"Chuyện tầng năm": Khi cái chết chia lìa đôi ta

Ngày 25/02/2015 08:50 AM (GMT+7)

“Ta lại khám phá cái vũ trụ sầu não đầy chất thơ, giàu sáng tạo và khôi hài, riêng có ở Nicolas Ancion” – L’EXPRESS

Chuyện tầng năm là một câu chuyện kì lạ, kì lạ tới mức nực cười xảy ra ở Bruxelles – tên một thành phố, chứ tuyệt nhiên không phải tên một loại rau ăn nào. Chuyện kể lại rằng ở tầng năm một khu chung cư cũ nát nọ, có một cặp vợ chồng già tên Thomas và Marie. Marie bị nhiễm kí sinh trùng ở cổ, căn bệnh khiến bà không thể đi đâu xa hơn chiếc giường của mình. Thomas - chồng bà, buộc phải tìm mọi cách để xoay sở - vừa đảm bảo cho những nhu cầu thiết yếu nhất của hai người, là cái ăn bỏ bụng và tiền nhà trả cho lão chủ nhà giàu có và tham lam, vừa phải bảo vệ vũ trụ nhỏ bé và tĩnh lặng bên trong phòng ngủ của Marie tránh khỏi sự xâm phạm của thế giới bên ngoài.

quot;Chuyện tầng nămquot;: Khi cái chết chia lìa đôi ta - 1

Bìa sách "Chuyện tầng năm" của tác giả Nicolas Ancion.

Cũng trong thành phố ấy, ở tầng năm một toà chung cư cũ kĩ khác, có một đường ống nước trong nhà tắm bị rò rỉ, buộc anh chàng Serge – người vừa chứng kiến tường tận cái chết của bạn mình trong một vụ tai nạn, bất đắc dĩ phải đóng vai người bạn Toni đã chết của mình đến để sửa chữa…

Đó là tất cả những gì xảy ra trên tầng năm, được kể lại trọn vẹn trong khuôn khổ 180 trang sách của tác giả Nicolas Ancoin.

Chuyện tầng năm là một cuốn sách nhỏ, và không quá dày. Người đọc sẽ được tận hưởng hai cuộc hành trình song song trong một cuốn sách, mà điểm kết của cả hai đều ở cùng một chỗ: là tình yêu, rất nhiều tình yêu và sự trung thành hiếm thấy của những người bạn đời, giống như câu nói thường vang lên trong các đám cưới: “Cho tới khi cái chết chia lìa đôi ta”.

“Cho tới khi cái chết chia lìa đôi ta”, có lẽ cái chết cũng không thể chia cắt được Thomas và Marie – ông già khốn khổ và người vợ bệnh tật của mình. Thế giới của họ dường như bị chia làm hai nửa: bên trong vũ trụ của Marie và bên ngoài vũ trụ ấy. Bên trong vũ trụ của Marie là sự tĩnh lặng của căn phòng ngủ mỗi khi đêm về, là giọng kể của Thomas dịu dàng đưa Marie vào giấc ngủ, là những lời yêu thương, là ánh mắt, là nụ cười mệt mỏi, là giọng van nài của Marie đề nghị Thomas kể cho bà nghe phần tiếp theo của câu chuyện tình kì lạ. Còn bên ngoài vũ trụ của Marie, là cơn ác mộng, là thế giới thực tàn nhẫn đổ ập xuống cơ thể già nua của Thomas.

Trong một tuyến truyện song song khác, kể về anh chàng Serge, người đọc cũng có cơ hội được trải nghiệm một câu chuyện tình yêu kì cục và bất ngờ như thể cái lí lẽ đã khiến nó diễn ra, độc giả cũng sẽ nhìn thấy bên trong đó ít nhiều những trùng lặp và tiếp nối câu chuyện của Thomas và Marie.

Vốn là một tay mơ, bị ấn hộp đồ nghề vào tay khi đến nhà và tìm cách thông báo cho một cặp vợ chồng già việc cháu trai của họ đã chết, Serge cần phải thay một cái van cao su đã cũ và hoàn toàn vô hại – trừ việc nó làm nước rỉ ra tung toé trong nhà tắm của một cô gái nọ, với khoản thù lao hậu hĩnh bất ngờ. Luống cuống và bất lực bởi chuyện cần nói thì vẫn chưa nói ra, việc cần làm thì vẫn chưa làm được, cùng với những hoang mang và mệt mỏi không thể sẻ chia, Serge xách túi đồ nghề và bắt đầu vai diễn bất đắc dĩ của mình.

Thông qua hai tuyến truyện diễn ra đan xen, người đọc tưởng như mình vừa bị Nicolas Ancoin túm gáy, vứt vào giữa thế giới đảo điên, khùng loạn của thủ đô Vương quốc Bỉ - nơi giống như thế giới của Thomas, cũng bị chia cắt làm hai nửa: một nửa phía trên đẹp đẽ, chỉn chu, với những con người giàu có, hoặc xoay sở đủ cho vẻ ngoài sung túc của mình, và nửa dưới, là tập hợp của tất cả những gì còn lại.

Thomas, Marie, Serge, Toni đã chết, bác của anh ta, Louise, và cả cuốn sách này thuộc về thế giới bên dưới đó. Một thế giới của những tranh cướp, bòn rút, lừa lọc… và không có cái gọi là sự riêng tư.

quot;Chuyện tầng nămquot;: Khi cái chết chia lìa đôi ta - 2Nicolas Ancion trong lần đến Việt Nam gần đây nhất của anh.

Nhưng giữa một thế giới với một tỉ những điều phi lí như vậy, giữa những bất công và vô cảm, Nicolas Ancion vẫn có cách để thổi bùng lên niềm vui, niềm tin vào tình yêu và chút hi vọng bé mọn nơi tận cùng tuyệt vọng. Vẫn bắt đầu từ việc xây dựng những vũ trụ yên bình nhỏ nhoi để các nhân vật giấu mình, bắt đầu từ những cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim, từ nỗi cô đơn cần chia sẻ… Những điều giản dị ấy chính là lí do Thomas ở lại bên Marie, Serge tiến đến bên Louies. Tất nhiên là với một chút chất xúc tác đến từ sự hài hước mang màu sắc u ám của Nicolas Ancion. Một câu chuyện dài, vẫy vùng giữa một thành phố vô cảm mục rữa, bệnh tật và sự chán nản, bỗng lấp lánh những vệt sáng tròn mờ ảo của tình yêu và niềm vui chân thật.

Đến với Chuyện tầng năm, độc giả không chỉ được tận hưởng câu chuyện, họ còn được thưởng thức cách những câu chuyện đơn lẻ ấy đan cài, lồng ghép vào nhau, tiếp nối vào nhau – như thể một mầm cây được chiết ghép, một thân cây đang lớn lên. Những cú ngoặt ngoạn mục trong cách thức xây dựng tình tiết ấy vừa khiến người đọc bất ngờ, vừa khiến họ day dứt cùng những đớn đau của nhân vật – những cảm xúc thường thấy khi ta biết đến cái chết của một ai đó, trước khi ta được nghe câu chuyện về cuộc đời họ.

Tuy nhiều nỗi buồn hơn niềm vui cuộc sống, nhưng Chuyện tầng năm sẽ khiến ta tin hơn vào tình yêu chân thật, sự bền bỉ và trung thành của hôn nhân, như cái cách mà lời thề trong các đám cưới luôn kết thúc: “Cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta”.

Anh Phan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn