Ra mắt vào tháng 5/2015, cuốn sách về cô bé San San là lời nhắc nhớ nhẹ nhàng về tuổi thơ Hà Nội ngày xưa.
San San chân to đi xốp là một cô bé thích đọc sách và hay thấy đói bụng. Phía sau tên cô bé lại có cái đuôi “chân to đi xốp” là bởi cô bé có đôi bàn chân rất to, to tới độ muốn mua được một đôi dép vừa chân cô, hai bà cháu phải ngồi tàu hoả năm ngày năm đêm, tới độ người ngợm “bốc lên một thứ mùi kinh khủng không thể gột rửa được” để vào đến thành phố Hồ Chí Minh. San San hay mơ mộng, và cũng hơi “khùng” một tí, cô bé thường trốn lên trên mái nhà, bước trên những viên gạch ngói màu da cam còn hơi âm ấm, và nhìn ngắm thế giới xung quanh mình.
Bìa sách "San San chân to đi xốp".
Thế giới của San San là Hà Nội của thập niên 80, quãng thời gian mà những người từng đi qua nó thường nhắc về bằng một cái chép miệng đầy tiếc nuối. Đó không chỉ là một chương trong quá khứ của Hà Nội, mà còn là kí ức tuổi thơ, là một phần máu thịt của biết bao con người. Cái thời “ai cũng nghèo, mà vui” như trong câu hát của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Hà Nội ấy trong đôi mắt San San có gia đình cô, có chú Đồng hồ, có cô Giày mũi cứng, có Chim sẻ, có thằng em Mêli Mêlô đầy máu “gian thương”, có em Mèo mun mắt to bẽn lẽn… Đọc cuốn sách, người ta biết đấy là Hà Nội không bởi những tên phố tên hàng, mà qua những sinh hoạt dù rất bình thường của những con người sống trong thành phố ấy. Nào là chuyện nhà Chim sẻ khá giả hơn những ngôi nhà khác trong phố vì bố mẹ em “kinh doanh” tem phiếu – thứ vật chứng của thời kì bao cấp, chuyện sinh hoạt hè vào lúc 6 giờ sáng, những trò “rất ngầu” chỉ bọn trẻ con mới biết… Và thân thuộc hơn hết thảy, là những bài vè, những câu ca như đã in sâu vào kí ức của rất nhiều thế hệ đã đi qua Hà Nội: “Một thương anh có may ô/ Hai thương anh có cá khô ăn dần…”
San San lớn lên trong một gia đình trí thức “kiểu ngày xưa”: bố là nhà khoa học, ông nội chơi nhạc “tây” còn ông ngoại chuộng nhạc “ta”… Bên cạnh San San có chú nhà thơ Đông ki sốt âm mưu đánh cối xay gió để cưới cô Út về nhà, có chú Đồng hồ báo thức với tiếng sáo du dương rỉ rả… Những con người, những hình ảnh thân thiết cũ xưa giờ không biết đi đến nơi đâu để tìm lại.
Nhưng hãy gác nỗi buồn ấy qua một bên, bởi San San đang đưa bạn quay trở lại những năm 80 xa xôi ấy. Những năm 80 không ti vi, không internet, lũ trẻ con tìm thấy niềm vui trong một ngày hè lang thang trên phố hay những cuộc phiêu lưu trong trí tưởng tượng. San San cũng có cho mình những cuộc phiêu lưu như thế, và thông qua chúng cô gặp được những con người kì lạ, giúp cô thấu hiểu thêm cuộc sống xung quanh mình.
Ảnh chụp bên trong cuốn sách
San San chân to đi xốp là một câu chuyện đầy ắp tiếng cười. Nụ cười hồn nhiên và lí lắc đến từ góc nhìn kì lạ của cô bé San San, cách cô bé gọi tên những sự vật xung quanh mình, cách suy nghĩ “già giặn kiểu trẻ con” của cô bé: không dậy sớm vì muốn “bảo vệ sức khoẻ” nhi đồng, đi học thêu nhưng cuối cùng lại chỉ chăm chăm thêu móc kiếm xèng bỏ lợn… Người đọc chắc chắn sẽ bật cười trước câu chuyện đi học thêu, học vẽ học đàn của San San, chuyện San San đi tàu từ Bắc vào Nam, chuyện bài văn mô tả con gà, con lợn… Nhưng xen lẫn giữa những tiếng cười ấy, vẫn có những bài học giản dị và chân phương được rút ra bằng lòng yêu thương, sự chia sẻ, sự tự chiến thắng bản thân mình để trở thành một con người tiến bộ hơn, và cuối cùng, là sự trân trọng những thứ thuộc về bản thân mình.
Sẽ có những người tìm lại được trong cuốn sách này một phần những kí ức tưởng đã lãng quên, nhưng cũng có những người khác nhìn qua đôi mắt của cô bé San San và thấy được trong đó tuổi thơ của cha mẹ hay chú bác của họ. Không đơn thuần chỉ là một cuốn sách với giọng kể tươi sáng và dễ thương, San San chân to đi xốp còn là một “cỗ máy thời gian” đưa bạn về giữa Hà Nội của những năm 80 với những câu chuyện của một tuổi thơ lớn lên trong gian khó.