Cuốn sách "Thuần hóa cha mẹ hổ" nằm trong dòng sách kỹ năng giáo dục con cái rất được độc giả Việt Nam yêu thích những năm gần đây.
Thuần hóa cha mẹ hổ của tác giả Tanith Carey từ khi xuất bản đã nhận được nhiều sự quan tâm rất của các độc giả thế giới và trở thành một trong những cuốn sách kỹ năng lọt vào hạng 5 sao bán chạy trên trang Amazon của Anh.
Cuốn sách hiện đã được dịch ra 12 thứ tiếng, đồng thời, Thuần hóa cha mẹ hổ còn trở thành một làn sóng tranh luận mạnh mẽ về phương pháp giáo dục con cái ở nhiều nước trên thế giới với tư duy đối lập phương pháp nuôi dạy con kiểu “mẹ hổ” đã tạo ra nhiều luồng dư luận trước đó. Chính vì vậy, quan điểm “thuần hóa cha mẹ hổ” của Tanith Carey được đăng trên các trang tin nổi tiếng thế giới như: The Independent, The Telegraph, The Guardian, New York Post, Daily Mail...
Bìa sách "Thuần hóa cha mẹ hổ".
Tựa đề của cuốn sách đã giúp người đọc có thể hình dung đến vấn đề tác giả muốn đề cập đó là những quan điểm giáo dục sai lệch của các bậc làm cha mẹ trong thời đại ngày nay, thời đại không chỉ cạnh tranh về kinh tế, chính trị mà cả trong các lĩnh vực khác của đời sống, trong đó có giáo dục. Đồng thời, đây cũng là “liều thuốc giải độc” cho “cha mẹ hổ” để từ đó nuôi dạy con đúng cách và hiệu quả.
Một số quan điểm cho rằng trẻ em đủ cứng rắn để đối phó với những lời chỉ trích khắc nghiệt, tuy nhiên, Carey lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi của một đứa trẻ để đối phó với những áp lực của nhà trường và các kỳ thi.Tác giả cho thấy rằng không nên để cho các con hiểu nhầm cha mẹ sẽ yêu con nhiều hơn khi chúng làm tốt và ngược lại ít hơn khi không làm hoặc chưa làm được. Chính điều này sẽ là nguyên nhân làm xa rời tình cảm giữa cha mẹ và con cái, là con đường hướng tới những sai lầm nguy hiểm đối với trẻ. Trong phần 1 của cuốn sách, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể để chứng minh rằng vì sao “cha mẹ hổ” là trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.
Đồng thời, tác giả còn nêu ra một trong số những nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ có phương pháp giáo dục hà khắc với con cái đó là sự kỳ vọng mà họ dành cho con là quá lớn. Họ mong muốn con mình có thể trở thành “thần đồng” ngay khi ở trong nôi. Hoặc nguyên nhân đó còn đến từ “sự trỗi dậy của việc học phụ đạo” ở trẻ.
Ở chương 2, tác giả Tanith Carey vạch ra những mối nguy hại ghê gớm đến mức báo động của phương pháp nuôi dạy con cạnh tranh, áp lực đang ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ như thế nào. Không chỉ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, phương pháp này còn gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nhiều bậc cha mẹ không thể lường trước được. Hàng loạt dẫn chứng về trẻ em bị stress nặng, mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, tự kỷ, tự ngược đãi bản thân,… và đặc biệt những minh chứng cho thấy tỉ lệ trẻ em tự tử đã gia tăng đáng kể ở các nước Châu Âu trong thời gian gần đây. Chính những con số này là lời cảnh tỉnh cho biết bao bậc làm cha mẹ cần phải xem xét lại phương pháp giáo dục con của mình.
Và cuối cùng, trong chương 3 tác giả đưa ra những gợi ý cho các bậc làm cha mẹ có cái nhìn mới hơn về phương pháp giáo dục con. Dành thời gian và suy nghĩ cho con nhiều hơn, hiểu được rõ tầm quan trọng của việc chơi đùa, đừng bao giờ biến bài tập thành trận chiến, học cách nói với con, thường xuyên đưa ra những lời khen ngợi hợp lý,… Đó là cách để kết nối, thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thông điệp cuối cùng mà tác giả muốn gửi tới các bậc cha mẹ “không bao giờ là quá muộn” để học cách yêu thương và mang đến cho con những điều tuyệt vời, hạnh phúc nhất trong cuộc sống. Cuốn sách sẽ cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ biết đâu là điểm dừng, là giới hạn của bản thân trong cách giáo dục con. Tham vọng và sự theo đuổi thành tích của cha mẹ sẽ vô tình trở thành bức tường ngăn cản sự phát triển của trẻ, nguy hiểm hơn nó có thể biến thành con dao “giết hại” chính đứa con thân yêu của bạn bất cứ lúc nào. Thuần hóa cha mẹ hổ của Tanith Carey giúp các bậc cha mẹ hiểu và lựa chọn giải pháp giáo dục con khoa học, hiệu quả nhất. Nắm trong tay phương pháp giáo dục con đúng đắn cũng đồng nghĩa với việc họ đã thành công trong vai trò làm cha mẹ của mình.