Mười ba năm sau khi tham gia phần phim thứ ba của "Terminator", người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger đã giữ lời hứa qua trở lại trong phần tiếp theo: "Terminator Genisys".
Người yêu điện ảnh, đặc biệt fan của thể loại hành động giật gân không thể không biết đến Arnold Schwarzenegger. Sự nghiệp của ông gắn liền với những cái tên như Predator (1987), Total Recall 1990), và đáng nhớ nhất, nổi tiếng nhất chính là series phim Terminator.
Không phải là quá lời khi nói rằng Terminator chính là một trong những biểu tượng của văn hóa đại chúng Mỹ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Trong 30 năm tiếp sau The Terminator (1984), nhà sản xuất đã cho ra đời thêm hai phần phim nữa với sự tham gia trực tiếp của Arnold Schwazenegger trước khi ông chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.
Hình ảnh Arnold Schwazenegger gắn liền với T-800
Năm 2009, Terminator Salvation – một phần phim khác cũng được ra mắt với sự tham gia của tài từ Christian Bale với nhánh truyện ở thời tương lai hậu tận thế - những sự kiện, theo logic của bộ phim, đã diễn ra trước khi phần phim năm 1984 thực sự bắt đầu. Trong bộ phim này, nhân vật robot T-800 của Arnold vẫn xuất hiện, tuy nhiên chỉ được tái hiện lại bằng công nghệ vi tính. Tuy được thực hiện với công nghệ hình ảnh tân tiến trên nền tảng câu chuyện không hề sơ sài, nhưng Terminator Salvation chỉ được nhiều người xem khó tính đánh giá như một “ngoại truyện vô thưởng vô phạt” của bộ phim. Rõ ràng Terminator chỉ là nó khi linh hồn của bộ phim – Arnold Schwazenegger thực sự quay lại trường quay trong một phần phim mới với tên gọi Terminator Genisys.
Poster phim
“Bạn muốn những pha hành động mãn nhãn? Chúng tôi có thể đáp ứng. Bạn muốn hồi tưởng lại những phần phim trước? Chúng tôi sẵn sàng dành thời gian cho bạn, thậm chí là rất nhiều. Còn những khán giả mới, bạn lo ngại mình không bắt kịp bộ phim? Chúng tôi có cách giải quyết vấn đề ấy. Ồ, bạn còn muốn một chút lãng mạn hợp thời ư? Có luôn! Chúng tôi có tất cả mọi thứ trong 126 phút phim bạn sắp xem” – Đây có lẽ là những gì mô tả chính xác nhất tham vọng của đội ngũ sản xuất Terminator Genisys khi “hồi sinh” bộ phim này từ những tháng ngày huy hoàng đã xa thật xa trong quá khứ. Và rõ ràng họ đã làm rất tốt công việc này.
Terminator Genisys bắt đầu câu chuyện với Kyle Reese – người anh hùng trong phần đầu tiên của bộ phim, dẫn dắt câu chuyện theo dòng thời gian của anh: được John Connor gửi về quá khứ để ngăn chặn trò “chơi bẩn” của Skynet – trí thông minh nhân tạo với tham vọng hủy diệt toàn bộ sự sống trên toàn Trái Đất. Kyle Reese quay trở về năm 1984, và tadaa… khán giả được trải nghiệm một “phiên bản Terminator 1984” kì cục nhất họ từng được biết đến.
Hai mươi phút đầu bộ phim có lẽ sẽ mang đến hai trải nghiệm khác biệt dành cho hai nhóm đã xem phim và đến rạp với một cái đầu trống. Đội ngũ biên kịch đã “hào phóng” giúp những khán giả mới tóm tắt lại toàn bộ cốt truyện chính của Terminator, tránh cho họ việc phải đặt ra câu hỏi “Chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh?”. Còn với những người đã biết, và thậm chí phát cuồng với bộ phim, cảm giác chắc sẽ là “Cái quái gì đây?”.
Dàn diễn viên mới của phần phim 2015
Kyle Reese quay trở về năm 1984, và thứ đầu tiên chào đón anh là robot T-1000 (do nam diễn viên Lee Byung Hyun thủ vai), bị con robot này truy sát cho tới khi được Sarah Connor – người đáng lẽ ra phải đang là một cô hầu bàn cần được bảo vệ, cứu sống. Ở mốc thời gian 1984 mà Kyle trở về, Sarah Connor đã là một nữ chiến binh, được chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho ngày phán xét đang treo lơ lửng trên đầu. Một mở đầu đầy bất ngờ cho một bộ phim hấp dẫn.
Nếu trong các phần phim trước, cốt truyện chính của The Terminator khá đơn giản – giống như cầm bút và thước kẻ vạch một đường thẳng băng từ điểm đầu đến điểm cuối, thì trong phần phim này, đường kẻ thẳng băng kia được thay thế bằng một sợi dây với nhiều nút thắt. Không đơn thuần là một câu chuyện du hành thời gian với sứ mệnh cứu thoát nhân loại khỏi sự diệt vong đã được báo trước của một gã người máy được lập trình lại thành người tốt cùng Sarah Connor và Kyle Reese – hai người sau này sẽ sinh ra lãnh tụ John Connor huyền thoại, bộ phim còn tạo ra những mối dây liên kết rất con người giữa ba nhân vật này.
Một chi tiết “phát sinh” trong bản phim mới
Những khán giả đã gắn bó lâu năm với bộ phim, đặc biệt là phần hai, hẳn sẽ không quên được nhân vật người máy T-800 trong những nỗ lực biến bản thân mình “giống như con người” – một chút gì đó ngọt ngào và nghiệt ngã chắc hẳn sẽ thấy vô cùng hài lòng với phần phim này, khi họ được thấy ở T-800 những điều vượt qua mọi sự bắt chước thô sơ ngày ấy. T-800 không còn là một con robot giết người, ông ta thậm chí đã ở bên và bảo vệ Sarah Connor, nuôi dưỡng và trang bị cho cô những kĩ năng để đương đầu với những điều sắp tới. Thậm chí người ta còn thấy Sarah đã đặt cho T-800 một cái tên – Pops.
Những biến cố mới xảy ra biến mối quan hệ giữa Sarah, Kyle và Pops trở thành một câu chuyện hài hước ba bên: cha – con gái và anh chàng xấu số muốn gắn bó cuộc đời mình với cô gái ấy. Kiểu quan hệ tình cảm này đã vô cùng quen thuộc, trên màn ảnh và trong thực tế, nhưng khi đưa nó vào bối cảnh của Terminator Genisys, nó tạo ra cho người xem một cảm giác kì cục đứng giữa ranh giới của sự hài lòng, thích thú và một chút khó chịu. Bởi gì thì, trước thềm một trận chiến sinh tử không phải lúc thích hợp lắm để kể chuyện bố và con rể ganh đua nhau như thế nào.
Tất nhiên phải chấp nhận một điều rằng sự hấp dẫn của Terminator Genisys phần lớn đến từ dàn diễn viên chính được dẫn dắt bởi Arnold Schwazenegger – người đã làm nên linh hồn của dòng phim này. Tuy nhiên ngoài cái tên Arnold như một “hợp đồng bảo hiểm”, cùng những cảnh phim được đầu tư công phu cả về kĩ xảo và dàn dựng, Terminator Genisys vẫn “ghi điểm” trong lòng khán giả bằng một cốt truyện phim được xây dựng công phu với nhiều bí ẩn được gài gắm, úp và mở một cách hợp lý, khiến người xem đi hết bộ phim, tuy tìm được đầy đủ những dữ liệu để lắp ghép thành một câu chuyện hoàn chỉnh nhưng vẫn tò mò chờ đợi những phần tiếp theo để thấy được “bức tranh lớn hơn” cho thấy một cách trọn vẹn toàn bộ vấn đề.
Cũng giống như rất nhiều bộ phim được làm lại/làm mới/làm tiếp từ những siêu phẩm một thời, khán giả lâu năm hẳn vô cùng háo hức và hi vọng vào những chi tiết “tri ân” xứng đáng với lịch sử của dòng phim đã ghi dấu lên một phần cuộc đời họ. Xuyên suốt Terminator Genisys là những chi tiết như thế. Điểm đặc biệt ở chỗ những chi tiết này không chỉ nằm ở hậu cảnh hay một phần “chuyển cảnh”, nó còn tham gia trực tiếp vào bộ phim, là một cảnh thực sự đang diễn ra và có ảnh hưởng đến toàn bộ câu truyện. Một lý do xứng đáng nữa để tìm hiểu về bộ phim với những người xem mới, và một sự hồi tưởng đầy cảm xúc với những khán giả đã gắn bó với bộ phim qua nhiều năm.
Một trong những cảnh phim “kinh điển” của Terminator
Bên cạnh những lời khen ngợi cho lần quay trở lại này, người xem vẫn có thể nhận ra một vài dấu hiệu cho thấy sự “yếu thế” của dòng phim này trước độ lùi của thời gian và thay đổi của thị hiếu khán giả. Điều nhận thấy đầu tiên chính là việc biên kịch buộc phải “mang” câu chuyện của mình từ những năm 1997 đến năm 2017 của thì tương lai – khi mọi thứ như nhân vật, bối cảnh, quan hệ… đều na ná nhưng hiện đại hơn những gì đang xảy ra. Đây rõ ràng là điều không thể phủ nhận, giống như việc sau 30 năm ròng rã thì Pops đã bắt đầu có dấu hiệu lão hóa – không chỉ ở vẻ bề ngoài, mà còn cả kết cấu bên trong. Nhưng khán giả xem phim cũng không nhất thiết phải thấy quá buồn bã vì chuyện đó, bởi sự thật là Terminator Genisys đã được “nâng cấp”, trở thành một phiên bản hợp thời hơn của phiên bản đầu tiên những năm của thập niên 80.