Phố Hàng Than với vài chục hàng bánh cốm Nguyên Ninh hay Bà Triệu với các tiệm lạc rang húng lìu Bà Vân san sát khiến người mua, khách du lịch như lạc vào ma trận.
Phố Hàng Than, quận Ba Đình, dài khoảng 500 m từ vườn hoa Hàng Đậu đến phố Yên Phụ. Con phố nổi tiếng cung cấp các dịch vụ trọn gói cưới hỏi, bán các loại bánh ngọt truyền thống như cốm, xu xê.
Điều đặc biệt trên con phố này là có khoảng 20 cửa hàng có cùng thương hiệu Bánh cốm Nguyên Ninh, tập trung đầu và cuối phố. Người mua, đặc biệt với khách du lịch không thể phân biệt hàng nào mở trước, hàng nào mở sau hay hàng nào có giấy phép, cũng như chất lượng khác nhau như thế nào.
Bánh cốm thường được sản xuất, đóng gói và tiêu thụ ngay tại cơ sở bán hàng.
"Khách ưng hoặc quen hàng nào thì mua thôi", một nhân viên bán hàng ở Nguyên Ninh số 1 Hàng Than cho hay.
Ngày 2/1, bánh cốm Nguyên Ninh tại số 11 Hàng Than, nơi được coi là cơ sở lâu đời nhất trên phố này bị yêu cầu đóng cửa kiểm tra, sau đó bị phạt 40 triệu đồng do 4 sai phạm về an toàn thực phẩm.
Phố Bà Triệu, đoạn từ ngã tư với Trần Nhân Tông tới ngã tư Tuệ Tĩnh chỉ khoảng 200 m, nhưng cũng có hơn 10 hàng lạc rang húng lìu gia truyền Bà Vân. Khách mua đến đây thường theo thói quen hoặc tiện đâu mua đó.
Các sản phẩm lạc rang có bao bì khá giống nhau, hương vị không có sự khác biệt.
Các quán trên phố này cùng treo biển kèm theo "chính hiệu", "gốc", "duy nhất", "xịn".
Chủ hàng "Lạc rang Bà Vân" tại số 180 Bà Triệu cho hay "có đăng ký kinh doanh" và sản phẩm được sản xuất tại chỗ, "không nhập hàng từ nơi khác". Hai chủ cửa hàng khác liền kề cũng có những phát biểu tương tự.
Cũng trên phố Bà Triệu, đan xen các cửa hàng lạc rang húng lìu Bà Vân còn có muối ô mai Bà Thu. Có khoảng 5-7 cơ sở với biển hiệu giống nhau về màu sắc.
Muối ô mai được coi là loại gia vị đặc trưng của Hà Nội, hương vị gồm chua, cay, mặn, ngọt. Muối được sản xuất bằng cách tận dụng nước cốt ô mai và ô mai sấy nhuyễn, thường dùng để chấm các loại trái cây.
Ba hàng Muối Ô mai Bà Thu liền nhau trên phố Bà Triệu.
Cụm quán ăn "Bún chả Hàng Mành" nằm ở số 1 Hàng Mành cũng là địa chỉ "gây nhầm lẫn" cho các thực khách, đặc biệt với khách du lịch lần đầu tới Hà Nội. Ở đây có bốn quán với biển hiệu tương đối giống nhau.
"Tôi nghe nói bún chả Hàng Mành, nhưng đến đây mới thấy nhiều hàng quá, chắc chọn hàng nào đông nhất để ăn", một thực khách từ TP HCM ra Hà Nội vừa tới địa điểm này, cho hay.
Từ khi lọt vào danh sách tuyển chọn (Selected) của Michelin tháng 6/2023, bún chả Đắc Kim mới làm biển hiệu khác biệt để dễ nhận biết. Những hàng còn lại hiện vẫn sử dụng chung một tên dù chủ khác nhau.
Trước đây, Hà Nội còn có dãy quán Ông Già nổi tiếng với ốc hấp thuốc Bắc, cá nướng và nhiều đặc sản khác của hồ Tây trên phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ. Một đoạn phố ngắn khoảng 200 m cũng có đến cả chục hàng với cái tên Ông Già Thật, Ông Già Xịn... Gần đây, do tuyến đường này mở rộng, các quán ăn bị dẹp đi nên các quán đã chuyển nơi khác.
Các hàng quán kể trên đều đã tồn tại rất nhiều năm. Mỗi cơ sở đều có lượng khách hàng nhất định. Theo một cán bộ quản lý thị trường, việc phân biệt địa chỉ gốc và "xịn" còn khó vì có nhiều cửa hàng ra đời sau nhưng đăng ký thương hiệu sớm, còn cửa hàng lâu năm lại đăng ký muộn.