Cùng giúp trẻ làm quen với văn hóa dân gian của đất nước qua những câu đố đã quá đỗi thân thuộc với tuổi thơ chúng ta.
Khi mà càng ngày người ta càng nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách thì cũng là lúc người lớn đặt ra câu hỏi: nên cho trẻ nhỏ đọc sách gì? Bên cạnh những cuốn truyện tranh đầy màu sắc hay những chuyện cổ tích thần thoại, mới đây bộ sách những câu đố dân gian đã được ra mắt hướng tới đối tượng là những em nhỏ đam mê hiểu biết. Bộ sách Câu đố dân gian cho bé bao gồm 5 cuốn: Có vòi không phải con voi, Một đàn cò trắng phau phau, Sừng sững mà đứng giữa đường, Tám người khiêng một mâm xương, Vừa bằng cái vung.
Bìa của bộ sách 5 cuốn câu đố dân gian dành cho trẻ nhỏ
Câu đố là một trong những di sản quí giá ông cha ta đã để lại trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam mà chúng ta phải gìn giữ, bồi đắp. Mặc dù có số lượng khá khiêm tốn, thậm chí là ít hơn hẳn so với kho tàng đồ sộ của tục ngữ, ca dao, dân ca… nhưng câu đố thông qua truyền khẩu vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt văn hoá của người Việt. Câu đố, cũng như ca dao, tục ngữ, là vốn liếng mà mỗi con người đều ít nhiều mang theo từ thuở còn thơ bé. Hiếm có ai lớn lên mà không từng nghe biết qua, hoặc từng vò đầu bứt tai trước một câu đố mà bạn bè, hoặc người thân đã ra đề, ví dụ như:
“Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, đào không thấy, lấy không được?”
(Đố là cái gì?)
Hoặc là:
“Mình vàng mặc áo cánh tiên
Ngày năm bảy vợ, đến đêm kêu trời?”
Câu đố dân gian cho thấy sự gắn bó mật thiết biết bao của con người Việt Nam với thiên nhiên, đồng ruộng, làng xóm… Việc có rất nhiều câu đố xung quanh các chủ đề về thời tiết, về trăng sao, nông cụ, cây con loài vật…. cho chúng ta thấy rõ điều đó. Sinh hoạt xã hội cũng được ghi nhận và miêu tả trong câu đố rất thú vị. Ngoài ra, trong câu đố về con người, ta có thể thấy cha ông ta đã quan sát đầy suy tư về chính bản thân mình:
“Sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân
Chiều đi ba chân, tối đi tám chân.”
Câu đố dân gian Việt Nam có hình thức khá đa dạng, linh hoạt, khi thì lục bát (Trên trời có giếng nước trong/Con kiến chẳng lọt, con ong chẳng vào), khi thì nói lái (Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn), khi thì láy vần (Vừa bằng cái nong, cả làng đong chẳng hết), khi thì nói thẳng tuột mà vẫn gây hoang mang (Trùng trục như con chó thui, chín mắt chín mũi chín tai chín đầu)… cho thấy cách đặt câu đố của người Việt thật linh hoạt, tài tình, hoàn toàn có thể trở thành những bài học về khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Đặc biệt, khả năng đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục… cũng thể hiện sự hóm hỉnh đầy thông minh, vui tươi của trí tuệ dân gian. Tuy nhiên, để tập hợp cho bộ sách này, mà mục đích là bước đầu giới thiệu một phần tinh tuý của câu đố dân gian với thiếu nhi, bộ sách câu đố dân gian cho trẻ nhỏ chỉ chọn lựa những câu đố trong sáng, vừa phải, phù hợp với tuổi thơ, mà không tuyển những câu dù đặc sắc, thú vị, nhưng ngôn ngữ có thể là “tục” với các em, hoặc đối tượng được đố lại là chủ đề của người lớn.
Bộ sách cũng được minh hoạ với lối vẽ vừa giàu chất truyền thống dân gian, vừa đậm nét vui tươi, nhí nhảnh dành cho trẻ thơ, với mục đích trở thành những cuốn sách thú vị, nhẹ nhàng mà các bậc phụ huynh có thể vui đố cùng con trẻ. Một cuốn sách có thể nối kết người lớn với trẻ con, trở thành nguồn giải trí thú vị cho cả nhà, thì còn gì hữu ích hơn nữa!