Khi chúng ta lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận chúng ta mà còn định hình tư duy và cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Lời nói là tấm gương phản chiếu tâm trí bạn, vì vậy hãy lựa chọn chúng một cách khôn ngoan.
1. “Tôi chán quá”
Câu nói này có vẻ vô hại nhưng thực tế có thể gây ra ấn tượng xấu. Những người thông minh và đẳng cấp không đắm mình trong sự buồn chán. Họ nhìn thấy cơ hội để học hỏi và phát triển trong mọi tình huống. Họ tò mò, bị thế giới xung quanh cuốn hút. Họ luôn có thể tìm thấy điều gì đó để tham gia, ngay cả trong những hoàn cảnh có vẻ buồn tẻ.
Vì vậy, khi bạn nói "Tôi chán quá", điều này có thể khiến người khác có cảm giác bạn thiếu sự tò mò hoặc khả năng tương tác với những gì xung quanh. Thay vào đó, hãy thử thể hiện sự quan tâm đến điều gì đó hoặc đặt câu hỏi về chủ đề mọi người đang nói đến. Điều này sẽ cho thấy bạn đang thực sự tham gia và tò mò. Đây cũng là dấu hiệu của một người thông minh, lịch sự.
2. “Tôi không giỏi về…”
Nhiều người không nhận ra, câu nói "Tôi không giỏi công nghệ" hoặc "Tôi không giỏi toán"... không chỉ là một lời thoái thác mà còn dễ khiến bạn bị nhìn nhận theo hướng tiêu cực. Nó khiến bạn có vẻ không muốn học hỏi, không muốn phát triển dù điều này hoàn toàn không đúng.
Những người thông minh và lịch sự biết rằng kỹ năng có thể học được và cải thiện bằng nỗ lực. Thay vì nói "Tôi không giỏi về...", hãy nói điều gì đó như "Tôi vẫn đang học về...". Đây là một thay đổi nhỏ về cách diễn đạt, nhưng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cách người khác nhìn nhận bạn cũng như cách bạn nhìn nhận bản thân mình.
3. “Tôi ghét…”
Những từ mạnh như "ghét" có thể gây khó chịu và thường để lại ấn tượng tiêu cực. Người thanh lịch và thông minh có xu hướng thể hiện sự không thích hoặc bất đồng quan điểm của mình một cách tế nhị hơn và ít cảm xúc hơn.
Thay vì nói "Tôi ghét bài hát này", bạn có thể cân nhắc nói "Bài hát này không thực sự hợp với sở thích của tôi". Cách diễn đạt này ít gay gắt hơn, tinh tế hơn và sẽ mở ra cơ hội cho cuộc trò chuyện thay vì kết thúc bằng một tuyên bố tiêu cực mạnh mẽ. Nhớ rằng, mục tiêu của chúng ta không phải kìm nén cảm xúc mà là thể hiện chúng theo cách khéo léo và tôn trọng những ý kiến khác biệt.
4. “Điều đó không công bằng”
Cuộc sống đầy những thăng trầm và không phải mọi thứ đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Chúng ta có thể dễ nói ra sự thất vọng của mình bằng cách tuyên bố: "Điều đó không công bằng".
Nhưng những người thông minh và đẳng cấp hiểu rằng sự công bằng là chủ quan. Họ thừa nhận sự thất vọng của mình nhưng cũng cố gắng học hỏi từ đó và tiến về phía trước.
Thay vì nói "Điều đó không công bằng", hãy thử bày tỏ cảm xúc của bạn theo cách xây dựng hơn như "Tôi thất vọng về cách mọi thứ diễn ra" hoặc "Tôi hy vọng có một kết quả khác". Cách diễn đạt này có thể truyền tải cùng một cảm xúc mà không cần dùng đến sự tiêu cực của câu nói "Thật không công bằng". Nó thể hiện khả năng phục hồi và sự trưởng thành về mặt cảm xúc, những phẩm chất được đánh giá cao là thanh lịch và thông minh.
5. “Tôi không thể”
Cho dù là giải quyết một dự án phức tạp, thử một công thức nấu ăn mới hay thậm chí là bắt đầu một thói quen tập thể dục, nhiều người thường thấy mình nói "Tôi không thể" ngay cả trước khi thử. Họ không biết rằng, câu nói "Tôi không thể" ngay lập tức đóng sầm các khả năng và các cánh cửa, hạn chế và thậm chí tự hủy hoại bản thân.
Thay vì nói "Tôi không thể", hãy nói "Tôi sẽ thử" hoặc "Tôi sẽ cố gắng hết sức". Sự thay đổi đơn giản trong ngôn ngữ này khuyến khích tư duy phát triển và mở ra một thế giới đầy khả năng. Nhớ rằng, cách chúng ta nói chuyện với chính mình rất quan trọng. Muốn trở nên sang trọng và thông minh hơn, hãy nói những lời có tiềm năng, không phải hạn chế.
6. “Tôi biết”
Bạn có thể nghĩ rằng việc nói "Tôi biết" sẽ khiến bạn trông thông minh hơn. Tuy nhiên, khi "Tôi biết" thành câu nói cửa miệng của bạn, nó thực sự có thể tạo ra ấn tượng ngược lại, gây hiểu lầm là bạn kiêu ngạo hoặc cố chấp, như thể bạn không cởi mở để học bất cứ điều gì mới.
Những người thông minh và thanh lịch là những người học suốt đời. Họ nhận thức được rằng luôn có điều gì đó đáng để học và họ sẵn sàng tiếp thu kiến thức cũng như quan điểm mới.
Khi bạn muốn nói "Tôi biết", hãy cân nhắc nói "Điều đó thật thú vị" hoặc "Tôi chưa từng nghĩ theo cách đó". Điều này cho thấy bạn là người cởi mở và luôn sẵn sàng học hỏi - những phẩm chất được đánh giá cao ở những người thông minh, đẳng cấp.
7. “Nhưng tôi…”
Bắt đầu câu nói bằng “Nhưng tôi…” thường khiến bạn bị coi là phòng thủ hoặc tự cho mình là trung tâm, dường như không thực sự lắng nghe người khác mà chỉ chờ đến lượt mình nói. Những người thanh lịch và thông minh hiểu được giá trị của việc lắng nghe tích cực. Họ biết giao tiếp tốt bao gồm việc hiểu và phản hồi quan điểm của người khác.
Thay vì xen vào lời nói của ai đó bằng câu “Nhưng tôi…”, hãy thử “Tôi hiểu bạn đang nói đến điều gì. Đây là một góc nhìn khác để chúng ta xem xét…”. Điều này cho thấy bạn đã lắng nghe và thừa nhận quan điểm của người kia và đang bổ sung vào cuộc trò chuyện thay vì chỉ bảo vệ quan điểm của riêng mình.
8. “Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng…”
Đây có lẽ là câu nói quan trọng nhất cần sớm loại bỏ. Khi chúng ta mở đầu suy nghĩ hoặc ý tưởng của mình bằng câu “Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng…”, nó ngay lập tức làm suy yếu uy tín và trí thông minh của chúng ta.
Những người thông minh và lịch sự hiểu được giá trị của suy nghĩ và ý tưởng của họ. Họ trình bày chúng một cách tự tin, không cần phải xin lỗi vì ý kiến hoặc hiểu biết của mình.