Ghé đến Lạng Sơn du khách nhất định phải thưởng thức 6 món đặc sản cực ngon ở xứ Lạng nhé!
Phở chua
Phở chua là một món ăn được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị độc lạ, hấp dẫn riêng mà không món nào giống được. Mặc dù phở chua khá phổ biến tại các tỉnh miền núi, nhưng không ở đâu ngon và độc đáo như ở Lạng Sơn.
Món ăn gồm hai phần chính là sợi phở và nước lèo. Sợi phở được chế biến có độ dai mềm vừa phải, ăn kèm khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng, đậu phộng rang... Bánh phở và các nguyên liệu hòa trộn vào nhau, kết hợp với nước sốt tạo nên vị chua chua mang lại trải nghiệm không thể lẫn vào đâu được. Giá cho mỗi tô phở chua đậm chất Hà Tĩnh dao động từ 25,000 đến 35,000 đồng.
Vịt quay
Nhắc đến đặc sản Lạng Sơn, du khách không thể bỏ qua món vịt quay nổi tiếng, được tuyển chọn từ giống vịt bầu Thất Khê. Giống vịt này khi quay chín vẫn giữ được độ dày mình, chắc thịt, ít xương, da giòn ngậy nhưng không béo.
Vịt sau khi sơ chế sạch sẽ được tẩm ướp với hành, hạt tiêu, lá móc mật và nhồi các nguyên liệu trên vào bên trong bụng vịt rồi khâu lại. Phần da vịt được phết mật ong. Người Lạng Sơn thường quay vịt trên than hoa khoảng 15 phút, sau đó đem nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại vài lần cho tới khi lớp da giòn, ngả nâu thì vớt ra, để ráo.
Vịt quay Lạng Sơn có độ mềm, ngọt dịu, dậy mùi thơm. Món ăn này thưởng thức kèm nước chấm pha chế từ nước vịt quay và thêm xì dầu, ớt. Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng.
Khâu nhục
Khâu nhục hay còn gọi nằm khâu, là món truyền thống của dân vùng cao xứ Lạng. Được chế biến khá cầu kỳ từ thịt ba chỉ sau khi được ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu,…và hấp cách thủy trong thời gian dài. Thưởng thức khâu nhục với chén rượu cay sẽ thấy ấm lòng hơn giữa thời tiết xứ lạnh.
Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, khâu nhục được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây. Đây là món ăn không thể thiếu khi đãi khách hay trong các dịp quan trọng như đám cưới, đám hỏi, lễ tiệc.
Các công đoạn làm khâu nhục rất cầu kì và mất nhiều thời gian. Thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì đều rất ngon. Khoai môn thái miếng, chiên vàng rồi bày lên đĩa. Phía dưới lớp khoai là lớp rau muối mặn được làm từ lá tàu soi băm nhỏ, trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi. Sau đó thái thịt thành từng miếng khoảng 1,5 cm, úp bát to vào, lật lại để nguyên đĩa rồi xếp từng bát vào nồi chưng cách thuỷ trong khoảng thời gian từ 4-5 tiếng cho thịt chín và mềm nhừ. Khi ăn thì lật úp bát thịt ra đĩa, để phần da của thịt được bày lên trên, nếu có màu vàng đều cùng hương thơm đặc trưng là đã đạt yêu cầu.
Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù. Món ăn này có bán rất nhiều ở chợ Đông Kinh hay các quán ăn, nhà hàng cho du khách mua về làm quà.
Măng ớt ngâm
Đến các tỉnh vùng núi phía Bắc đừng quên mua về vài lọ măng ớt ngâm. Măng ớt ngâm là đặc sản Lạng Sơn làm quà hợp với mọi nhà bởi độ tiện dụng và dễ ăn. Nguyên liệu chính làm nên món đặc sản măng ớt Lạng Sơn vô cùng đơn giản: măng tươi, ớt, tỏi cùng các gia vị đi kèm như muối, đường, giấm gạo tạo nên món măng ớt ngâm nổi tiếng. Điểm đặc biệt của măng ớt ngâm ở Lạng Sơn là khi ngâm người ta cho thêm quả của cây mắc mật thì món măng ớt ngâm chua sẽ ngon hơn và có hương thơm hơn hẳn. Ngâm chừng một tuần thì món ăn đã hoàn thành và có thể mang ra thưởng thức.
Măng ớt chua thường ăn kèm với bún, mỳ hay dùng để nấu canh chua đều ngon. Măng không có vị chua gắt mà thanh thanh, nhẹ nhẹ. Cùng với vị the the nơi đầu lưỡi của ớt khiến kích thích vị giác người ăn. Ngon nhất khi ăn măng ớt ngâm phải ăn cùng với món bún ngan. Vị chua chua, cay cay của món măng ngâm ăn cùng với vị béo ngậy của nước hầm tạo nên hương vị tuyệt hơn bao giờ hết.
Nem nướng Hữu Lũng
Nếu bạn muốn mua đặc sản Lạng Sơn làm quà, thì nem nướng Hữu Lũng sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là thịt lợn và bì lợn cắt nhỏ, kết hợp cùng thính, gói lại bằng lá chuối tươi.
Sau một thời gian ngắn nem sẽ lên men và có vị chua chua, khi muốn ăn chỉ cần bắc lên bếp nướng là đã có được món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Món ăn vừa có vị chua, kèm thêm hương vị được gia giảm vừa phải, khi ăn sẽ có cảm giác mềm và dai dai của thịt lợn cùng bì lợn.
Bánh ngải
Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước. Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hổi tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Cũng có một cách xử lý lá khác là luộc nước vôi trong để giữ màu xanh, sau đó đảo qua cho ráo nước, cuối cùng lá đó cũng bỏ vào giã nhuyễn cùng xôi cho đến lúc thành bột mịn. Cũng có nơi, người dân xay nhuyễn lá rồi trộn với gạo, đồ thành xôi xanh, rồi mới giã mịn.
Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quyện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào. Lạng Sơn được coi là “thủ phủ” của bánh ngải. Đến với mảnh đất này, ngoài mua thịt vịt quay, bát khâu nhục, khách du lịch còn thường mua bánh ngải mang về làm quà.