Cuốn sách nhỏ truyền năng lượng sống tích cực và đồng hành cùng giới trẻ trong những ngày tháng chênh vênh trước ngã rẽ cuộc đời.
Iris Cao và Hamlet Trương là bộ đôi ăn ý, cặp tác giả quen thuộc với bạn đọc trẻ trong suốt 5 năm qua. Những tác phẩm như: “Ai rồi cũng khác”, “Thương nhau để đó”, “Mỉm cười cho qua” của hai tác giả đều nhận được phản hồi tích cực từ phía bạn đọc. “Mình sinh ra đâu phải để buồn” gây sốt từ khi còn chưa được xuất bản, bài hát chủ đề của cuốn sách cũng được giới trẻ chào đón nồng nhiệt.
“Mình sinh ra đâu phải để buồn” là những suy nghĩ, trăn trở của người trẻ trước những vấn đề muôn thuở: tình yêu, gia đình, đam mê, bạn bè... Khi người ta còn đang trên con đường đi tìm bản ngã của mình thường rất dễ vấp ngã, dễ rơi vào trạng thái chông chênh, vô định. “Mình sinh ra đâu phải để buồn” chính là bức tranh mang tất cả màu sắc của tuổi trẻ, đặc biệt là những vệt màu xám chằng chịt trong những ngày tháng lạc đường.
Câu chuyện về việc bị người yêu phản bội nhưng vẫn ngẩng cao đầu khi bước ra đi; về những ngày tháng cô đơn chờ một người đến nắm tay; về khủng hoảng tuổi 30 vì tài chính chưa ổn định, cũng chưa thể tìm được một người cùng nắm tay mình bước vào lâu đài hôn nhân... là chuyện của tất cả những người trẻ. Trong những năm tháng thanh xuân, ai cũng đều phải tự mình trải qua những thử thách này. Cảm giác lần đầu tiên yêu, lần đầu tiên thất tình, lần đầu tiên bị phản bội, lần đầu tiên thất bại... sẽ mãi mãi in sâu trong tâm trí của mỗi người.
Qua thời gian, sự ngây thơ, trong trẻo, vô tư của mỗi người đều dần mất đi, thế chỗ vào đấy là sự chín chắn, trưởng thành và đầy trải nghiệm. Trước những quăng quật của cuộc sống, tâm hồn sẽ có thêm nhiều vết chai, nhiều chỗ rách.
Tuy nhiên, Iris Cao và Hamlet Trương đã đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn tích cực hơn đối với những khó khăn trong cuộc sống. Thanh xuân có nước mắt, có tiếng cười và có những cái ôm thấu hiểu vì thế hãy cứ mạnh mẽ vượt qua thử thách. Có thể vấp ngã, có thể khóc nhưng không được để nỗi buồn phủ kín không gian bởi mình sinh ra đâu phải để buồn.
“Mình sinh ra đâu phải để buồn” đơn thuần chỉ là những lời tâm sự về những vấn đề lớn lớn nhỏ nhỏ của tuổi trẻ, những vấn đề mà bất cứ ai cũng trải qua trong đời. Tuy nhiên, cách nhìn nhận, suy nghĩ, lựa chọn của tác giả trước những vấn đề này lại làm độc giả thích thú. Lựa chọn phương châm sống tích cực, lựa chọn niềm vui trong cả những thời điểm khó khăn nhất đã truyền cảm hứng sống tươi đẹp đến cho các bạn đọc trẻ.
Cuốn sách “Mình sinh ra đâu phải để buồn” gồm hai phần do hai tác giả viết nên có nhiều điểm chưa được thống nhất. Những bài viết của Iris Cao cho độc giả cảm nhận rằng đây chính là những câu chuyện mà cô đã trải qua, là những suy nghĩ, cảm nhận của chính bản thân cô. Ở phần này bạn đọc dễ dàng nhận ra rằng, nhân vật tôi trong các bài viết chính là Iris.
Tuy nhiên, phần hai của Hamlet Trương lại có khá nhiều nhân vật đóng vai nhân vật tôi: có bài viết đưa lại cảm giác nhân vật tôi chính là câu chuyện thật của Hamlet Trương nhưng có bài viết nhân vật tôi lại là một cô gái nào đó. Chính sự không đồng nhất này làm độc giả cảm thấy tư duy rối rắm, mạch cảm xúc bị đứt quãng.
Những câu chuyện, những trải nghiệm trong “Mình sinh ra đâu phải để buồn” là những chủ đề quen thuộc, được nhiều tác giả khai thác nên khó tạo được sự đột phá và dấu ấn riêng. Các bài viết của hai tác giả gần như là cuốn nhật ký hằng ngày, giọng văn chưa thật sự hấp dẫn, các suy ngẫm cũng chưa tạo được điểm đặc sắc khác biệt để để lại dấu ấn khó quên. Cuốn sách này sẽ thích hợp cho những độc giả trẻ yêu thích những điều nhẹ nhàng hay những bạn trẻ đang lạc mình vào cảm xúc chênh vênh cần một ly trà sữa ngọt ngào để tâm hồn bình ổn.