Dù giá thành cao, nhưng những mẫu lồng đèn như Cá chép hoá rồng, Cự Giải, Ngư Long biến hoá, Đại Long qua bàn tay của Nguyễn Thị Kim Thuỷ một nữ kiến trúc sư 9X cùng người bạn đời phỏng dựng lại được cộng đồng mạng đón nhận một cách hào hứng.
Từ niềm đam mê với nghệ thuật thủ công và mong muốn nối dài hơi thở văn hóa truyền thống, nữ kiến trúc sư Nguyễn Thị Kim Thuỷ đã tạo nên nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang theo nét đẹp xưa cũ trong diện mạo hoàn toàn mới bằng việc phỏng dựng những chiếc lồng đèn cổ.
KTS Nguyễn Thị Kim Thuỷ (32 tuổi, sống tại TPHCM) đưa ra quyết định táo bạo: Phỏng dựng lại mô hình lồng đèn truyền thống xưa.
“Trong đời sống hiện đại, tôi thấy văn hoá truyền thống đang bị mai một dần. Mình tự hỏi liệu bản thân có thể làm gì để lưu giữ lại hay không. Từ đó ý tưởng phỏng dựng lại mô hình lồng đèn truyền thống xưa ra đời”, chị Thuỷ nói về quyết định của mình.
Ý tưởng của Thuỷ ngay lập tức được người bạn đời Hoàng Sơn (36 tuổi) hưởng ứng. Nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, cả hai mới thấy không dễ dàng như suy nghĩ.
Không nhiều tư liệu, hình ảnh về mẫu đèn lồng truyền thống cách đây cả trăm năm, nên cả hai cũng chỉ có thể dựa trên những bài khảo cứu của nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách để xây dựng ý tưởng cho sản phẩm của mình.
Chưa dừng lại ở đó, khó khăn trong việc tìm kiếm chất liệu, quy trình thực hiện sao cho phù hợp nhất cũng là cả vấn đề đối với chị Thuỷ trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp.
Nhưng, với nỗ lực, không ngừng học hỏi, tìm tòi và cả tình yêu đối với giá trị văn hoá truyền thống những chiếc lồng đèn đầu tiên trình làng vào mùa Trung thu năm 2023 khiến khách hàng mê mẩn khi được thực hiện công phu, bắt mắt với nhiều gam màu độc đáo, mới lạ.
Chị Thủy cho biết, cũng giống như việc tìm kiếm tư liệu, hình ảnh để phục dựng, công đoạn hoàn thành sản phẩm cũng không dễ dàng, khi có thể mất tới cả vài chục đến hàng trăm giờ thực hiện mới xong.
Các khâu nối tiếp nhau đòi hỏi độ chính xác cao, chỉ cần sai các bước đầu sẽ phải làm lại. Việc phủ giấy kiếng, quét sơn, đợi khô, rồi lại trang trí các lớp... hết sức cầu kỳ, phải làm sao cho mỗi chi tiết phải đẹp, từng đường cọ phải chuẩn chỉnh.
Với sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, chi tiết, các sản phẩm được làm ra có giá thành không hề thấp, thậm chí lên tới vài triệu đồng. Mẫu Nhật long biến hoá có giá hơn 3 triệu đồng, những mẫu khác tuỳ kích thước lớn nhỏ sẽ có giá cả khác nhau. Mẫu lồng đèn có giá cao nhất là Đại Long có giá bán là 40 triệu đồng.
Giải thích thêm về điều này, chị Thuỷ cho hay: "So với thị trường, lồng đèn ở đây có giá cao hơn do chi phí nghiên cứu, thử nghiệm rất lớn. Chúng tôi mất gần 6 tháng để tìm kiếm vật liệu và hoàn thiện kỹ thuật. Giá trị của lồng đèn này không chỉ nằm ở công sức thực hiện mà còn ở giá trị văn hóa mà nó mang lại".