Món ăn đặc sản miền Tây này khiến nhiều người tò mò đặt mua, giá bán lên đến nửa triệu đồng/kg vẫn “cháy” hàng.
Đặc sản miền Tây được nhắc đến ở đây là món khô rắn An Giang– món ăn được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là dân nhậu. Món ăn này hiện được bán với giá dao động từ 300.000 – 550.000 đồng/kg.
Chị Nga – một người bán khô rắn online, cho biết mặt hàng này có rất ít nên “cháy” hàng liên tục, không phải lúc nào cũng có sẵn để bán. “Vì khô rắn được làm hoàn toàn từ rắn tự nhiên nên sản phẩm này khá ít. Khách hàng đặt không đúng lúc có hàng sẽ phải chờ khá lâu”, chị nói.
Khô rắn giá lên đến nửa triệu đồng/kg vẫn không có đủ bán.
Theo chị Nga, khô rắn được làm từ các loại rắn bông súng, rắn nước, rắn râu... đây là những loại rắn rẻ tiền và được bắt từ nhiên. Khi bắt về, người dân sẽ cắt tiết, loại bỏ hết phần da và xương, chỉ còn lại thịt và tẩm ướp gia vị. Sau đó, họ sẽ phơi ngoài nắng để cho vừa khô rồi đem đóng gói để bán cho khách.
“Mỗi công đoạn đều có những yêu cầu nhất định, không phải ai cũng làm ra món khô rắn ngon. Món ăn này đòi hỏi phơi nắng xong thịt rắn vừa khô vừa mềm, không có mùi tanh và vẫn giữ được độ tươi của nó. Để làm miếng khô rắn ngon, đẹp mặt và chất lượng, người làm buộc phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm ”, chị cho hay.
Sở dĩ món ăn này có giá cao, chị lý giải: “Rắn tự nhiên cũng không có nhiều mà nhu cầu khách hàng lại cao. Chưa kể, người dân mất khá nhiều thời gian để làm món này. Cứ 12kg thịt rắn tươi, người dân mới làm được 1 kg rắn khô để bán”.
Vào các dịp Tết, giá khô rắn còn cao hơn rất nhiều mà hàng không có để bán. Vì nhu cầu khách hàng đặt mua làm quà biếu Tết khá nhiều, số lượng lại không nhiều mức đó. Nên khách hàng họ thường đặt trước Tết 1-2 tháng để có quà đem biếu.
Anh Đức – một người bán khác cũng nhận định khô rắn bán rất chạy, chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu cho khách. Do rắn bắt hoàn toàn từ tự nhiên - nguyên liệu phụ thuộc, không tự sản xuất được. Thế nên, người bán cũng không nắm được bao giờ sẽ có và với số lượng bao nhiêu.
Đây là món ăn dân dã của vùng đất An Giang.
“Hiện, tôi chỉ có khoảng vài kg khô rắn ở nhà nhưng khách đã đặt hết. Không ít người gọi điện hỏi mua khô rắn, tôi không dám nhận vì chưa biết bao giờ mới có tiếp”, anh cho hay.
Khô rắn có thể làm nhiều món khác nhau, mỗi món lại mang hương vị đặc biệt như khô rắn nướng, gỏi khô rắn và khô rắn chiên. Theo anh, món khô rắn nướng được nhiều người ưa chuộng nhất, đặc biệt là dân nhậu. Bởi món này tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn, khi ăn cảm nhận được vị ngọt của thịt rắn.
Theo anh, khô rắn đạt chất lượng phải vừa ăn, không quá ngọt. Cách bảo quản khô rắn cũng như các loại thực phẩm khô khác, người tiêu dùng cần gói kín, để trong ngăn mát tủ lạnh.
Vì số lượng rắn ngoài tự nhiên ngày một ít đi nên khô rắn cũng giảm dần theo thời gian. Thế nên, niều người nhận định khô rắn là món ăn dân dã nhưng dần trở thành đặc sản hiếm có ở miền Tây nước ta.