Có lẽ sâu trong tiềm thức của những người trẻ chúng ta đã quen thuộc với sự nhộn nhịp, huyên náo, rực sáng cả vùng trời, đánh thức màn đêm của chợ đêm Đà Lạt, thế nhưng ít ai biết rằng nơi ấy đã từng có tên gọi gắn liền với bóng tối - Âm Phủ.
Chợ Âm Phủ Đà Lạt hay còn gọi là chợ đêm Đà Lạt, nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực trung tâm thành phố. Chợ kéo dài từ khu vực cầu thang Hòa Bình cho đến cổng chợ Đà Lạt. Thời gian mở cửa từ 19h tối đến 3h sáng ngày hôm sau.
Cái tên Chợ Âm Phủ bắt nguồn từ đâu?
Nhiều du khách đã rất bất ngờ và tò mò khi biết một nơi sầm uất và náo nhiệt như chợ đêm Đà Lạt lại từng có tên gọi là chợ Âm Phủ. Vậy tại sao chợ đêm Đà Lạt lại có cái tên kỳ lạ như vậy? Đó là bởi trước kia, vào những năm 70 của thế kỷ 20 khi Đà Lạt vẫn chỉ là một ngọn núi hoang sơ, chưa phát triển như bây giờ nên người dân đã tự gánh rau củ ra khu chợ tự phát để buôn bán và trao đổi. Những hộ nào có nhà vườn đều phải di chuyển một quãng đường xa để mang rau ra bán. Thời đó khu chợ tự phát này thường bắt đầu vào lúc 23h tối và kéo dài đến sáng tới khi hết hàng.
Khi ấy, người Đà Lạt rất thưa thớt, khách du lịch cũng rất vắng vẻ. Dù gọi là chợ thế thôi nhưng thật ra nơi đó chỉ là khu đất trống, hệ thống đèn đường chưa được đầu tư phát triển cộng với làn sương mù dày đặc biểu tượng của Đà Lạt làm cho cảnh tượng trở nên cô liêu, hẻo lánh. Bởi vì chẳng có hệ thống chiếu sáng, người mua kẻ bán thắp đèn dầu để xem xét hàng hoá và trả giá, khắp chợ là sự leo lét từ ngọn đèn dầu. Nhìn từ xa, giữa khung cảnh rừng núi Đà Lạt, dòng người di chuyển trong sự lập loè của màn sương và sự le lói của ngọn đèn dầu khiến khung cảnh mang dáng vẻ ma mị, liêu trai của cõi âm nên chợ được gọi tên từ đó.
Chợ Âm Phủ khoác lên chiếc mới áo rực rỡ
Chợ Âm Phủ cô liêu, heo hút xưa kia giờ đây đã trở thành địa điểm du lịch mà ai khi đặt chân tới Đà Lạt cũng phải ghé qua. Chợ ở vị trí trung tâm của Đà Lạt nơi đông đúc người qua lại. Ngay cả khi màn đêm buông xuống thì nơi chợ vẫn được trang hoàng bởi đèn điện hiện đại lấp lánh.
Ở chợ bày bán nhiều loại đồ ăn đặc sản của Đà Lạt. Thưởng thức những món như bánh tráng nước, hạt dẻ nướng cùng với cốc sữa đậu nành thơm ngọt, nóng hổi giữa thời tiết se lạnh, sương đêm của Đà Lạt thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ mà mỗi người chẳng thể quên.
Ngoài các quán ăn, du khách có thể thưởng thức nhiều món bình dân, độc đáo và rất tiện vì có thể vừa đi dạo vừa… ăn như bắp luộc, khoai lang nướng, mực nướng… Có cả các món nướng xiên, cánh gà, đùi gà nướng. Bạn cũng có thể ghé những gánh hàng rong trong chợ để “xì xụp” một tô súp cua nóng hổi, hay thưởng thức một đĩa xôi bắp đầy ụ thay cho bữa tối.
Chợ Âm Phủ Đà Lạt cũng là thiên đường của các loại mứt – trái cây sấy khô, các bạn sẽ hoa mắt với đủ loại: hồng Đà Lạt treo gió, mứt dâu tây, khoai lang mật, bơ... trái cây sấy. Đi tiếp các bạn sẽ được tìm hiểu về các loại trà một số loại trà nổi tiếng như trà ô long, trà lài, trà atiso, trà khổ qua, trà bồ công anh,… Đặc biệt là trà atiso Đà Lạt các bạn nên mua về làm quà nhé rất tốt cho sức khỏe mùi vị cũng rất dễ uống.
Ngoài những đặc sản ẩm thực đáng để trải nghiệm, tại chợ đêm Đà Lạt còn bày bán nhiều các loại đồ lưu niệm như quần áo hay là những món đồ được đan tay bằng len như: mũ, găng tay, khăn quàng cổ - gắn liền với hình ảnh của Đà Lạt. Đặc biệt những món đồ này được các tiểu thương ở đây bán với giá cả phải chăng. Khi đến với Đà Lạt các bạn hãy mua ủng hộ người dân nơi đây những món quà lưu niệm ấm áp này nhé!
Cách di chuyển đến chợ Âm Phủ
Chợ Âm Phủ cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3km về phía Tây. Đoạn đường khá gần nên bạn có thể thuận tiện di chuyển bằng xe máy hoặc taxi để đến đó. Từ trung tâm bạn đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo về hướng Tây. Đến vòng xuyến chọn lối rẽ vào đường Hồ Tùng Mậu, tiếp tục đi thẳng vào đường Trần Quốc Toản đến đài phun nước Đà Lạt. Tại vòng xuyến bạn sẽ thấy chợ Âm Phủ nằm phía bên tay phải tại lối rẽ vào đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Hiện nay, chợ Âm Phủ là một điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến tham quan Đà Lạt.