Trong tương tác giữa con người với nhau, bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cách chúng ta thể hiện quan điểm khác biệt của mình có thể tạo nên hoặc phá vỡ các mối quan hệ.
1. “Tôi hiểu ý bạn, nhưng tôi có góc nhìn khác về vấn đề này…”
Việc thừa nhận quan điểm của người khác trước khi đưa ra quan điểm của riêng bạn cho thấy bạn đã lắng nghe và cân nhắc quan điểm của đối phương, tạo nên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Câu nói này mở ra cánh cửa cho một cuộc trao đổi ý tưởng cân bằng, nơi đôi bên đều cảm thấy được lắng nghe và coi trọng.
Khi bạn đóng khung sự khác biệt quan điểm của mình như một "góc nhìn khác", bạn không làm mất giá trị ý kiến của người trò chuyện cùng. Đó là một cách nhẹ nhàng để đưa ra sự tương phản mà không gây xung đột, cho phép khám phá chủ đề đang thảo luận một cách tinh tế hơn. Nhớ rằng, mục đích của chúng ta không phải là chứng minh ai đó sai mà là làm phong phú thêm cuộc trò chuyện bằng những suy nghĩ và trải nghiệm đa dạng.
2. “Đó là một quan điểm thú vị. Bạn đã cân nhắc chưa…?”
Bằng cách thể hiện sự quan tâm thực sự đến ý kiến của ai đó rồi nhẹ nhàng đưa ra một góc nhìn khác, bạn đang mời họ mở rộng suy nghĩ thay vì bảo vệ một quan điểm. Điều này cũng giống như việc cung cấp một góc nhìn mới để xem xét chủ đề.
Cách tiếp cận này biến xung đột tiềm tàng thành những khám phá mang tính hợp tác. Bạn không bác bỏ ý tưởng của họ mà gợi ý rằng có thể có nhiều điều cần xem xét hơn. Bằng cách định hình sự khác biệt quan điểm dưới dạng một câu hỏi, bạn đang khuyến khích các thảo luận thêm và cho thấy bạn coi trọng ý kiến đóng góp của họ trong cuộc đối thoại.
3. “Tôi hiểu bạn đang nói đến điều gì. Theo kinh nghiệm của tôi…”
Khi bạn tuyên bố rõ ràng rằng bạn hiểu quan điểm của người trò chuyện cùng, bạn đang tạo ra nền tảng chung - bước đầu tiên quan trọng trong bất kỳ bất đồng có hiệu quả nào. Điều này giống như việc tìm ra điểm khởi đầu chung trên bản đồ trước khi khám phá các tuyến đường khác nhau.
Tiếp theo là trải nghiệm của riêng bạn. Bằng cách thêm bối cảnh cá nhân vào, bạn vẫn thể hiện được quan điểm khác biệt của mình mà không làm mất giá trị của họ. Bạn không tuyên bố chân lý, chỉ chia sẻ hành trình của riêng mình. Điều này nhắc nhở cả hai bên rằng ý kiến thường được hình thành bởi kinh nghiệm cá nhân.
4. “Tôi tôn trọng ý kiến của bạn, dù tôi có xu hướng nghĩ rằng…”
Thể hiện sự tôn trọng ý kiến của người khác giống như việc đặt nền móng vững chắc trước khi xây dựng một lập luận phức tạp. Câu nói "Tôi có xu hướng suy nghĩ rằng..." giới thiệu quan điểm khác biệt của bạn với sự khiêm tốn.
Nó gợi ý rằng ý kiến của bạn không phải là điều bất di bất dịch. Điều này mở ra không gian cho các cuộc thảo luận sâu hơn và mang tính xây dựng hơn. Khi trình bày suy nghĩ của mình theo cách này, bạn đang mời gọi một cuộc đối thoại thay vì bắt đầu một cuộc tranh luận, thúc đẩy một môi trường nơi các ý tưởng có thể được trao đổi một cách tự do và tôn trọng.
5. Bắt đầu câu nói bằng “Tôi” để diễn đạt suy nghĩ của riêng bạn mà không công kích suy nghĩ của đối phương
Từ ngữ là những cây cọ mà chúng ta dùng để tô vẽ suy nghĩ của mình. Bằng cách tập trung vào cảm xúc và nhận thức của riêng bạn với câu nói bắt đầu bằng "Tôi", bạn sẽ tránh được giọng điệu buộc tội mà những câu nói bắt đầu với “Bạn” có thể mang lại.
Cách tiếp cận sự bất đồng này sẽ chuyển trọng tâm từ những gì có thể sai với quan điểm của họ sang những gì đúng với bạn. "Tôi cảm thấy rằng..." hoặc "Theo tôi thì..." mở đầu suy nghĩ của bạn bằng lời nhắc nhở rằng bạn đang chia sẻ quan điểm cá nhân, không khẳng định là chân lý. Điều này sẽ tạo ra không gian an toàn để các quan điểm khác nhau cùng tồn tại, giảm sự phòng thủ và mở ra khả năng hiểu biết lẫn nhau.
6. Đặt những câu hỏi mở để khuyến khích đối thoại
Bằng cách duy trì sự tò mò và đặt những câu hỏi mở, bạn không chỉ không đồng ý mà còn mời đối phương trình bày thêm suy nghĩ của họ. Điều này giống như việc đưa tay ra giúp ai đó giải thích ý tưởng của họ thay vì cố gắng gạt phắt đi.
Bạn có thể thử hỏi: "Điều gì đã dẫn bạn đến kết luận đó?" Đây là một câu hỏi mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm thực sự đến quá trình suy nghĩ của họ, chuyển cuộc trò chuyện từ một cuộc tranh luận tiềm tàng sang một cuộc khám phá chung về các ý tưởng.
7. Đưa ra quan điểm thay thế như một khả năng, không phải là quan điểm tuyệt đối
Trình bày quan điểm khác biệt của bạn như một khả năng thay vì một điều chắc chắn cũng giống như việc cung cấp một hương vị mới để nếm thử thay vì khăng khăng bạn sẽ thay đổi toàn bộ thực đơn. Câu nói "Có thể là..." giới thiệu ý tưởng của bạn một cách nhẹ nhàng, mời gọi sự cân nhắc thay vì đòi hỏi sự chấp nhận. Đó là một cách tiếp cận khiêm tốn, thừa nhận sự phức tạp của nhiều vấn đề.
Phương pháp này giúp cuộc trò chuyện của bạn cởi mở và trôi chảy hơn, cho phép bạn khám phá nhiều góc nhìn, khuyến khích một cuộc thảo luận đa sắc thái hơn.
8. Sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng
Sức mạnh của những lời nói nhẹ nhàng trong việc xoa dịu bất đồng là không phải bàn cãi. Cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả trong các cuộc trò chuyện nhạy cảm hoặc khi giải quyết các vấn đề liên quan đến niềm tin.
Bằng cách sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, bạn đang báo hiệu rằng bạn cởi mở với đối thoại và sẵn sàng xem xét các quan điểm khác. Điều này tạo ra bầu không khí thoải mái hơn, nơi các ý tưởng có thể được trao đổi tự do mà không có áp lực phải đúng hay sai. Nhớ rằng, mục tiêu của chúng ta là sự hiểu biết, không phải là chiến thắng. Ngôn ngữ nhẹ nhàng sẽ mở đường cho điều đó.