Với văn phong nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, cuốn tản văn "5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi" như thủ thỉ kể chuyện của cá nhân tác giả Nguyễn Mai Chi nhưng thực chất lại là suy nghĩ đại diện cho một lớp trẻ ngày nay: hiện đại, văn minh nhưng đậm chất Á Đông.
“Chẳng có chuyến phiêu lưu kỳ thú, chẳng có hành trình đầy thử thách và đẹp đẽ nào có thể trọn vẹn nếu như không có nơi để trở về.”
Nguyễn Mai Chi đã viết như vậy trong cuốn sách đầu tay 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi của mình. 10 năm – một quãng thời gian khá dài trong tuổi thanh xuân của đời người – Mai Chi đã gắn bó với Paris, nhưng những ký ức về Hà Nội thân thương vẫn luôn neo lại trong lòng, gợi nhắc cô về những kỉ niệm tuổi thơ nơi thành phố nhỏ bụi bặm, ồn ã mà đầy ắp những yêu thương chảy tràn qua từng góc nhỏ của tiệm thuê băng đĩa, rạp chiếu phim, khu tập thể xưa cũ...
Cô viết về nỗi nhớ nhà, về hành trình lên đường – đi xa để học về tuổi trẻ, về yêu thương, và đi xa để học cách quay trở về - vững vàng và toàn vẹn.
“5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi” – Trái tim Hà Nội giữa lòng Paris
Cuốn tản văn với ba phần được phân tách bởi mạch cảm xúc, với từng cung bậc đa màu của yêu và nhớ, để từ đây ta như thấy vang lên điệp khúc của thời gian khi bắt gặp trong từng trang viết là chính ta của một thời đã trôi xa như hồi ức...
“Giá như cuộc sống này cũng như những bộ phim cũ, chỉ có hai màu đen và trắng, để chúng ta tự do chọn lựa những sắc thái của riêng mình thì tốt biết bao.” (Trích Nếu như cuộc sống chỉ hai màu đen trắng)
5 múi giờ
“Thành phố nơi tôi sinh ra và Paris không giống nhau. Chúng cách nhau 5 múi giờ, tính theo giờ mùa hè và 6 múi giờ vào mùa đông.”
Những câu chuyện trong phần đầu tiên – 5 múi giờ là cả trăm ngã rẽ cuộc sống của thị dân Paris hiện lên qua điểm nhìn và chiều sâu nội tâm của cô gái Á Đông, vừa lặng lẽ, cổ kính, trầm đượm rất “Paris”, vừa sống động, chân thực với những câu chuyện không bao giờ được kể trong cuốn tạp chí du lịch.
Trên nền những vàng son sưa cũ, một Paris mới mẻ của những người trẻ, những thanh niên, những con người lao động say mê và lặng lẽ vẫn hằng ngày chuyển mình nhịp nhàng với sự vận động của thời gian trong thành phố này: người nghệ sỹ “lao động” trong căn hầm gần như chìm hẳn dưới mặt đất, mối liên kết duy nhất với thế giới đông đúc trên kia là ô cửa sổ mà qua đó chỉ có thể thấy được lá rụng, và những đôi giày qua lại trên hè phố; hay những con người đến quán doner kebap khi đêm đã gần về sáng, hờ hững với món ăn bày trên đĩa nhưng miên man bám đuổi những suy nghĩ về gia đình, về lớp trẻ...
“Không phải họ phủ nhận những giá trị cũ, mà bởi đã biết và hiểu được chúng nên họ muốn sáng tạo, muốn được tự do, không đi theo lối mòn cũ kỹ, không phải tuân thủ theo bất cứ quy tắc, lề thói nào. Phải hiểu về những quy tắc đó, mới có thể phá vỡ chúng, đi ngược lại chúng. Muốn có tự do, trước hết phải tự gò ép bản thân mình.” (Trích Những tầng hầm ở đại lộ de Messine)
Trước khi muốn thay đổi luật chơi, bạn phải trở thành người chơi đúng luật giỏi nhất.
Đó là những bức họa không được in hình lên bưu thiếp nhưng mỗi con người nơi đây đều là những mảnh linh hồn đã tạc thành Paris trữ tình, Paris dịu dàng, Paris nên thơ như một tượng đài đã vĩnh viễn khắc tên trong “đẹp đẽ”.
Paris qua con mắt của cô gái Việt Nam đang sống giữa những ngày thanh xuấn của cuộc đời – hiện lên trọn vẹn và đa diện: đại lộ de Messine, đồi Montmartre, quán doner kebap và vườn Tuileries những buổi trưa mùa đông yên ắng vắng người.
Những rong chơi, lang thang vô định là đặc quyền của tuổi trẻ.
10 tiếng bay
“Cần tới một chuyến bay dài cỡ 10 tiếng và mông lung hàng tá những suy nghĩ về mọi sự để có thể quay về nhà.”
Tình yêu – xa cách – sự hữu hạn kiếp người – những chủ đề rất quen nhưng chưa từng cũ, luôn là động lực để chúng ta sống mỗi ngày đều trọn vẹn, tận hiến và tận hưởng. Bởi vì xét cho cùng, cuộc sống của tất cả chúng ta, mọi thứ chúng ta đang làm đều xuất phát từ yêu thương đấy thôi.
Khi viết về tình yêu, ngòi bút của Mai Chi thể hiện sự mãnh liệt mà chín chắn, say mê mà lý trí của một người từng trải với những lớp trầm tích lắng đọng trong tâm hồn, có được qua sự chiêm nghiệm của chính tác giả. Tình yêu có thể bộc phát khi khởi duyên, nhưng tình yêu cũng ám ảnh như định mệnh đã sắp sẵn: “Tôi nghĩ mình đã sống vừa đủ, vừa đủ để nhận ra mọi việc tôi làm từ trước tới nay là để đưa tôi quay về bên anh.” (Trích Phải sống trước đã)
Khi yêu thương đang ngập tràn con chữ, Mai Chi lại nhắc nhở cho chúng ta về những sự chia ly. Có những sự chia ly là tạm thời, là đường hai ngả, người từ thân thiết hóa xa lạ...
“Người yêu nhau tử tế, khi chia tay sẽ ra đi nhẹ nhàng, không cố ý để lại dấu vết nào trong cuộc đời bạn, dù chỉ là một lời nhận xét. Họ sẽ im lặng khi nghe thấy người khác vô tình nhắc đến bạn trong cuộc trò chuyện. Họ tránh trả lời những câu hỏi của người yêu mới về bạn, về mối quan hệ trước kia giữa hai người. Họ để bạn được tự do, được sống cuộc sống trước khi có họ. Họ để bản thân mình được nhạt nhòa đi, rồi biến mất hẳn trong cuộc đời bạn. Những người cũ tử tế đó, sự ra đi của họ khiến bạn nhẹ lòng, đôi lúc thầm cảm thấy biết ơn.” (Trích Yêu người tử tế)
... cũng có những sự chia ly là vĩnh viễn một đời điệp trùng xa cách:
“Làm sao bạn có thể sẵn sàng cho sự ra đi của người thân yêu bên mình? Sẵn sàng như thế nào? Bằng cách nào mà bạn có thể tập làm quen với ý nghĩ rằng họ sẽ biến mất hoàn toàn trong cuộc đời bạn, không cách nào có thể nhìn thẳng vào họ và thấy ánh mắt họ trìu mến đáp lại, nghe thấy tiếng họ chuyện trò và cười đùa bên cạnh, nắm lấy bàn tay họ mà siết chặt, ôm họ trong vòng tay thật lâu? Chúng ta không thể tập làm quen với điều này.” (Trích Những bông hoa đẹp nhất trong vườn)
Không thể quen, khi sự chia ly chưa xảy đến. Nó mơ hồ, nhưng nó sẽ luôn tồn tại.
Như hạnh phúc và khổ đau vẫn luôn song hành. Hãy biết điều đó, để thêm trân trọng và nâng niu.
Tác giả nói về cái chết – với giọng văn bàng bạc, nhuốm lên những câu từ một màu sắc nửa bình thản, lặng tĩnh, nửa tha thiết gấp gáp, như dải mây trắng vắt ngang trời thái không – vẫn để lại hằn sáng trên bầu trời trước khi tan biến.
...và một cái khép mi“
Nhưng cũng có khi chỉ cần nhắm mắt lại, mọi thứ về tuổi thơ, thành phố và những người ở đó lại hiện ra, vừa rõ nét như chỉ mới hôm qua đây thôi, vừa xa xôi đến độ có thể gọi tên là hồi ức. Tác giả Mai Chi dành những trang viết cuối để chia sẻ về tuổi thơ, về ký ức Hà Nội thơm mùi nắng, về những mùi hương gọi tên kỉ niệm, và về những điều thân thương, gần gũi nhất: hai tiếng Gia Đình, và những con người sống êm ấm bên nhau trong đó.
Dù mỗi người đều theo đuổi những giấc mơ khác biệt, vẫn cùng nhau san sẻ một tình yêu dù khó gọi tên, vẫn luôn trở về trước mỗi bình minh và sau mỗi hoàng hôn.
“Trong những bài hát, những áng thơ, ta thường bắt gặp hình ảnh người mẹ ở nhà và chờ đợi con của họ trở về. Những đứa con luôn là kẻ có quyền được phiêu lưu, trong khi người mẹ thì chỉ có một việc duy nhất đó là ở nhà và đợi chúng quay trở về mỗi khi mỏi bước chùn chân.” (Trích Người mẹ mà con muốn trở thành)
Dù chúng ta có đi bao xa, ở lại đó bao lâu, vẫn luôn có một nơi ta gọi là “Nhà”. Ở đó, có những cánh cửa vì mình mà luôn mở sẵn. Bên trong, nhũng ngọn đèn vì mình mà được thắp lên.
Khước từ thứ ngôn ngữ hoa mỹ đang được sử dụng tràn lan như khoác lên mình một chiếc áo quá lộng lẫy mà thiếu mất sự đồng điệu với nội dung muốn truyền tải, văn chương của 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi dịu nhẹ, trung tính, trần và mộc. Cả khi đối diện với những cảm xúc mãnh liệt như tình yêu và sự chia ly, câu chữ của Mai Chi vẫn luôn có sự bình thản, trầm lắng và tự do. Sự nhấn nhá điểm tô bằng các bài nhạc, các thiên tiểu thuyết, các bức họa kinh điển như một cách tác giả làm duyên thêm cho những trang viết của mình.
Tác giả Nguyễn Mai Chi (Ảnh: Đặng Đức Vinh)
Ngay từ tác phẩm đầu tay, cô đã rất thành công trong việc định hình phong cách nghệ thuật riêng: vừa độc đáo và cá tính, vừa giản dị và mộc mạc như quan điểm sáng tác của cô: “Tôi mong được làm một người kể chuyện, một người thợ ghi chép lại cuộc sống diễn ra xung quanh mình.”
Với sự tài tình trong việc nắm bắt những rung động tinh tế của tâm trạng, quan sát và miêu tả sắc nét những hình ảnh qua lăng kính cuộc sống, tác giả đã phủ lên chiều dài trang viết và chiều sâu con chữ thứ không khí dịu dàng bàng bạc, nhẹ tênh chậm rãi, nhưng những suy tư ngự lại nơi tâm trí, và cảm xúc đọng trong tim – vẫn khiến người đọc ám ảnh không nguôi.
Gấp sách lại và lắng nghe thật chậm, thật sâu, cuộc sống này đang hàng ngày kể cho bạn nghe điều gì? Hãy tự vun vén cho mình một góc nhỏ và tĩnh tại kiếm tìm chút gì thật “tình”, thật “dịu” giữa những bừa bộn yêu thương, khi thành phố đang độ vào Đông.
Nhân dịp ra mắt sách, tác giả Nguyễn Mai Chi cùng công ty phát hành dành tặng độc giả EVA tại Hà Nội 5 cuốn tản văn 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi. Để giành lấy cơ hội nhận phần thưởng này, quý độc giả vui lòng gửi thông tin cá nhân gồm: Họ tên, địa chỉ, điện thoại, số chứng minh nhân dân đến địa chỉ: linhth@khampha.vn. Chúng tôi sẽ chọn ra 5 bạn may mắn và nhanh tay nhất để nhận sách. Hạn đăng ký đến hết ngày 15/10/2016. |