Tiếp nối series Viết cho những điều bé nhỏ, hai tác phẩm Con trai những ngày mẹ vắng nhà & Nhìn nhau trong nắng của nhà văn Lê Thúy Hà tiếp tục chinh phục độc giả.
Mở màn với tuyển tập năm cuốn của nhà báo Đoàn Công Lê Huy và nhà báo Ngô Thị Phú Bình, series sách Viết cho những điều bé nhỏ đã chiếm được tình yêu mến của độc giả. Tiếp nối thành công này, hai tập tản văn của tác giả Lê Thúy Hà: “Con trai những ngày mẹ vắng nhà” và “Nhìn nhau trong nắng” đã được ra mắt thời gian gần đây. Cũng nhân dịp ra mắt bộ đôi ấn phẩm mới này, buổi giao lưu: “Lê Thúy Hà và những chuyện trà dư” cũng đã được tổ chức cuối tuần qua trong khuôn khổ Hội sách Mùa thu.
Nhà văn Lê Thúy Hà đứng giữa, đang đọc 1 trích đoạn trong tác phẩm "Nhìn nhau trong nắng" của chị
Sự kiện giao lưu: “Lê Thúy Hà và những chuyện trà dư” thu hút rất đông độc giả tham gia
Nếu như Con trai những ngày mẹ vắng nhà in đậm dấu ấn với những câu chuyện dí dỏm về gia đình, về hai cậu con trai đang ở cái tuổi thích triết lí, luôn đặt ra các câu hỏi “tại sao” “cái gì”… thì Nhìn nhau trong nắng” lại gây ấn tượng với những bài viết giàu cảm xúc về tuổi thơ của một cô bé xứ Thanh, về cuộc sống lắm khi dở khóc dở cười của một công chức Hà thành, về những vẻ đẹp mong manh của làng quê xứ Bắc và về những chuyến chu du khắp thế giới của chị.
Vốn là “dân” chuyên Toán Lam Sơn, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, hiện tại là một kiến trúc sư, Lê Thúy Hà có nét tư duy logic sắc sảo khi nhìn mọi vấn đề của cuộc sống xung quanh. Thẳm sâu trong tâm hồn Lê Thúy Hà là một cá tính nghệ sĩ, lãng mạn, yêu văn chương. Đúng như nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Với phương châm sống hết mình cho hiện tại, con người học toán, giỏi toán này có tư duy chính xác, nhưng ẩn sau nó là cảm xúc lãng mạn của giới khoa học – vốn lãng mạn hơn giới văn chương nhiều.”
Nhà văn Lê Thúy Hà ký tặng độc giả tại sự kiện
Bạn đọc có thể hình dung tự họa của Lê Thúy Hà qua lời kể của cậu con trai: “Mẹ em là một người mẹ béo… mẹ đeo kính, hay mặc váy khi đi làm và mặc quần lửng hoa lúc ở nhà… Mẹ lúc nào cũng thơm thơm, mềm mềm, em thích rúc vào lòng mẹ, dụi đầu vào cái bụng béo của mẹ, cái bụng bố hay chê nhưng em yêu lắm vì nó mềm.” Hay “Mẹ vừa thông minh vừa hài hước vừa nhân hậu. Nhiều khi trong tâm hồn mẹ con thấy có một đứa trẻ.” (Con trai những ngày mẹ vắng nhà).
Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng: “Tác giả viết giỏi về thế giới chung quanh tràn ngập trong tâm hồn mình cái đẹp, cái khác biệt chỉ có thể tự mình cảm nhận.”
Người đọc bị cuốn hút với những bài viết của Lê Thúy Hà bởi kiến văn sâu rộng về nhiều vấn đề của cuộc sống qua trải nghiệm của một người đi nhiều, đọc nhiều, bằng lối viết đầy chất hài hước, giễu nhại.
Lê Thúy Hà khéo léo dẫn dụ độc giả đắm chìm trong không gian “tuổi thơ tuyệt đẹp, tuyệt buồn, tuyệt trong sạch đến mức không có thật” của một cô bé xứ Thanh, trong “một căn nhà kiểu cổ, đem từ quê xuống theo thuyền sông Mã, toàn bằng gỗ và đá tảng, trên một khuôn viên trồng đầy rau để bán và hoa để chơi, chỗ nào cũng sạch như lau như li”. Tuổi thơ của cô bé ấy là những phút giây “tha sách đi đọc khắp nơi ngoài vườn trong nhà, sách văn học Pháp ngồi đọc đầu hè, sách Tàu đọc trên bàn đá nơi ông tôi uống trà, sách Nga đọc đâu đó tôi không nhớ…”
Người có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời Lê Thúy Hà chính là ông nội. Những hình ảnh về ông nội qua lời kể của Lê Thúy Hà khiến chúng ta không khỏi bồi hồi nghĩ tới những phút giây “vang bóng một thời”. Như nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: “Một người ông mang bóng hình của cả một nền văn hóa sâu thẳm như những tầng di tích dưới nền móng thành cổ đã hoang tàn, bóng dáng nền văn hóa đó đã xa vời vợi, đã vĩnh viễn đi vào miền cổ tích”.
Những khoảnh khắc của một thời dường như trở nên vĩnh cửu trong tâm hồn non nớt của một cô bé: “Ngọn đèn tròn vàng ấm. Ông ngồi trên cái ghế vải bố, như mọi khi, đọc một quyển sách nào đó. Mình ngồi cạnh dưới chân ông, êm đềm bình yên hơn bất cứ anh yêu em yêu nào khác trên đời”, hay cái vị trà Tàu của ông mà chị khôn nguôi nhớ “không đêm nào là cháu không nhớ ông, cháu nhớ đến cái chén da lươn ông uống, ông cho cháu cái chén men rạn mà về già ông đã run tay làm vỡ nên giờ cháu cũng không còn. Cái bàn đá đầu nhà ven bóng cây râm mát, trên bàn là một chậu lan, có cái ấm con và cái chén, cái đĩa hoa xanh.” (Nhìn nhau trong nắng).
Và thường xuyên, cô bé Hà được tiếp xúc với bạn bè của ông nội, là “những ông già sinh đầu thế kỉ, từ những gia đình Nho học, đi học trường Pháp, và về hưu dưới chế độ của chúng ta”, với những câu chuyện Đông Tây kim cổ, mạn đàm về những cuốn sách hay, những trào tư tư tưởng, triết học, về thế sự. Và phải chăng, cái sự mê đọc của Lê Thúy Hà đã ngấm vào từng tế bào một cách rất tự nhiên như thế.
Trong những câu chuyện của mình, Lê Thúy Hà cũng thể hiện những vấn đề của cuộc sống cá nhân, từ nỗi lo cơm áo gạo tiền rất đàn bà đến nỗi đau đáu của một trí thức về thế sự, nhưng đọc Lê Thúy Hà, đọng lại trong ta vẫn là cảm giác nhẹ nhõm, tích cực “nước chảy mây trôi, việc gì mà phải lăn tăn cho mệt”.
Lê Thúy Hà viết không phải để trở thành nhà văn, mà chỉ để “lặng lẽ trở về với tình yêu thiếu vắng của tất cả tình yêu” như câu nói của nhà văn Christian Bobin mà chị trích dẫn trong cuốn sách. Nhà văn Lê Phương Liên đánh giá: “Nếu không có một tâm hồn phong phú và nhạy cảm yêu đời yêu người, nếu không có một cách suy tư độc đáo đượm chút hài hước và cách diễn đạt câu chữ chọn lọc tài tình trau chuốt như làm thơ bằng văn xuôi thì những bài viết trên trang cá nhân không thể trở thành những ấn phẩm văn học… thể hiện tư duy của một người có trình độ văn hóa đáng nể trọng.”