Khi mới chập chững tập đi, bé Gạo đã biết tự cất gối sau khi ngủ dậy, rửa tay sau ăn và tự vứt rác vào đúng nơi quy định.
Video: Chị Đỗ Hồng Trang dạy con đọc sách
Bé Gạo được mẹ đọc sách, kể chuyện cho nghe khi vẫn còn đang trong bụng mẹ. Lúc 2 ngày tuổi con đã được bố mẹ kích thích thị giác bằng thẻ học đen trắng. Nhìn cái cách mà vợ chồng anh Vũ Văn Hiển (SN 1992) và chị Đỗ Hồng Trang (SN 1993) ở Hà Nội dạy con, không ít người nói rằng “khác người”. Thế nhưng, chính cách rèn giũa đó đã tạo nên một em bé mới 26 tháng tuổi nhưng rất chững chạc, tự lập và vô cùng hiểu chuyện.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Đỗ Hồng Trang và anh Vũ Văn Hiển
Bố mẹ kích thích thị giác cho con bằng thẻ học từ lúc 2 ngày tuổi
Bản thân là cô giáo mầm non nên chị Trang không ngừng tìm hiểu kiến thức giáo dục trẻ nhỏ. Ngay từ những ngày còn đang yêu nhau, hai anh chị thường xuyên tham dự các chương trình cha mẹ thông thái của chuyên gia giáo dục tổ chức.
Ngay từ khi biết mình mang thai, hai vợ chồng chị đã cùng nhau đọc sách cho con nghe mỗi tối, đọc một cách nghiêm túc và đều đặn. Khi em bé ra đời, ngay ngày thứ 2 sau sinh, bố mẹ đã kích thích thị giác cho con bằng thẻ đen trắng dần dần đến thẻ màu sắc. Sau đó là rèn vận động thô, vận động tinh thông qua việc dùng bảng trò chơi cho bé và rất nhiều các trò chơi khác bố mẹ tự nghĩ ra để đôi tay con trở nên khéo léo, nhanh nhạy.
Dù rất bận rộn nhưng anh Hiển luôn tranh thủ thời gian để chơi cùng con
Nói về phương pháp đọc và hướng dẫn con đọc sách, mẹ trẻ cho biết: “Việc đọc sách tác động rất nhiều đến thói quen và sự phát triển bộ não của trẻ nhỏ. Hiện tại, cứ đi học về, ăn nhẹ gì đó là hai mẹ con học bài và đọc sách 30 phút. Trước khi đi ngủ cũng chơi và đọc sách 15 phút. Như vậy, mình thường cố định 2 khung giờ như vậy để đọc sách cùng con. Chẳng cần nhắc nhở, đến giờ là con tự giác lấy sách, có hôm mẹ đọc, có hôm con nhìn tranh và đọc cho mẹ nghe”.
Chị dạy con bằng các thẻ học thông minh có chữ, số và hình ảnh, giờ đây con đã đọc được một số từ đơn giản. Khi đọc sách, chị Trang chỉ vào từng chữ đọc to, rõ ràng và lặp lại cho con nghe, từ đó, con tự nhớ tên sách, nội dung sách và có thể tự đọc khi bố mẹ bận. Có những lần đi nhà sách con bắt gặp 1 cuốn sách con đã đọc trước đó rất lâu, con ngồi xuống, chỉ vào từng chữ và đọc rành mạch.
Bé Gạo được mẹ trang bị cho rất nhiều thiết bị và dụng cụ học thông minh
Theo quan điểm của bà mẹ trẻ, đọc sách giúp con có thói quen tốt, giúp con có thêm một người bạn đồng hành tuyệt vời trong cuộc đời từ khi còn nhỏ, giúp con phát triển trí tuệ, cảm xúc 1 cách toàn diện mà không cần bố mẹ phải dùng lời để dạy quá nhiều.
Ăn kẹo ở trường và cầm vỏ về tận nhà vứt vào thùng rác
Chị Trang cho biết, trong quá trình dạy con đôi lúc khó khăn xuất phát từ chính những người xung quanh. Họ mỉa mai, thậm chí là dè bỉu khi thấy anh chị áp dụng cách dạy mà theo họ là “hâm”, “khác người”. Sợ hơn nữa là có những người còn nói “Để xem lớn lên có thành ông nọ bà kia không”.
Chị Trang thường xuyên tham gia các khóa học làm cha mẹ do chuyên gia giáo dục tổ chức
Gạt bỏ tất cả những lời cay độc từ người ngoài, vợ chồng anh Hiển chị Trang luôn kiên trì học và chơi cùng con mỗi ngày theo quan điểm riêng của mình. Ngay từ khi bé Gạo ăn dặm, chị đã rèn cho con tự ăn theo nhu cầu nên mặc dù không có thân hình bụ bẫm nhưng con rất nhanh nhẹn và không sợ ăn. Khi con chập chững bước đi, Chị hướng con đến sự tự lập và rèn những kỹ năng cơ bản để tự phục vụ bản thân như: Tự xỏ tay chân vào quần áo, sau là tự mặc quần, tự vứt rác vào thùng rác, tự cất gối sau khi ngủ dậy, tự rửa tay sau ăn…
Và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình con chơi mà học, học mà chơi
“Mình nhớ mãi 1 lần đi ăn phở, con sử dụng giấy ăn và nhất quyết phải tìm thùng rác để vứt, chứ không vứt ra sàn như 1 số người lớn. Hay 1 lần con ăn kẹo ở trường và cầm vỏ kẹo về tận nhà để vứt vào thùng rác của chung cư. Cho đến bây giờ, khi 26 tháng, con vẫn luôn duy trì thói quen nghe nhạc là tự ngủ hay nghe nhạc là tự dậy, cất chăn gối của mình. Mỗi hành động đẹp dù nhỏ nhất, vợ chồng mình đều dành cho con những lời động viên, khích lệ kịp thời và tuyệt đối không “tâng bốc “ vì đó là những thói quen tốt, phục vụ chính tương lai của con sau này”. – mẹ 9X chia sẻ.
Với bé Gạo, vợ chồng chị Trang không chỉ chú trọng hướng dẫn con về mặt kỹ năng tự phục vụ bản thân mà còn dạy con biết yêu thương mọi người, cách bày tỏ, bộc lộ cảm xúc, hay thậm chí là dạy con học lịch sự nhã nhặn từ sớm như: Che miệng khi ho, biết nói cảm ơn khi được giúp đỡ hay cách nói khi cần sự giúp đỡ như thế nào…
Gia đình luôn thay đổi mọi phương pháp và chủ đề học để con không bị nhàm chán
Chị Trang ví dụ: “Khi con muốn uống nước, mình sẽ chủ động nói: “Mẹ ơi, con muốn uống nước, mẹ giúp con”. Con uống xong, mình lại nói “Con cảm ơn mẹ ạ”. Dần dần con hình thành các thói quen giao tiếp mà mẹ không cần giục con phải cảm ơn hay chào hỏi. Ngoài ra mình dạy con đọc tên cảm xúc vì hiện nay nhiều phụ huynh đang ép con phải kìm nén cảm xúc khiến cha mẹ và con cái không hiểu nhau, thậm chí là xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Khi con vui, mình nói “Gạo cười, Gạo đang vui” hoặc khi con không vừa ý, con khóc, con bực dọc, mình nói “mẹ biết con đang buồn, con đang rất tức giận…” vừa giúp con gọi tên được cảm xúc của mình vừa thể hiện sự đồng cảm với tâm trạng con lúc đó”.
Nói về những dự định tương lai trong việc nuôi dạy con nhỏ, chị Trang tiết lộ: Thời gian tới, gia đình vẫn duy trì dạy con tự lập, rèn kỹ năng tự phục vụ bản thân, vận động tinh, thô, phát triển sâu sắc tiếng mẹ đẻ đồng thời lồng ghép thêm việc dạy ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 cho con vì bé Gạo đã được kích hoạt 4 ngôn ngữ từ những năm đầu đời do chuyên gia hướng dẫn. Đặc biệt, bố mẹ vẫn sẽ luôn là những người bạn đồng hành cùng con trên chặng đường tiếp theo.