Cuốn tiểu thuyết Nhật Bản với thể loại tâm lý kinh dị chắc chắn sẽ đưa người đọc tới trải nghiệm đầy ám ảnh.
Nằm top 3 trong danh sách xếp hạng chuyên về tiểu thuyết giả tưởng Kono Mystery ga Sugoi! vào năm 2010 và Honkaku Mystery Best 10, bộ tiểu thuyết hai tập Another của tác giả Ayatsuji Yukito đã chứng minh được sức hấp dẫn của nó với các fan hâm mộ thể loại kinh dị.
Another theo chân cậu thiếu niên Sakakibara – mồ côi mẹ, bố đang công tác dài ngày tại Ấn Độ, bản thân mắc chứng xẹp phổi khám phá cuộc sống mới ở quê ngoại Yomiyama – một vùng đất cách xa thành phố, bao bọc bởi trùng điệp núi đồi và một dòng sông chảy qua thị trấn. Tại bệnh viện nơi Sakakibara điều trị, cậu tình cờ bắt gặp một cô bạn kì lạ với bên mắt trái bị băng kín. Cuộc gặp gỡ rùng rợn để lại trong tâm trí Sakakibara những dự cảm không lành.
Những dự cảm của Sakakibara đã nhanh chóng trở thành sự thật khi liên tiếp các sự kiện bất hạnh đã xảy ra trong lớp 9-3 của cậu, tất cả bắt nguồn từ một lời nguyền bắt đầu từ 26 năm trước. Hoặc tìm ra chân tướng sự việc, hoặc bỏ mạng, Sakakibara và những người bạn của mình dường như không có nhiều lựa chọn để sinh tồn.
Được xếp vào thể loại kinh dị tâm linh – học đường, Another đã xây dựng thành công một bối cảnh học đường với đầy đủ những mảng sáng tối, bên cạnh một câu chuyện kinh dị đầy ám ảnh, không bởi máu, mà bởi ám ảnh về những nỗi đau không lời.
Phiên bản của bộ sách được xuất bản tại Việt Nam
Hai mươi sáu năm trước, lớp 9-3 có một học sinh tên Misaki, cũng có lẽ là Masaki. Người này là một học sinh giỏi, lại được toàn thể thầy cô bạn bè yêu mến. Masaki không may qua đời khi còn rất trẻ, nhưng bạn bè cậu quả quyết rằng cậu vẫn sống và đang hiện hữu bên cạnh họ. Không ai nỡ chấp nhận sự thật rằng Masaki đã chết đi. Học sinh của lớp 9-3 năm đó đã tốt nghiệp suôn sẻ, nhưng cơn ác mộng chỉ thực sự bắt đầu khi người tưởng như “đã chết” kia bỗng đột ngột quay trở lại trong bức ảnh chụp chung cùng cả lớp, miệng mỉm cười, nhưng là nụ cười của một xác chết. Một ý tưởng hết sức nhân văn bỗng trở thành khởi nguồn của tai hoạ, đẩy các lứa học sinh của lớp 9-3 những năm sau đó vào vòng nguy hiểm, và chết chóc.
Tác giả Ayatsuki Yukito đã gieo hạt giống bất hạnh đầu tiên vào câu chuyện của mình như vậy. Mỗi trường học đều có những truyền thuyết vô thưởng vô phạt như 7 điều bí ẩn, vốn sinh ra và lan truyền trong cộng đồng các học sinh của ngôi trường đó, như một thứ gia vị cho cuộc sống học đường bớt tẻ nhạt. Chẳng ai xác thực được tính đúng sai của 7 điều bí ẩn, nhưng với lời nguyền ám lên lớp 9-3, người ta sợ hãi, và hiểu rằng nó hoàn toàn có thực, vì đã có rất nhiều kẻ vì nó mà bỏ mạng.
Đối mặt với mối nguy hiểm ấy, các học sinh trong lớp 9-3 buộc phải gắn bó với nhau thành một cộng đồng nho nhỏ, từa tựa lối sống bầy đàn của các loài động vật ăn cỏ chống lại sự tấn công của thú săn mồi. Rất nhiều đối sách đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là việc chọn ra một “vật thế thân”. Kẻ thế thân này sẽ đóng vai người bị quên lãng, kẻ mà bằng sự bất hạnh mà mình hứng chịu, bảo đảm sự an toàn cho tất cả các thành viên còn lại. Cách giải quyết vấn đề này vừa có chút gì đó gợi nhớ đến hủ tục hiến tế con người thời xa xưa, lại vừa gợi nhớ đến những trò bắt nạt ác ý trong trường học thường thấy trong phim ảnh và cả ngoài đời thực.
Hai nhân vật chính trong phiên bản chuyển thể truyền hình
Nhân vật chính Sakakibara và cô bạn Masaki Mei không may trở thành “vật hi sinh” trong cuộc chiến sinh tồn của lớp 9-3 chống lại lời nguyền tai ác kia. Hai kẻ lạc lõng, bị chối bỏ bởi chính cộng đồng của mình tìm thấy ở kẻ kia sự an ủi. Với Sakakibara, Mei là một bí ẩn để cậu thoả mãn sở thích kinh dị, còn với Mei, Sakakibara là người duy nhất mỉm cười với cô khi cả thế giới quay lưng. Hai thiếu niên, hai mảnh tâm hồn cô độc và mất mát, nắm tay nhau lang thanh trong thế giới một mình của chính họ. Chỉ khác, giờ đây hai thế giới ấy đã tìm được điểm chung.
Chủ đích xây dựng nên một câu chuyện kinh dị - tâm linh lấy bối cảnh học đường, nhưng Ayatsuji đã làm được một việc còn xuất sắc hơn thế khi đưa vào nửa sau câu chuyện một chút yếu tố trinh thám, càng về sau càng đậm đặc. Nếu nửa đầu bộ sách, âm hưởng chung đơn thuần chỉ là kinh dị, khi các nhân vật “bó tay chịu trói”, để bản thân bị cuốn theo nỗi kinh hoàng, thì sang nửa sau, họ đã bắt tay tìm kiếm những manh mối để dẫn đến lời giải. Vẫn còn những sợ hãi, hoang mang, nhưng trên hết, là khát vọng sống đã thôi thúc họ tự cứu lấy chính mình. Cho tới lúc này, câu chuyện đã trở thành một vụ án, và các nạn nhân kiêm thám tử phải trả lời cho câu hỏi: “Ai?”
Những chương cuối của cuốn truyện quay về motif kinh điển của thể loại trinh thám những năm đầu thập niên 90 – một bối cảnh bị cô lập, và kẻ thủ ác lẩn giữa đám đông. Motif này có vẻ cũ, nhưng chưa bao giờ hết sức thuyết phục. Và trong Another, một lần nữa nó lại phát huy tác dụng, tạo nên một cái kết bất ngờ.
Rải nhỏ, cài cắm khắp câu chuyện các manh mối dẫn tới đáp án cuối cùng – giống như những vụn bánh của hai anh em Hansel và Gretel, Ayatsuji đã biến câu chuyện của mình thành một tác phẩm trinh thám thực sự vào khoảnh khắc bí ẩn được hé mở. Chắc hẳn đọc đến đoạn ấy của tác phẩm, rất nhiều độc giả sẽ thấy khó hiểu, khó chịu bởi một khẳng định nhiều phần vô lý. Nhưng sau phút bốc đồng của cảm xúc ấy, là một sự “tâm phục khẩu phục” bởi sự hợp lý đến bất ngờ của những tình tiết nho nhỏ tưởng như không quan trọng được nhắc đến ngay từ những trang truyện đầu tiên. Quả là một sự tính toán thiên tài.
Hình ảnh các nhân vật chính trong phiên bản hoạt hình
Với Another, tuy được liệt vào dòng truyện kinh dị, nhưng dường như yếu tố kinh dị, xuất hiện với mật độ dày đặc nhưng cường độ thấp, chỉ là “chất bôi trơn”, giúp cỗ máy “trinh thám” vận hành trơn tru hơn. Nói cách khác, yếu tố kinh dị giúp “logic” hoá tất cả những điểm bất thường mà suy luận không thể giải thích được. Sự hoà hợp, bổ trợ này càng góp phần biến Another thành một tác phẩm hấp dẫn không thể bỏ qua.
Và thông điệp chính, xuyên suốt hai tập truyện, là nguyên nhân của những bất hạnh, và cũng là chìa khoá giải quyết mọi vấn đề, chính là chấp nhận sự thật. Chỉ khi nhìn thẳng vào vấn đề, và chấp nhận nó, thì người ta mới có thể tìm ra lối thoát cho bản thân mình.