Du lịch Nam Định mà bạn không làm một chuyến "foodtour" thì thật là lãng phí đó nha!
Phở bò
Du khách nào khi tới Nam Định đều không quên ghé ăn phở bò Nam Định. Nếu phở bò Hà Nội hấp dẫn bởi bát phở nhìn đầy đủ nguyên liệu thì Phở bò Nam Định hấp dẫn bởi cách chế biến nước phở và thịt bò.
Nói về công thức gia truyền nấu món phở Bò Nam Định thì không có một công thức nào chung cả, bởi vì Phở Bò được nấu theo công thức riêng của từng gia đình nhưng sức hấp dẫn thu hút du khách “dễ nghiện” món này chính là bánh phở sợi nhỏ và mềm, không bị nhão kết hợp với nước dùng có chút béo thơm ngậy, có hương vị đậm đà, thanh thanh. Mà nước dùng là một trong những yếu tố thành công để Phở bò Nam Định có chất riêng của mình. Cùng với đó là những miếng thịt bò mềm, ngọt vị thịt thật khiến du khách muốn ăn tiếp mà không muốn về.
Cá nướng úp chậu
Không giống các món cá được nướng trên than bếp. Cá nướng úp chậu chế biến khá cầu kỳ và sáng tạo từ chính những người dân vùng này. Cá sau khi được sơ chế sạch sẽ, tẩm ướp, được rải trên một chiếc lá chuối sạch.
Sau đó, người ta úp một chiếc chậu nhôm lên trên mô cá lần lượt rải những lớp rơm xung quanh chậu và đốt đến khi nào cá chín dậy mùi thì thôi. Cá sau khi nướng có mùi rất thơm, kết hợp hài hòa giữ vị ngọt dịu của thịt cá, hương thơm của lá chuối và rơm.
Bánh cuốn làng Kênh
Bánh cuốn làng Kênh không có nhân thịt nhưng vẫn hấp dẫn người ăn ở màu trắng trong và mềm thơm của bánh. Người dân làng Kênh vẫn thường nói vui với nhau rằng “bánh cuốn làng Kênh như cô nàng đỏng đảnh” kể cũng không ngoa.
Một trong những bí quyết để có được những mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, hạt dài có màu trắng đục, lúc xay bột sẽ mịn và trắng. Khi tráng bánh bột thoa lên mặt lớp vải bảo ôn phải mỏng và đều, tay cầm dao xếu bánh phải hơi lỏng nhưng chắc tay. Sau mỗi lớp bánh tráng mỏng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp hành đã phi thơm bóng mỡ. Mỗi lớp bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu vàng của hành phi đã tạo nên nét hấp dẫn của bánh cuốn.
Bánh cuốn ngon không thể thiếu nước chấm, phải pha làm sao để nước chấm dậy mùi cà cuống. Nước mắm ngon không thiên về vị nào mà phải cân bằng giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt của đường, vị chua của chanh và vị cay cay của ớt. Đặc biệt nước chấm không cho giấm, hương liệu bảo quản mà vẫn đảm bảo màu nâu, thơm mùi cà cuống.
Đưa tấm bánh mỏng tang lên miệng, hương thơm của bánh cùng cái giòn rụm của hành phi, mùi thơm của cà cuống mới khiến ta cảm nhận hết hương hồn của bánh cuốn làng Kênh...
Bún sung
Bún nhưng lại ăn với sung, nghe thì lạ nhưng sự kết hợp này lại hợp lý vô cùng. Bún sung thực chất là bún riêu cua, nhưng vì sự thay đổi trong khẩu vị của thực khách mà nhiều nguyên liệu khác dần được thêm vào, trong đó có sung muối và tóp mỡ.
Bún sung vẫn giữ được hương vị cơ bản của nước dùng riêu cua thanh ngọt, miếng chả cua béo ngậy nhưng có phần đậm đà hơn nhờ sung muối và tóp mỡ. Một bát bún đầy đủ topping có giá từ 10.000 đồng, quá “hạt dẻ” trong thời đại bão giá này.
Nem nắm Giao Thủy
Món đặc sản Nam Định mà chắc chắn du khách nào tới đây cũng sẽ mua về làm quà – Món nem nắm Giao Thủy. Đây là món ăn lâu đời của người dân Thành Nam gắn bó với cuộc sống con người Nam Định tới bây giờ.
Du khách sẽ thấy khi bóc những lớp đầu tiên của nem Nắm sẽ thấy những nắm nem tròn, hấp dẫn trông giống như những nắm nem ở phố Tạ Hiện. Nguyên liệu để làm món nem này không hề đơn giản. Được làm từ bì thịt heo rắn chắc, miếng bì cũng phải được làm sạch sẽ, cạo sạch lông. Sau đó được thái thủ công trộn đều với gia vị mang đến hương vị đậm đà.
Những sợi nem thính bé li ti được cuộn tròn trong lá sung trông thật hấp dẫn. Du khách chỉ cần cuốn chút nem vào lá sung thêm một chút rau thơm, nhất là rau Đinh Lăng không được bỏ qua và chấm với chén nước mắm thơm ngon, đậm đà. Chỉ cần nếm thử chút thôi đã cảm nhận ngay được vị thơm béo, ngậy của nem Mắm, vị bùi, hơi chát của lá đinh lăng sẽ làm du khách không thể cưỡng lại được mà chỉ muốn ăn thêm nữa.
Khi bóc bỏ lớp lá sung, du khách sẽ không hết choáng ngợp bởi mùi thơm đặc trưng của nem mắm đặc sản Nam Định. Vị thơm ngậy mùi của nem thính được làm từ gạo tám Nam Định hòa quyện với mùi thơm chát bùi của lá sung sẽ làm du khách nhớ mãi không quên. Nhớ đến mức phải mua về làm quà hay mang về để nhậu trong các bữa ăn cùng gia đình và bạn bè.
Bánh xíu páo
Bánh xíu páo mang hình trạng nhỏ xinh đã theo chân người Hoa đến Nam Định từ rất lâu. Bánh xíu páo trông qua gần giống với bánh bao chiên nhưng nhân với vỏ bánh lại là hương vị khác.
Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng. Người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm nhỏ, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián và thơm nức. Thịt xá xíu được cắt hạt lựu trộn cùng với mộc nhĩ, mỡ lợn và nửa quả trứng gà luộc làm nhân.
Vỏ bánh được làm từ bột mì. Khi nướng, người ta quết một lớp dầu và trứng để bánh chín đều và không bị cháy. Người nặn bánh cũng phải rất cầu kỳ và có kỹ thuật để khi chín, bánh tạo ra từng lớp mỏng xếp chồng lên nhau. Chiếc bánh khi ra lò phải có vỏ giòn mà cắn không bị vỡ.
Mùi thơm nức, giòn giòn, dai dai của thịt xá xíu đậm đà, vị béo ngậy của mỡ lợn, vị ấm nồng của hạt tiêu và vị bùi bùi của trứng gà quyện với vỏ bánh vừa giòn vừa mềm khiến ai một lần thưởng thức cũng khó mà quên.
Bún đũa
Bún là món ăn không còn gì xa lạ với du khách. Có nhiều món ăn như: Bún riêu cua, bún bò Huế, bún cá Nam Định. Nhưng khi nhắc đến bún đũa thì du khách lại thấy làm lạ vì tên món ăn này.
Bún đũa là món ăn chỉ có ở Nam Định. Khi nhắc đến tên món ăn này thì du khách sẽ tưởng tượng ra ngay bún to giống hình cái đũa. Thật không sai khi món ăn này khác biệt với những món bún khác. Sợi bún Thành Nam to bằng đầu đũa, trắng, mềm nhưng không nhũn mà rất chắc sợi.
Du khách thưởng thức bát bún với những sợi bún trắng, to cùng với nước dùng vị đậm đà, thanh thanh với những mảng gạch cua, điểm thêm là một ít cọng giá và rau sống. Một bát bún dậy mùi thơm của nước dùng kèm chút ít ớt khô rắc lên trên sẽ dễ dàng khiến du khách tan chảy dần dần vì món ăn lạ lẫm này.
Xôi cá rô
Nam Định cũng nổi tiếng với món xôi cá rô - thứ quà sáng dân dã nhưng luôn khiến những người con xa quê khắc khoải nhớ về. Xôi cá rô là sự kết hợp hài hòa của cá rô đồng và gạo nếp, cá rô đồng thịt ngon, khỏe mạnh và đầy bụng trứng, rất phù hợp để chế biến món xôi cá rô đặc sản.
Nếp nấu xôi phải chọn loại dẻo thơm, hạt nếp to tròn nên theo kinh nghiệm, người dân thường chọn gạo nếp cái hoa vàng. Trước khi nấu phải ngâm gạo nếp khoảng 3 giờ để hạt nếp nhanh mềm. Khi nấu phải để lửa nhỏ và đều để xôi được chính đều mà không cháy khét. Để tăng độ bóng đẹp cho hạt xôi đồng thời có vị thơm béo khi ăn thì sau khi xôi chín nên rưới một ít mỡ lên bề mặt và trộn đều vào nhau.
Cá rô làm sạch, ngâm nước muối để loại mùi tanh, sau đó luộc chín lấy thịt cá và trứng ướp với các gia vị: nước mắm, gừng, hạt tiêu. Để ngấm rồi chiên lên ,khi cá đã chuyển sang màu vàng ươm thì trộn đều với sôi.
Xôi cá rô dẻo, thơm mùi hành phi và có vị béo ngọt đậm đà của thịt cá rô đồng. Sẽ thật tuyệt vời khi được được thưởng thức đĩa xôi cá rô Nam Định thơm ngon dân dã vào những ngày mưa giá rét.