ai ngờ đến, đó là vợ tôi thực sự rất mê bóng đá. Và vì mê môn thể thao vua này nên mùa Euro đến là cô ấy xem không sót trận nào, dù có thức đến sáng. Nhưng dĩ nhiên là cô ấy sẽ không xem một mình, bảo là chán, buồn nên muốn chồng xem cùng. Và thế là mọi người hiểu rồi đó, tôi có mắt nhắm mắt mở cũng phải xem cùng vợ.
Những ông chồng nào trong hoàn cảnh giống tôi chắc sẽ rất đồng cảm. Không phải là tôi không thích xem bóng, nhưng thú thật thời gian nghỉ ngơi còn không đủ thì lấy đâu ra thời gian xem. Mà đã thế mỗi trận đấu đều được chiếu rất trễ và kết thúc vào lúc mặt trời sắp mọc.
Vợ tôi làm ở nhà có thể linh động được thời gian, buồn ngủ thì đóng cửa tiệm ngủ lấy lại sức. Nhưng tôi thì đâu có dễ dàng như vậy, tôi đi làm công ăn lương cho họ mà. Tối nào sau khi dỗ cho con trai ngủ xong là hai vợ chồng lại lén la lén lút thức xem ở phòng làm việc của tôi, vì phòng khách khá gần phòng ngủ, sợ con trai tỉnh giấc nên mới chuyển vào phòng này.
Tuy nhiên giấu được từ đó đến nay thì đêm hôm qua, con trai cuối cùng cũng đã phát hiện ra sự tình. Thằng bé giật mình tỉnh giấc nửa đêm không thấy mẹ, thế là lo sợ quá nên đã đi tìm. May nhờ có con trai mà tôi được "cứu" thoát khỏi hoàn cảnh này.
Khi thấy bố mẹ thức xem tivi, thằng bé giận hờn trách sao bố mẹ bỏ mình, sao không rủ con xem cùng, sao bố mẹ thức khuya nhưng lại bắt con phải đi ngủ sớm... Trước hàng vạn thắc mắc của con trai, vợ tôi như cứng hết cả người, cô ấy tìm cách đánh lạc hướng thằng bé rồi dỗ con về lại phòng ngủ.
Ảnh minh hoạ
Nhưng mọi người biết gì không, vào những ngày sau đó, đứa trẻ liên tục thức dậy vào lúc nửa đêm. Con chỉ giả vờ đi ngủ, rồi sau đó thức dậy đi vào phòng làm việc của tôi, xin bố mẹ cho mình xem bóng cùng vì ngủ không được. Thực ra đó chỉ là lý do con bịa ra, chứ tôi biết có thể là con sợ ngủ một mình, hoặc con thấy bố mẹ thức xem đá bóng nên bắt chước theo. Chứ thằng bé còn nhỏ thế thì sao bị mất ngủ được, trước giờ tôi thấy con vẫn ăn no ngủ khoẻ đấy thôi.
Sau cùng vì "sự cố" này mà vợ tôi hết cách, đành lén tự xem bóng một mình, còn để tôi dỗ dành con trai ngủ cho thằng bé an tâm yên giấc. Tôi mừng húm vì nhờ như thế mà mình mới được ngủ nhiều hơn. Chứ cứ thế này đến hết mùa giải Euro chắc tôi phải nhập viện mất thôi.
Tâm sự từ độc giả buihuy...@gmail.com
Cha mẹ nên làm gì khi con sợ hãi?
Chúng ta đều biết mỗi người luôn có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thế nhưng, khi nghe trẻ nói về sự sợ hãi mà con đang trải qua thì có một vài ông bố bà mẹ lại cười phá lên, thậm chí trêu chọc hoặc gạt đi “Có gì mà phải sợ". Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm sợ hãi vì không có ai ở bên cạnh bảo vệ, đồng thời cảm thấy bản thân thật tệ vì "có thế mà cũng sợ". Sự tổn thương về tâm lý này sẽ khiến con ngày càng khép kín và xa cách với cha mẹ. Do đó, thay vì cười nhạo con, các cha mẹ nên:
1. Đồng cảm với nỗi sợ hãi của trẻ
Con người có cảm xúc sợ hãi là điều hết sức bình thường, bởi thực tế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra sợ sệt, muốn được cha mẹ bảo vệ thì bạn hãy kiên nhẫn xoa dịu cảm xúc của con, và từ từ hướng dẫn con nói về nguyên nhân gây nên nỗi sợ này.
Và cho dù nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, vớ vẫn, viễn vông thì bạn vẫn không nên chê bai con là đứa rụt rè, nhút nhát. Vì nếu bạn nói như thế, trẻ sẽ bất an hơn và sợ hãi hơn.
2. Không hù dọa trẻ
Hù dọa cho con sợ như "không ăn là sẽ gọi chú công an" hay "không ngủ là ông kẹ bắt”... là "đặc sản chung" của các cha mẹ. Song, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vẫn chưa phân biệt được đâu là thực tế, đâu là mộng ảo nên bé sẽ xem tất cả những lời nói đó là sự thật. Từ đó, trong tâm trí của con sẽ hình thành nên nỗi sợ hãi. Thế nên, cha mẹ tuyệt đối không nên hù dọa con.
3. Cha mẹ có thể cho con khám phá điều khiến con sợ hãi
Một số trẻ sợ côn trùng, một số trẻ sợ bóng tối,... Điều này chứng tỏ nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Và để có thể đánh tan được sự lo lắng sợ hãi này, cha mẹ có thể cùng con khám phá thứ làm con sợ.
Ví dụ như cả nhà đi ngắm đàn kiến tha mồi về tổ, ngắm ốc sên chậm rãi bò lên cây, chơi trò tắt đèn, hay chơi trò bóng tối để trẻ từng bước từng bước chế ngự được nỗi sợ của bản thân. Vì suy cho cùng, khi đi biết sự vật sự việc đó là gì, hay biết mình hoàn toàn có thể làm chủ được nó thì trẻ sẽ không còn sợ hãi nữa.