Chị Xuân chọn cách để hai con tự giải quyết khúc mắc và sau đó mới phân tích đúng sai.
Thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh nhắc đến việc dạy con về tiền, song không phải cha mẹ nào cũng áp dụng phương pháp này với con mình. Vậy nhưng ở gia đình chị Trường Thị Xuân (32 tuổi) đang sống ở Mỹ thì lại khác. Với hai đứa con của mình, bé Lena (7 tuổi) và bé trai (5 tuổi), để dạy các con biết cách sử dụng đồng tiền sao cho giá trị, chị đã áp dụng các quy tắc trong cuộc sống rất triệt để.
Sau nhiều năm đồng hành cùng con, giờ đây các con chị sống quy tắc, tiến bộ vượt bậc, thấu hiểu được giá trị của đồng tiền và những bài học trong cuộc sống.
Nhờ thừa hưởng 2 dòng máu Việt - Mỹ mà bé Lena, con chị Xuân, sở hữu khuôn mặt đẹp như thiên thần
"Ai thương mình thì thương lại, ai không tốt thì mình tránh xa"
Chị Xuân chia sẻ: “Mình cảm thấy may mắn vì hai đứa con đều rất ngoan và khỏe mạnh, tuy nhiên chúng quậy hết sức, mình cảm thấy hình như đa số con lai đều rất quậy. Nếu như những đứa trẻ ở Việt Nam mình quậy 10 thì con lai quậy gấp đôi”.
Thừa nhận là người không có quá nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con nhỏ, song do sinh sống ở một đất nước phương Tây hiện đại, nhờ được lĩnh hội những tri thức tốt đẹp từ nước bạn nên chị Xuân cũng có cho mình những quan điểm và phương pháp rèn con rất riêng.
Cậu em 5 tuổi cũng đẹp trai và rất nam tính
Nếu như ở trường học các cô giáo dạy học sinh kiến thức, cách ứng xử, giao tiếp thì ở nhà mẹ là người dạy con về cách sài tiền. Theo lời chị Xuân, ở trường học bên Mỹ mỗi em đều có cho riêng mình một chiếc ví nhỏ để đựng tiền tiêu vặt, các con có thể dùng tiền đó để tự mua đồ ăn sáng, ăn thêm giữa buổi nếu vẫn đói và một tuần được mua kem ở căng tin của trường 2 buổi.
Nhà trường cũng sẽ tổ chức cho các em đi siêu thị mua đồ chơi, mỗi em được tiêu một số tiền nhất định, chẳng hạn như 2 đôla, sau đó tự con lựa chọn đồ chơi phù hợp với giá tiền và tự thanh toán. Hầu hết tất cả những đứa trẻ ở Mỹ đi học trong túi đều có tiền tiêu vặt, chị Xuân lúc nào cũng cho con gái Lena nhiều tiền hơn các bạn, mỗi lần là 10 đôla, khi nào con hết chị lại tiếp tục cho thêm 10 đôla nữa.
Hai con khôn lớn là nhờ những quan điểm dạy con nhất quán và rõ ràng từ người mẹ gốc Việt
Nhắc đến đây, chị Xuân chia sẻ một câu chuyện nhỏ: “Mình hay cho con nhiều tiền hơn các bạn, mỗi khi các bạn của con hết tiền mua kem Lena cho bạn ấy 1 đô, bạn bè giúp đỡ lẫn nhau là tốt. Tuy nhiên, đến hôm sau bạn đó lại không có tiền và Lena lại tiếp tục cho bạn 1 đô nữa. Tan học về con nói chuyện này với mẹ, lúc này mình dặn con gái hãy bảo bạn về xin tiền gia đình của mình còn con hãy để dành tiền để chi tiêu cho mục đích của con, giúp bạn bây nhiêu đó là đủ rồi. Nghe lời mẹ, đến ngày thứ ba thì Lena không cho bạn tiền nữa. Lena hiền mà biết quan tâm người khác lắm, ưa nịnh, dễ bị dụ và hay cả nể”.
Để các con ra ngoài xã hội không bị lợi dùng lòng tốt, chị luôn răn dạy chúng bằng một câu nói: “Treat people’s the same way they treated you”, được hiểu là “Đối xử với mọi người như cách họ đối xử với mình”, ai thương mình thì thương lại, ai không tốt thì tránh xa vì lòng tốt cần được đặt đúng chỗ. Với trường hợp bạn cùng lớp của Lena xin được một lần, những lần sau lại tiếp tục như vậy là không được, mặt khác bé Lena lại quá tốt với mọi người xung quanh nên dễ bị lợi dụng, chính vì vậy chị Xuân càng phải nhắc nhở con chú ý hơn.
Bé Lena thể hiện là một chị cả đích thực, ngoài nhường nhịn em trai, Lena còn thường xuyên phụ giúp mẹ việc nhà
Mẹ sẵn sàng trả công mỗi khi con biết giúp đỡ
Để con không bị bỡ ngỡ, ngay từ nhỏ chị Xuân cũng đã cho con tiếp xúc và làm chủ đồng tiền thông qua việc mỗi lần mẹ nhờ con làm bất cứ việc gì chị đều trả công cho con là 1 đô la. Tất nhiên có những việc thuộc về nghĩa vụ của con thì bắt buộc phải làm, như dọn đồ chơi, tắm rửa, học bài... Còn có những việc khác mà mẹ cần con hỗ trợ để được trả công như gấp quần áo, dọn nhà hay đi đổ rác, lúc này mẹ sẽ đưa ra mức tiền thưởng để khuyến khích con làm.
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc làm này, mẹ 8X không ngần ngại tiết lộ: “Đó là một cách để tạo cảm hứng vừa để các con vui vẻ giúp mẹ mà lại có tiền mua những món đồ chơi mà các con thích. Các con có quyền quyết định với số tiền của mình, mẹ sẽ không được phép xen vào chỉ đứng ngoài góp ý”.
Chị Xuân chính là người đồng hành để dạy con mọi điều trong cuộc sống.
Mẹ Việt ở Mỹ cho biết, sở dĩ làm như vậy để cho con thấy rằng mình được đối xử và tôn trọng như người lớn. Mặc dù mẹ trả tiền công sòng phẳng nhưng vẫn không quên nói lời cảm ơn con vì đã giúp mẹ. Những sự khuyến khích kịp thời như thế chị tin là rất thiết thực, giúp thúc đẩy động lực cố gắng của con.
Con cái mâu thuẫn, mẹ chọn cách mặc kệ
Thêm vào đó, trong gia đình chị Xuân cũng đưa ra quy định về việc các con cãi lộn, đánh nhau. Mỗi khi các con có mâu thuẫn, chị không can ngăn để mặc cho chúng tự giải quyết, khi mọi chuyện kết thúc chị mới cùng các con ngồi lại để phân tích đúng sai, chị nói: “Các con là chị em trong nhà, phải biết thương yêu nhau, mai mốt bố mẹ già không còn ở bên các con nữa thì chị sẽ ở đây nếu em cần và em sẽ tới nếu chị cần. Gia đình là để yêu thương, là nơi có những người quan tâm, yêu thương vô điều kiện chứ không phải để gây lộn, đánh nhau”.
Nhờ được mẹ rèn giũa từ nhỏ nên 2 em bé của gia đình chị Xuân ngày càng có những tiến bộ vượt bậc
Có thể nói, những bài dạy con của chị Xuân tưởng đơn giản nhưng thực tế mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Từ việc được mẹ dạy cho cách sử dụng đồng tiền sao cho giá trị đến ý thức tôn trọng người đối diện, các con đều có những tiến bộ đáng ghi nhận. Cũng nhờ vậy, các con của chị được hình thành tính cách cá nhân nên rất tự lập. Chị Xuân cho rằng quan điểm của mỗi người mỗi khác. Chị tin tưởng vào cách dạy con của mình và hài lòng khi những kết quả mang lại đang khiến các con chị sống quy tắc và tiến bộ hơn.