Mặc dù là cây mọc dại nhưng dây bình bát lại được coi là đặc sản có thể chế biến được nhiều món ăn ngon.
Dây bình bát (hay còn gọi là bát nát, mảnh bát, miếng bát) là loài cây thảo nhẵn và mảnh, thân leo, đôi khi dài tới 5m. Lá mọc so le, hình tim, có cuống dài, khía 5 thùy nông, mép có răng cưa. Tua cuống đơn, mọc đối diện với lá. Hoa đực và hoa cái giống nhau, mọc đơn độc hay xếp hai cái một ở nách lá, có cuống dài 2cm, rộng 2,5cm. Quả chín có màu đỏ và chứa nhiều hạt.
Dây bình bát mọc hoang dại ở nhiều nước châu Á như Ấn Độ, phía Nam Trung Quốc, Malaysia... Tại Việt Nam, chúng mọc hoang trên nương rẫy, ở rào, lùm lụi từ vùng đồng bằng đến miền núi nhưng phổ biến hơn cả là Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mặc dù là cây mọc dại nhưng dây bình bát lại được coi là đặc sản có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Người dân thường hái đọt và lá non của chúng đem rửa sạch, để ráo rồi nấu với thịt lợn, thịt bò, cá, tôm... Nhưng ngon và đậm vị hơn cả chính là dây bình bát nấu với trứng vịt lộn hoặc lẩu trứng vịt lộn ăn kèm với rau bình bát.
Dây bình bát mọc hoang dại ở bờ rào, ven ao...
Còn quả bình bát xanh có vị đắng, chát và chua; khi chín mềm, vị ngọt... Vì thế đây được xem là một loại quả được rất nhiều người dân miền Tây ưa thích. “Hồi nhỏ, ở quê mình dễ dàng nhìn thấy cây này lắm. Mình chỉ cần bước ra bờ ao sau nhà là đã thấy chúng bò xum xuê, xanh tốt trên những bụi cây. Chúng rất dễ sống nên chẳng cần tốn công trồng cũng như chăm sóc gì nhiều.
Là loại cây dại nhưng lá của chúng nấu canh thì ngọt và ngon lắm. Tôi nhớ hễ mùa mưa và mùa nước nổi, cây xanh mướt... Cha mẹ tôi lại tranh thủ đi bắt cá đồng rồi hái rau về nấu ăn thì không chê vào đâu được”, chị Bình (32 tuổi, Sóc Trăng) chia sẻ.
Quả dây bình bát khi chín có màu đỏ, vị ngọt, thơm nhẹ.
Cũng theo chị Bình, mùa nắng thì rau bình bát khá cứng nên ăn không ngon nhưng có thể làm trà uống rất thanh mát. Đặc biệt quả bát chín đỏ rất đẹp, lại có vị ngọt thanh, thơm nhẹ, là món quà mà thiên nhiên đã dành tặng riêng cho lũ trẻ vùng thôn quê.
Theo y học cổ truyền dây bình bát có vị ngọt, tính mát. Vì thế chúng có tác dụng thanh phế, nhuận táo, giải độc, thanh nhiệt, sinh tân dịch. Ngoài ra, chúng thường được dùng để chữa táo bón, người nóng nổi mụn nhọt, miệng khô khát, tiểu buốt, bí tiểu,…