Những cuốn sách kinh điển sẽ làm thay đổi tư duy, ươm mầm lý tưởng và gieo hạt cho vẻ đẹp của tâm hồn.
Mọi người thường nói rằng : “Hãy nói cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ đoán được bạn là người ra sao.” Mỗi cuốn sách bạn đọc, bạn yêu, bạn lựa chọn đều phản ánh một phần cách nghĩ và quan điểm sống của bạn. Người đọc sách chân chính là những người lựa chọn được cho mình những cuốn sách hay giúp bản thân ngày càng phát triển hoàn thiện hơn.
Dưới đây là 10 tựa sách mà chắc chắn bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời.
1. “Những người khốn khổ” của Vitor Hugo:
“Những người khốn khổ” của đại văn hào Pháp Vitor Hugo được đánh giá là tác phẩm văn học có giá trị vĩ đại bậc nhất, được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và được chuyển thể thành hàng chục tác phẩm điện ảnh, vở nhạc kịch, vở múa ballet…
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của cuốn sách là Giăng Vangiăng một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại lỗi lầm gây ra thời trai trẻ.
Cuộc sống cao đẹp của Giăng Vangiăng, tình nhân ái bao dung và tấm lòng độ lượng của đức cha Mirlen, tình mẫu tử thiêng liêng của Phăngtin… đã tạo nên một bức tranh sinh động cho tác phẩm và làm rung động trái tim của độc giả bao thế hệ.
Đọc “Những người khốn khổ” không chỉ để thấu hiểu cho số phận những con người tầm thường, cơ cực mà còn để phát hiện ra “hạt ngọc” ẩn giấu trong bề sâu của những tâm hồn khao khát tự do và tình yêu.
2. “Không gia đình” của Hector Malot:
Là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, Không gia đình đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần.
“Không gia đình” kể về em bé Rê-mi không cha không mẹ, bị bỏ rơi và phải đi theo đoàn xiếc của cụ Vi-ta-li làm thuê.. Em đã cùng đoàn xiếc bôn ba khắp nước Anh và sau đó, em bị tù ở Anh. Nhưng cuối, em cũng may mắn tìm được mẹ và em của mình.
Chuyến phiêu lưu của Rê-mi đã hấp dẫn trái tim của tất cả mọi người và trở nên đặc biệt quen thuộc với thiếu nhi nước Pháp. Tinh thần tự lập, tự tin, ý thức chịu đựng gian khổ và tự vượt qua khó khăn là bài học được rút ra từ cuốn sách. Bên cạnh đó, nó còn giúp mọi người ý thức được ý nghĩa của tình bạn chân chính, tình thương giữa người với người và lòng biết ơn sâu sắc.
3. “Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Miller Hemingway:
Cuốn tiểu thuyết viết về Robert Jordan, một chiến sĩ trẻ người Mỹ thuộc Lữ đoàn quốc tế, tham gia chống Phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tựa “Chuông nguyện hồn ai” được Hemingway lấy từ tác phẩm Meditation XVII của nhà thơ John Donne.
Trong chiến tranh, một nỗi sợ luôn thường trực, đó là cái chết. Người ta nghĩ về cái chết hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây bởi họ không có quyền kiểm soát tới sự sống của mình. Chính từ nỗi sợ đó mà họ ý thức được rõ nhất giá trị của cuộc sống và chiến đấu hết mình cho chính nghĩa.
Cuốn sách không chỉ là một bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha, tinh thần quốc tế cao quý mà nó còn là bài ca về tình yêu.
4. “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của Mark Twain:
Cuốn tiểu thuyết kể về cậu bé Tom Sawyer sống tại ngôi làng nghèo bên dòng sông Mississipi cùng người bạn thân Huckleberry Finn.
Cậu bé Tom Sawyer thông minh, tinh nghịch, được chăm sóc và học hành đầy đủ nhưng hay trốn học và thích khơi mào những trò tinh nghịch. Khi Tom và Huck phát hiện ra một vụ giết người cướp của thì Tom đã dũng cảm đứng ra làm chứng, bắt kẻ giết người phải đền tội và cứu người bị oan.
Tác phẩm đề cao sự dũng cảm, tấm lòng nhân hậu giàu tình nghĩa, sự hồn nhiên và giàu mộng tưởng của tuổi trẻ.
5. “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” của Mark Twain:
Sau “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, Huckleberry Finn được bà quả phụ Douglas đón về nuôi. Nhưng với bản tính thích tự do, không chịu nổi việc học hành theo khuôn phép trưởng giả, cậu đã bỏ trốn cùng với Jim – một nô lệ da đen.
Cuộc phiêu lưu của cậu xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười và nguy hiểm đầy rẫy. Từ hành trình này, cậu đã xác định được mục đích sống, biết phân biệt đúng sai và giữ được trái tim thuần hậu.
Do cứu Jim khỏi người chủ, Huck đã phải chịu sự giằng xé giữa trái tim lương thiện, tính nhân đạo với cái lương tâm bị méo mó bởi thứ giáo dục trưởng giả và giáo dục nhà thờ. Cuối cùng, bản chất thuần hậu, nhân đạo chân chính đã giành chiến thắng. Đây là chi tiết đắt giá của cuốn tiểu thuyết.
Cuốn sách là minh chứng hùng hồn cho việc cái thiện sẽ chiến thắng những lề thói, quy tắc vô lý, chèn ép con người.
6. “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy
Là một bộ tiểu thuyết sử thi, phản ánh chân thực và sống động một giai đoạn bi tráng của xã hội nước Nga, giai đoạn Hoàng đế Pháp Napolein Bonaparte xua đại binh vào nước Nga thời Sa hoàng Alexander I. Nó không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử của nước Nga mà còn là thiên anh hùng ca bi tráng, khơi gợi sự tự hào, lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân Nga.
Các nhân vật trong tác phẩm sống động, chân thực, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: hy vọng, tham vọng, thỏa mãn, đau thương… Từ những xúc cảm chân thực đó, nét đẹp tâm hồn Nga được khắc họa rõ nét. Nước Nga là một quốc gia đa chủng tộc, đa ngôn ngữ và có nhiều tập quán khác nhau nhưng niềm tự hào và đoàn kết dân tộc đã giúp họ chiến thắng được kẻ thù xâm lăng.
7. “Tâm hồn cao thượng” của Edmondo De Amicis:
“Tâm hồn cao thượng” được viết theo hình thức nhật ký của Enrico, cậu học trò 10 tuổi. Những câu chuyện nhỏ, diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Thế giới của trẻ con tưởng như rất trong trẻo nhưng thực ra lại liên tục có những va đập, những vấn đề như ở thế giới của người lớn.
Tuy nhiên, sau những va đập đó các em lại trưởng thành hơn. Lòng yêu nước, sự chân thành, sự tử tế phát sáng lấp lánh trong từng điều bình dị, nhỏ nhặt. Cuốn sách đã chinh phục trái tim bạn đọc nhiều thế hệ ở khắp nơi trên thế giới. Khơi dậy sự tử tế từ những điều bình dị chính là ý nghĩa của cuốn sách nhỏ này.
8. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough:
Tiếng chim hót trong bụi mận gai kể về chuyện tình “trái cấm bất tử” của Cha xứ Ralph và Meggie. Chuyện tình của họ ngay từ khi bắt đầu đã định sẵn là không thể bên nhau. Meggie thậm chí còn kết hôn với Luke O’Neil – một gã đàn ông có dung mạo giống Ralph, chỉ để chôn vùi tình yêu tuyệt vọng của bản thân.
Nhưng cuối cùng, cả hai vẫn không thể thắng nổi trái tim mình. Họ lao vào tình yêu bằng tất cả sự thuần khiết, cháy bỏng, nồng nhiệt và chân thành. Sự giằng xé giữa tình yêu với đạo đức và giai cấp xã hội càng làm nổi bật vẻ đẹp của tình yêu đích thực, đầy đam mê.
Chuyện tình của Cha Ralph và Meggie là “nỗi đau tuyệt vời” pha trộn giữa hiện thực và lãng mạn làm say lòng tất cả người đọc.
9. “Cuốn theo chiều gió” của tác giả Margaret Mitchell
Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O’Hara, một cô gái miền Nam đầy cá tính. Cô phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến.
Tình người, tình yêu thương, nghị lực và ước mơ chiến thắng nghịch cảnh là những giá trị được đề cao trong cuốn sách. Cũng chính những giá trị này đã đưa lại sức sống vĩnh cửu của tác phẩm.
10. “Đồi gió hú” của Emily Bronte:
Cuốn tiểu thuyết kể về tình yêu ngang trái của Catherine và Heathcliff. Tình yêu của hai người hoang dại và mãnh liệt như chính vùng đất họ sống. Sau tất cả những bi kịch, những ghen tuông, những đau khổ giằng xé nhưng cuối cùng họ vẫn được chôn cất bên nhau.
Chuyện tình này gây ám ảnh cho tất cả người đọc. Nhưng độc giả vẫn không cưỡng lại được mà muốn đọc cuốn sách lần nữa bởi tình yêu hoang dại của hai nhân vật đầy hấp dẫn và bởi nghệ thuật văn chương đỉnh cao của tác giả.
Những cuốn sách này đều đã được xuất bản và phát hành liên tục tại Việt Nam.