Thịt gà, bánh chưng, thịt kho,... đều là những món ăn quen thuộc trong ngày Tết. Dù chúng khiến chúng ta cảm thấy "chán ngán" nhưng tất cả đều mang những ý nghĩa may mắn cho dịp đầu năm.
Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy
Trong mâm cơm ngày Tết, gà luộc là một món ăn không thể thiếu. Gà ngày Tết sẽ được luộc nguyên con rồi mới chặt nhỏ và xếp tạo dáng. Khi ăn thì chấm với muối tiêu chanh ớt.
Dù giờ đây nhiều bạn trẻ không thích thú với món gà luộc đơn giản nhưng đây là món ăn có ý nghĩa tốt đẹp trong ngày Tết. Thịt gà luộc với phần da vàng óng, bóng mượt chính là biểu tượng cho một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Bởi vậy, nếu muốn có một năm mới tốt lành thì hãy ăn vài miếng thịt gà bạn nhé!
Bánh chưng, bánh tét: Biết ơn cha ông và đất trời xứ sở
Một món ăn đặc trưng của ngày Tết chính là bánh chưng xanh. Bất kỳ mâm cơm nào đều có một chiếc bánh chưng hoặc bánh tét tùy vùng miền. Hai loại bánh này đều được làm từ gạo nếp, thịt mỡ, đỗ xanh được gói trong lá rong. Điểm khác biệt đó là bánh chưng hình vuông còn bánh tét thì thon dài.
Bánh chưng và bánh tét đều có ý nghĩa là lòng biết ơn vô bờ đối với cha ông và đất trời. Nhờ các vị tổ tiên hào kiệt hi sinh và thiên nhiên trù phú mà người dân Việt Nam được đón Tết trong hoà bình, ấm no.
Xôi gấc: May mắn, phước lành
Đối với người Việt, màu đỏ là màu sắc tượng trưng cho may mắn, vận đỏ và nó thường được sử dụng trong ngày Tết với mong muốn sẽ thu hút được may mắn. Bởi vậy, xôi gấc là món ăn xuất hiện thường trực trong mâm cơm ngày Tết với ý nghĩa mang lại thịnh vượng, cát tường, an vui.
Từng hạt gạo nếp dẻo thơm được nhuộm bởi màu đỏ đẹp tự nhiên của gấc. Không chỉ đẹp mắt và thơm ngon, xôi gấc cũng vô cùng bổ dưỡng vì trong gấc chứa rất nhiều các chất chống oxy hoá.
Thịt kho tàu: Vạn sự vuông tròn, sum vầy ấm cúng
Đối với người miền Nam, thịt kho tàu là món ăn đặc trưng trong những ngày Tết. Những miếng thịt được cắt vuông vức được kho cùng những quả trứng vịt tròn xoe trong nước dừa thơm ngọt. Món ăn này mang ý nghĩa mong muốn sự ấm êm đầy đủ vuông tròn, cuộc đời sung túc.
Canh khổ qua: Muộn phiền qua đi, mọi sự như ý
Người Việt Nam ta thường rất thích đối thơ, chơi chữ. Bằng việc thưởng thức “khổ qua”, mọi người đều mong ước rằng những đau khổ mất mát trong năm cũ đều trôi qua và nhiều niềm vui, may mắn sẽ gõ cửa trong năm mới.
Bên cạnh đó, khi bạn ăn canh khổ qua nhồi thịt, trước tiên bạn sẽ cảm nhận cái vị đắng nhẹ của khổ qua rồi sau đó mới tới vị ngọt nhân thịt. Điều đó muốn nói lên rằng những điều ngọt ngào, hạnh phúc sẽ luôn tới nếu ta biết nhẫn nại vượt qua mọi điều muộn phiền và bất ý.
Dưa hấu: cát tường, như ý
Trên bàn thờ ngày Tết, người Việt thường thắp hương bằng những quả dưa hấu, cầu kỳ hơn là những quả dưa được chạm khắc chữ “lộc”, “phúc”,... Quả dưa có hình tròn, ruột dưa thì màu đỏ tượng trưng cho may mắn, phúc đức.
Ngoài ra, khi ăn dưa sẽ cảm thấy xôm xốp giống như “cát”, từ này đồng âm với từ “cát” trong tiếng Hán, mang nghĩa cát tường, thịnh vượng. Đồng thời dưa hấu có nhiều hạt tượng trưng cho con cháu đầy nhà, phúc lộc viên mãn.
Khay mứt: Sum vầy đoàn viên, thịnh vượng phú quý
Để tiếp khách đến chơi nhà ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị một khay mứt đủ vị và đẹp mắt. Mứt gừng cay nồng đầm ấm, mứt hạt sen bổ dưỡng béo bùi, mứt quất vàng óng thịnh vượng, mứt dừa béo ngọt thơm ngon,... tất cả đều cùng tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp và năm mới phát lộc phát tài.