Đây là những điều chúng ta vẫn thường làm mà không biết rằng nó có thể làm xấu đi một mối quan hệ tuyệt vời.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Mong đợi nửa kia tự hiểu
Dù bạn rất muốn nửa kia có thể thần giao cách cảm và tự hiểu ra vấn đề, sự thật là họ cũng không thể. Không ai có thể đọc được suy nghĩ của bạn và thật không công bằng khi bạn luôn mong đợi ai đó tự hiểu những điều bạn muốn trong khi không nói rõ ràng với họ. Nếu người ấy không biết bạn cần gì, nó không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy họ chưa đủ yêu bạn mà chỉ đơn giản là sự thiếu giao tiếp.
Bạn nên làm gì trong trường hợp này? Hãy học cách truyền đạt mong muốn và nhu cầu của bản thân một cách hiệu quả. Trung thực, cởi mở, chân thành và kiên nhẫn là những điều mỗi người đều cần nhớ. Không mối quan hệ nào có thể phát triển tốt khi thiếu đi những điều này. Hãy để ai đó có thể hiểu bạn nhiều hơn bằng cách chia sẻ với họ thay vì giữ im lặng và muốn họ phải tự hiểu.
Che giấu thông tin
Ở đây, chúng ta không nói về món quà bất ngờ bạn dành cho ai đó trong một ngày quan trọng mà là về sự trung thực. Nếu bạn giữ điều gì đó làm bí mật và người yêu của bạn phát hiện ra, bạn vừa phá vỡ lòng tin giữa hai người. Nhớ rằng, niềm tin là điều thực sự rất khó để có thể xây dựng lại như trước. Vậy thì hãy trung thực và cởi mở với nhau ngay từ giây phút đầu. Điều bạn cần giữ trong chuyện tình cảm chính là giữ lòng tin giữa hai người, không phải giữ cho mình những bí mật.
Cố gắng khắc phục vấn đề của người kia
Bạn từng có một ngày làm việc tồi tệ, về nhà chỉ muốn có một người để chia sẻ, để than thở về những điều đã xảy ra, những người làm nên ngày tồi tệ đó? Bạn có muốn lúc này ai đó lại không ngừng nói rằng bạn đã sai, bạn nên làm gì và phải làm gì để khắc phục vấn đề đó? Chắc hẳn là không rồi! Điều bạn muốn lúc này là ai đó lắng nghe mình, để bạn được trút bầu tâm sự.
Điều đó cũng đúng với nửa kia của bạn. Khi họ có vấn đề và chọn cách tâm sự với bạn, điều đó không nhất thiết nghĩa là bạn phải giúp họ đưa ra giải pháp. Hãy tập trung lắng nghe và chỉ lắng nghe, trừ khi người ấy đưa ra yêu cầu cụ thể rằng hãy cho họ lời khuyên vì họ không biết phải làm gì trong trường hợp này.
Mong họ làm cho bạn hạnh phúc
Tất nhiên, trong một mối quan hệ, mỗi người đều nên quan tâm đến hạnh phúc của người kia. Tuy nhiên, đối tác của bạn không có nghĩa vụ phải đảm bảo đáp ứng tất cả các nhu cầu của bạn. Ở trong một mối quan hệ không có nghĩa là bạn ngừng việc là một cá thể độc lập.
Một mối quan hệ bền vững và tích cực chính là khi cả hai cùng nhau phát triển mà vẫn duy trì được những bản sắc độc lập của mỗi người. Sự lành mạnh thể hiện ở việc cung cấp sự hỗ trợ, sẻ chia ước mơ và hạnh phúc. Đó là về sự yêu thương, quan tâm và cho đi, không phải là nghĩa vụ luôn đảm bảo mang lại hạnh phúc cho người kia mọi lúc.
Giao tiếp bằng các dấu hiệu phi ngôn ngữ tiêu cực
Đây là sai lầm mà chúng ta rất dễ mắc phải. Khi nửa kia của bạn vừa nói điều gì đó có vẻ vô lý, bạn sẽ phản ứng thế nào? Đảo mắt? Lắc đầu? Lẩm bẩm điều gì đó một cách khó hiểu hoặc hành động nào đó thể hiện sự không đồng tình dù không nói ra?
Điều này thực sự không nên có trong bất kỳ mối quan hệ nào. Người đó càng quan trọng với bạn, bạn càng không nên đối xử với họ như vậy. Hành động đó như gửi đi thông điệp rằng bạn muốn một cuộc tranh cãi.
Thay vào đó, hãy thể hiện sự tôn trọng đối với người bạn chọn ở bên và học những tín hiệu phi ngôn ngữ tích cực hơn như nở nụ cười, một cái chạm nhẹ, một cái ôm hay giao tiếp mắt. Những hành động này sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên hơn là những giao tiếp phi ngôn ngữ tiêu cực ở trên.
Nếu bạn thấy bất kỳ điều nào quen thuộc với mối quan hệ của mình, hãy nhìn nhận lại và thay đổi. Hãy nhớ cách các bạn đã đến với nhau và điều tất cả cùng hướng đến là sự quan tâm, yêu thương, có trách nhiệm và cùng nhau phát triển.