Cuốn sách cần thiết cho tất cả những ai đã, đang và sẽ tham gia vào mạng xã hội.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Anh là tác giả của cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” - cuốn sách phản biện xã hội được nhiều độc giả yêu thích và gây tiếng vang trong cộng đồng.
“Thiện, ác và smartphone” là cuốn sách mới của anh đề cập đến vấn đề nóng và nhạy cảm của xã hội hiện nay: Làm nhục công cộng. Với cách nhìn khách quan, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, tác phẩm mới của Đặng Hoàng Giang đã gây tiếng vang lớn và được nhiều độc giả đánh giá là tác phẩm chính luận xuất sắc, là một công trình nghiên cứu khoa học có sức ảnh hưởng.
Tư duy xuyên suốt của “Thiện, ác và smartphone” chính là bảo vệ quyền làm một con người của những kẻ bị cả xã hội cô lập, khinh ghét và lên án. Họ có thể là những người ăn cắp, người giật chồng, người hành hạ trẻ em... Bảo vệ những người được cả xã hội thấy cần phải bảo vệ là một điều ai cũng có thể làm được nhưng bảo vệ những người yếu thế bị đặt bên lề xã hội thì vô cùng khó khăn. Người bảo vệ có thể trở thành đối tượng bị công kích của dư luận.
Vì vậy, cuốn sách của Đặng Hoàng Giang gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nếu bỏ thời gian ra nghiền ngẫm những suy nghĩ, bình luận của cuốn sách thì chắc chắn mọi người sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác.
Phần mở đầu của cuốn sách, Đặng Hoàng Giang viết về những “dân phòng trên mạng”, sự cuồng nộ, sự trả thù của đám đông và lí giải hành vi làm nhục công cộng trên góc nhìn tâm lý và lịch sử. Nhiều bạn đọc sẽ cảm thấy mình đã từng có ý hoặc vô ý trở thành “dân phòng trên mạng”, đã từng có những lời nói sâu cay làm nhục người khác vì cho rằng mình có quyền được đối xử với điều xấu bằng một hành vi xấu xí.
Ta luôn tự nhủ rằng những người đó không phải là con người nên dù chì chiết thế nào, họ cũng đáng phải hứng chịu và những gì nói trên mạng thì ta sẽ không phải chịu trách nhiệm về nó vì đây là thế giới ảo. Nhưng ta lại quên mất rằng mạng xã hội là ảo nhưng tổn thương là thật.
Khi họ đã trả giá xong cho tội lỗi của mình, đã ăn năn, hối cải thì ta cần phải cho họ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng chứ không phải là “diệt cỏ phải diệt tận gốc”, là hả hê làm nhục người khác, là dùng một cái xấu khác để đáp lại cái xấu.
Đọc đến đây có thể có độc giả cảm thấy không thể đọc tiếp vì thấy kinh hãi, ghê sợ những ác ý, độc địa trong cách hành xử của đám đông; có độc giả lại cười mỉa mai rằng: “người xấu xa như thế không đáng là con người, lên tiếng bảo vệ họ chỉ có thể là cùng một giuộc hoặc muốn gây chú ý của dư luận”... Nhưng ai có thể kiên nhẫn đọc tiếp chắc chắn sẽ bị thuyết phục bởi cái nhìn nhân văn, luận giải hợp lý, dẫn chứng cụ thể của tác giả đưa ra.
“Thiện, ác và smartphone” hấp dẫn bạn đọc bởi những kiến giải của anh về vấn đề làm nhục công cộng. Chúng được chứng minh bằng những ví dụ từ những câu chuyện nổi cộm mà ai cũng quen thuộc nên độc giả dễ dàng đối chiếu với suy nghĩ thực tế của mình.
Bên cạnh đó, anh còn nghiên cứu nó trên phương diện lịch sử và tâm lý để có cái nhìn khách quan và khoa học. Cuốn sách gần 300 trang mà có tới 197 chú thích, thể hiện được tác giả đã tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng và chứng minh vấn đề bằng rất nhiều nguồn khác nhau.
Phần ba “bảy bước đi của căm ghét”, phần năm “ta nói gì khi nói về tha thứ” và phần kết “dự án trắc ẩn” của cuốn sách khá gần với quan điểm của Phật giáo. Từ những suy nghĩ của mình khi bị cuốn vào cơn bão của dư luận, lên tiếng không được mà không lên tiếng cũng không được, tác giả đã giúp người đọc hiểu được diễn biến của sự căm ghét.
Khi nắm bắt được quá trình phát triển của sự căm ghét và bí mật của sự tha thứ rằng: “Tha thứ cần gì từ người gây hại để có thể xảy ra? Câu trả lời là không cần gì cả.”, tác giả đã đưa ra một dự án để người gần người hơn, đối xử với nhau nhiều độ lượng hơn.
Dự án của Đặng Hoàng Giang bắt đầu bằng những việc làm nhỏ thôi nhưng đánh vào tính hướng thiện và tình yêu thương con người. Khi ta đặt mình vào vị trí của người khác, ta sẽ thận trọng hơn trong việc lên án và chà đạp người đó. Tuy nhiên, dự án này cần tự cố gắng, tự rèn luyện và phải thực hiện cả cuộc đời nên để có thể thực hiện được độc giả cần phải có tình yêu thương, ý chí phấn đấu và tự nghiêm khắc.
“Thiện, ác và smartphone” đề cập tới những vấn đề thời sự, mang ý nghĩa lớn, chạm tới từng góc khuất trong tâm can con người và đồng thời bao quát cả xã hội. Tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, và là một tài liệu đáng quý trong việc nghiên cứu lịch sử, tâm lý và xã hội. Tuy nhiên, cuốn sách viết khá hàn lâm nên sẽ kén người đọc. Nhiều đoạn giải thích chưa được rõ ràng vì mang nhiều kiến thức khoa học khiến nhiều độc giả chưa thể hiểu hết được điều tác giả muốn nói.