Quay phim 4K, Siri luôn bật, Live Photos… là một số tính năng mới xuất hiện trên iPhone 6s nhưng quá “quen mặt” với người dùng Android.
Apple vừa giới thiệu iPhone 6s và 6s Plus trong sự kiện rạng sáng 10/9. Đây được xem là bản nâng cấp không đáng kể so với iPhone 6 và 6 Plus của năm 2014. Bộ đôi cho đặt trước từ 12/9 với mức giá tương tự năm ngoái.
Dù thiết kế không có thay đổi, iPhone năm 2015 có một số cải tiến về phần cứng và cấu hình, bổ sung nhiều tính năng mới. Tuy nhiên, chúng chỉ “mới” với người dùng iOS còn với người dùng Android, có lẽ họ đã quá quen thuộc.
Dưới đây là 6 điểm mới trên iPhone 6s nhưng cũ đối với Android:
Live Photos
Bên cạnh máy ảnh 12MP, iPhone 6s có thêm tính năng mới là Live Photos mà theo như Phó Chủ tịch Marketing Phil Schiller là “thực sự xuất sắc” và “công nghệ mới hoàn toàn”. Lời khen ngợi của Schiller chỉ đúng vế đầu. Live Photos hoạt động bằng cách tự động ghi lại 1,5 giây trước và sau khi chụp ảnh bằng iPhone 6s. Khi chạm vào một ảnh, nó sẽ chuyển thành video với âm thanh sống động.
Nếu từng dùng qua HTC One M7 ra mắt năm 2013, bạn sẽ không lạ gì Live Photos bởi nó rất giống với HTC Zoe. Ngoài ra, cũng trong năm 2013, Z10 và Q10 của BlackBerry trình làng tính năng Time Shift, cho phép người dùng chọn một khung hình cụ thể từ vài giây trước và sau khi chụp ảnh. Năm 2014, Nokia đưa tính năng tương tự lên Windows Phone, đặt tên Live Images. Live Photos trên iPhone 6s có thể ấn tượng nhưng chắc chắn không phải do Apple khai sinh.
Siri luôn bật
Điều khiển smartphone mà không cần đụng tay vào dường như là điều vô cùng tuyệt vời. Trên iPhone 6s, trợ lý ảo Siri luôn bật để người dùng chỉ cần hô “Hey, Siri” là nó tự động làm theo lệnh người dùng. Trước đây, chủ nhân iPhone chỉ có thể kích hoạt Siri khi đang sạc thiết bị để tránh làm hao pin.
Ba thế hệ Motorola Moto X đều hỗ trợ người dùng điều khiển thiết bị khi họ đang bận rộn làm gì đó (lái xe, rửa bát, lau dọn). Bên cạnh đó, Google còn tích hợp thẳng tính năng này vào Android trên các thiết bị dùng chip Qualcomm 8xx và chúng ta chỉ cần nói “Ok Google” để ra lệnh.
Retina Flash
Apple không chỉ nâng cấp camera phía sau mà còn chú trọng đến camera phía trước, dùng cảm biến 5MP thay cho 1.2MP như truyền thống. Để phục vụ các “tín đồ” thích chụp ảnh tự sướng ban đêm, iPhone 6s không sử dụng đèn flash hay cảm biến UltraPixel mà lựa chọn giải pháp khác: đó là biến bản thân màn hình thành một loại đèn flash, gọi là Retina Flash.
Theo Apple, khi chụp ảnh selfie, màn hình sáng lên để phù hợp với ánh sáng xung quanh, mang lại màu sắc trung thực và màu da tự nhiên hơn. Một số smartphone Android đã áp dụng phương pháp này như Motorola Moto X Style/ Pure Edition. Phần mềm chụp ảnh gốc của Android cũng mô phỏng chính xác những gì mà Retina Flash đang làm, chưa kể vô số ứng dụng khác có khả năng biến màn hình thành đèn flash.
Quay phim 4K
iPhone 6s có khả năng quay phim 4K (độ phân giải 3840 x 2160 pixel), tốc độ 30 khung hình/giây. Tuy nhiên, smartphone Android đã sở hữu tính năng này được một thời gian và tới nay có hơn 30 model như vậy. Một số ví dụ điển hình xuất hiện trong năm 2015 bao gồm Samsung Galaxy Note5, Galaxy S6 Active, Galaxy S6/S6 Edge, LG G4/ G Flex 2.
Nhôm 7000 series
Do lo ngại “thảm họa” bẻ cong có thể xảy ra như iPhone 6 Plus, Apple đã lựa chọn loại vật liệu mới bền hơn khi sản xuất iPhone 6s và 6s Plus, đó là hợp kim nhôm 7000 series. Dù vậy, điều mà nhiều người không để ý chính là Samsung đã bán thiết bị làm từ kim loại này trên thị trường, chính là chiếc Galaxy S6 edge+.
RAM 2GB
Dù Apple chưa xác nhận thông tin này, chúng ta gần như chắc chắn iPhone 6s và 6s Plus dùng RAM 2GB, là bản nâng cấp đáng kể so với RAM 1GB trên iPhone 6/6 Plus. Tuy nhiên, nhắm mắt cũng biết rằng RAM 2GB là tính năng quá cũ trên smartphone Android khi ngày nay, nhiều đối thủ iPhone đã sở hữu RAM 3GB, thậm chí 4GB. RAM 2GB chủ yếu có mặt trên điện thoại Android tầm trung. Mẫu smartphone đầu tiên trang bị RAM 2GB là LG Optimus LTE II ra đời từ năm 2012, chạy Android 4.0.
Như vậy, nhiều tính năng mới trên iPhone thực ra không hề mới trên thị trường di động. Tuy nhiên, Apple thực tế chưa bao giờ là người đi tiên phong. Họ chỉ học tập rồi đưa các công nghệ có sẵn lên đẳng cấp mới, ưu việt hơn và vài trường hợp còn giúp phổ biến các tính năng chưa được người dùng chào đón.
Tất cả các điểm “mới mà cũ” kể trên đều góp phần làm nên một mẫu iPhone mà Apple gọi là “xuất sắc nhất từng có”. Đừng e ngại nếu người dùng Android nào đó gọi iPhone 6s là kẻ bắt chước vì bạn mua iPhone không phải để nhận được những gì mới nhất, “hot” nhất mà chỉ vì trải nghiệm ổn định, trưởng thành mà Apple mang đến. Đó chính xác là những gì chúng ta nên quan tâm trên iPhone 6s.