“Mưa ếch”, “mưa cá”, “mưa máu”, “mưa giun” và thậm chí là “mưa tiền” Thế giới chúng ta từng chứng kiến nhiều "cơn mưa" kì lạ bất ngờ xuất hiện và mang theo rất nhiều thứ từ trên trời rơi xuống mà đến nay giới khoa học vẫn chưa có được lời giải thích thỏa đáng.
Mưa tiền
Có thể nói, trong các trận mưa kỳ dị nhất thế giới, “mưa tiền” đem lại nhiều niềm vui hơn cả.
Năm 1940, sau khi một cơn bão đi qua, có rất nhiều tiền xu rơi xuống địa phận làng Meshchora, huyện Pavlovsky, tỉnh Gorky, Nga. Dân làng thu được tới vài nghìn đồng tiền đúc bằng bạc từng được lưu hành từ thế kỷ 16.
“Mưa tiền” có lẽ là kiểu mưa đem lại niềm vui cho người dân nhiều nhất (Ảnh: dailycos)
Năm 1957, rất nhiều tờ tiền mệnh giá 1.000 franc cũng từ trên trời rơi xuống thị trấn Bourges, Pháp. Cảnh sát đã cố gắng hết sức nhưng không thể tìm ra chủ nhân đích thực của những tờ tiền này. Cuối cùng, ai nhặt được thì đều có quyền tiêu xài một cách hợp pháp.
Trận “mưa tiền” gần đây nhất diễn ra vào tháng 2/2015 tại Dubai, hàng trăm nghìn tờ 500 AED (trị giá gần 3 triệu đồng/tờ) rơi từ trên trời xuống. Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của trận “mưa tiền” này từ đâu ra.
Mưa lụa
Mùa hè năm 1890, rất nhiều lụa Trung Quốc đã rơi xuống một ngôi làng ở gần thành phố Tula, Nga. Tiền bán lụa đã giúp dân làng đổi đời. Do có vốn làm ăn, cuộc sống người dân nơi đây dần dần trở nên khấm khá. Nhiều người ở đây tin rằng đó là điều kỳ diệu của Thiên Chúa ban cho họ.
“Mưa lụa” làm người dân ngôi làng đổi đời (Ảnh: minh họa pngtree)
Mưa bò
Năm 1986, một cơn “mưa bò” xuất hiện ở biển Okhotsk, gần Siberia, có khoảng 23 con bò rơi từ trên trời xuống, 1 con rơi trúng thuyền của ngư dân Nhật làm thuyền bị đắm.
Các ngư dân này đã phát tín hiệu cầu cứu và may mắn được giải cứu. Mãi sau này, các nhà chức trách mới tìm ra nguyên nhân là do máy bay vận chuyển bò của Nga đang bay trên không thì đàn bò nổi điên. Không còn cách nào khác, các phi cơ phải mở cửa khoang chở hàng cho bò rơi tự do xuống mặt đất.
Nguyên nhân của cơn “mưa bò” thực ra lại là một sự cố hàng không (Ảnh: mirrow)
Mưa giun
Eleanor Beal, nhân viên Sở cảnh sát thành phố Jennings, bang Louisana, Mỹ đã từng bủn rủn cả người khi tận mắt chứng kiến trận “mưa giun” chưa từng thấy trước đó. Trên đường dày đặc giun đang bò lổm ngổm. Trên đầu, cánh tay và toàn thân cô cũng toàn giun.
Cơn “mưa giun” khiến người đi đường kinh hoàng (Ảnh: texasmonthly)
Mưa máu
Vào năm 2008, tại cụm dân cư La Sierra, Choco, Columbia đã diễn ra một cơn mưa màu đỏ như máu khiến người dân kinh hoàng. Mẫu nước này đã được đem về phòng nghiên cứu ở thị trấn gần đó để phân tích và một nhà vi khuẩn học địa phương cho rằng thành phần của chất lỏng này chính là máu. Điều này khiến nhiều giáo sĩ trong làng khẳng định đây là lời cảnh báo cho tội lỗi của loài người.
Ở một số nước phương Tây, chẳng hạn như Anh, đã nhiều lần chứng kiến “mưa máu”. Màu đỏ của những cơn mưa này được giải thích là do lẫn cát đỏ từ sa mạc bị gió mạnh hất lên bầu khí quyển, rơi xuống cùng những cơn mưa.
Những cơn “mưa máu” kì lạ diễn ra khá thường xuyên ở Anh (Ảnh: mysteryofindia)
Nhưng cũng có những cơn “mưa máu” không phải do cát đỏ từ sa mạc, như trận “mưa máu” đầu tiên ở Kerela, Ấn Độ vào năm 2001. Cơn “mưa máu” gây ám ảnh này kéo dài đều đặn trong vòng 3 tháng, từ 25/6 - 23/9. Ngày 4/3/2006, một trận “mưa máu” nữa cũng xảy ra tại nơi đây. Khi đó, nhà vật lý Godfrey Louis thuộc trường đại học Mahatma Gandhi mới tìm ra nguyên nhân là nước mưa ở Kerela bị nhuộm màu của một loài tảo biển đỏ có tên khoa học Rhodophyceae.
Mưa thịt
Ngày 15/2/1850 có thể nói là một “ngày lịch sử” ở tiểu bang North Carolina, Mỹ. Từng miếng thịt từ trên trời rơi xuống một thửa đất rộng 300m vuông tại nông trại của gia đình vợ chồng ông Thomas Clarkson ở thị trấn Clinton. Tờ báo lớn tại thành phố Fayetteville đưa tin, những miếng thịt còn rất tươi, lẫn gan, phổi và những giọt máu đọng trên lá cây cũng có màu đỏ tươi. Một mẫu thịt đã được đưa đến phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy đó là máu và thịt thật, nhưng từ cái gì - con gì thì họ không biết được. Cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn còn thất bại trong việc giải thích làm thế nào máu và thịt có thể từ trời rơi xuống.
Vào một ngày tháng 3 năm 1876, một trận “mưa thịt” đã đổ xuống khoảng sân nhà cô Allen Crouch ở bang Kentucky, Mỹ với những miếng thịt dài 5 – 10cm. Cô miêu tả những miếng thịt này trông giống như bông hoa tuyết cỡ lớn. Hai người can đảm nếm thử cho rằng đó là thịt hươu hoặc thịt cừu. Còn các giám định y khoa về sau kết luận nó là phổi của ngựa hoặc của một em bé.
Cho đến nay khoa học vẫn chưa có một lời giải đáp thỏa đáng cho những cơn “mưa thịt” này. (Ảnh: naukrinama)
Mưa cá
Tháng 2/1859, có một cơn “mưa cá” xảy ra tại South Wales, Anh với rất nhiều cá tươi, có con còn sống. Chính quyền khuyên người dân đem cá ướp muối ăn dần, nhưng hầu như chẳng ai dám ăn thứ cá “từ trên trời rơi xuống” này.
Năm 2004, những người dân ở sa mạc Tanami đã chứng kiến một trận mưa kỳ lạ với hàng trăm hàng nghìn con cá trắng nhỏ rơi xuống đất trong khi vẫn còn sống. Tới năm 2010, hiện tượng này lại lặp lại một lần nữa.
Các nhà khoa học cho rằng “mưa cá” xảy ra là do tác động của những cột vòi rồng ở các khu nước nông cuốn theo các sinh vật như cá, lươn, ếch sống trong đó.
Đặc biệt nhất là tỉnh Yoro thuộc Cộng hòa Honduras, “mưa cá” diễn ra khá thường xuyên. Mỗi năm, trong khoảng giữa tháng 5 cho đến tháng 7, mọi người sẽ có cơ hội chứng kiến những cơn “mưa cá”. Lúc đầu cơn mưa bình thường, với mây đen, sấm sét và mưa lớn nhưng sau khi chấm dứt, trên mặt đất sẽ phủ đầy những con cá còn tươi sống mà người dân có thể nhặt về để chế biến và thưởng thức. Từ năm 1998, những người dân Yoro đã tổ chức một lễ hội thường niên mang tên “Lễ hội mưa cá”.
Công nhân mệt nhoài dọn dẹp sau mỗi trận “mưa cá” ở YoRo (Ảnh: Via Iyeey)
Mưa chim
Trận “mưa chim” với gần 1000 con chim rơi xuống bầu trời bang Louisiana, Mỹ ngày 5/1/2011 cũng được xếp hạng vào danh sách những trận mưa kỳ dị nhất thế giới. Trước đó vài ngày, có tới 3.000 con vẹt cánh đỏ rơi xuống từ bầu trời bang Arkansas, Mỹ, trong đêm giao thừa năm 2010 sang 2011.
Nhà chức trách phải rất vất vả thu thập xác những con chim rơi khắp nơi và xử lí chúng (Ảnh: washingtonpost)
Mưa nhện
Theo đó, trận “mưa nhện” nổi tiếng được phát hiện ở tỉnh Salta, Argentina vào hồi tháng 4/2007. Lúc này, Christian Oneto Gaona cùng bạn mình đi du lịch ở Salta. Khi họ đi về phía dãy núi San Bernardo thì bất ngờ trông thấy rất nhiều nhện trên mặt đất với đủ màu sắc khác nhau. Càng tiến sâu vào phía sườn núi, họ càng thấy xuất hiện nhiều nhện hơn. Khi họ ngẩng đầu lên, hóa ra có rất nhiều chú nhện nhỏ rơi từ trên trời xuống. Christian trở thành người đầu tiên trên thế giới chụp được cơn mưa kỳ quái này.
Những con nhện đủ màu sắc rơi xuống vùng núi San Bernardo (Ảnh: washingtonpost)
Mưa cóc, ếch nhái
Trường hợp đầu tiên được giới khoa học ghi nhận xảy ra vào năm 1873, khi tạp chí Scientific American đưa tin thành phố Kansas bị bao phủ bởi những con ếch sau một cơn bão. Tháng 7/1901, các nhân chứng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota – Mỹ, đã trải nghiệm một hiện tượng tương tự. Sau cơn bão, họ phát hiện thấy bốn con đường đã bị ếch bao phủ với độ dày lên đến gần 7 cm, khiến người dân không thể đi lại.
Hàng ngàn con ếch từ trên trời rơi xuống theo những cơn mưa (Ảnh: reddit)
Tháng 5/1981, những người dân ở Naphlion, Hy Lạp cũng có cơ hội chứng kiến một cơn mưa ếch nhỏ màu xanh. Cơ quan dự báo thời tiết địa phương giải thích rằng những con ếch này chỉ đơn thuần bị những cơn lốc mạnh cuốn đi. Những cơn lốc này hẳn phải rất dữ dội, bởi loại ếch này chỉ được tìm thấy ở Bắc Phi!
Gần đây nhất, ngày 26/7/2005, khi một tờ báo ở thành phố Belgrade, Serbia, đưa tin về hiện tượng hàng triệu con ếch rơi xuống Odzaci, một ngôi làng phía đông bắc Serbia. Sau một cơn gió mạnh, mây đen đã giăng khắp bầu trời nhưng thứ rơi xuống không phải là nước mà là vô số con ếch rơi xuống tràn ngập khắp ngôi làng. “Ngay khi tôi ngẩng đầu lên, thì những con ếch bắt đầu rơi xuống. Tôi cứ tưởng rằng một chiếc máy bay chở ếch đã bị phát nổ”. Caja Jovanovic, một người dân làng cho biết.