Trong giao tiếp, lắng nghe đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt nếu bạn làm trong những ngành nghề như kinh doanh. Dưới đây là một số kỹ thuật đơn giản để bạn khiến mọi người lắng nghe những gì mình nói hơn.
Chúng ta vẫn nói và nghe hằng ngày nhưng để được người khác lắng nghe lại là vấn đề khác. Lắng nghe đòi hỏi sự tập trung và ý chí. Trước hết bạn phải muốn được người khác lắng nghe và có khả năng thực sự để làm điều đó.
Trong giao tiếp, lắng nghe đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt nếu bạn làm trong những ngành nghề như kinh doanh. Dưới đây là một số kỹ thuật đơn giản để bạn khiến mọi người lắng nghe những gì mình nói hơn.
1. Để đối phương đặt câu hỏi
Trung bình, mọi người dành khoảng 70%-80% thời gian trong ngày để tham gia vào các hình thức giao tiếp, trong đó lắng nghe chiếm khoảng 55% thời gian của một người. Với khoảng thời gian chú ý trung bình chỉ 25 phút, điều đó có nghĩa là hầu hết thông tin chúng ta nghe được đều “chui sang tai kia”. Vì vậy, nếu bạn muốn được lắng nghe, bạn cần súc tích và tận dụng tốt 25 phút mình có cho đến khi người nghe bắt đầu mất tập trung.
"Hầu hết mọi người không lắng nghe với mục đích để hiểu, họ lắng nghe với mục đích để trả lời", Stephen R. Covey.
Bạn có thể nghĩ rằng giải thích mọi thứ kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ nhất sẽ khiến mọi người hiểu bạn hơn nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Mọi người sẽ bối rối khi nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc và sự tập trung của họ chuyển sang những thứ đơn giản hơn.
Vì vậy, thay vì nói nhiều hơn, hãy thử nói ít hơn và cho phép mọi người đặt câu hỏi. Bằng cách chỉ tập trung truyền tải thông tin quan trọng, bạn khuyến khích người nghe đặt câu hỏi và thực sự chú ý đến câu trả lời của mình.
2. Nói ít hơn về mình
Thực tế là trong môi trường kinh doanh và làm việc, mọi người hiếm khi quan tâm đến việc nghe về bạn và những gì bạn đã làm. Ryan Fold, tác giả, chuyên gia truyền thông tại UCI và là diễn giả của TEDx Talk, nói rằng một trong những thách thức giao tiếp quan trọng nhất là trả lời câu hỏi “Bạn làm nghề gì?”. Fold nhận thấy hầu hết các câu trả lời của doanh nhân đều dài và chi tiết đến mức dễ gây ra nhiều nhầm lẫn về chủ đề. Do đó, ông đã phát triển phương pháp 3-1-3 để giúp giao tiếp kinh doanh hiệu quả hơn.
Phương pháp này bao gồm ba bước đơn giản:
Trả lời câu hỏi: "Nguyên tắc cốt lõi nhất trong ý tưởng của bạn (vấn đề bạn giải quyết, giải pháp bạn cung cấp và thị trường bạn giải quyết) là gì?".
Câu trả lời cho mỗi phạm trù vấn đề, giải pháp, thị trường không dài quá 1 câu.
Cuối cùng, cả 3 câu trả lời nên được rút gọn thành một câu duy nhất.
Nếu bạn muốn mọi người lắng nghe và hiểu thông điệp của mình, câu đơn này sẽ thay thế cho những câu trả lời dài dòng và khó hiểu mà bạn đã từng đưa ra.
3. Chú ý đến giao tiếp phi ngôn ngữ
Giao tiếp không chỉ đơn thuần là những từ ngữ chúng ta nói ra và âm thanh mà chúng ta nghe thấy. Trong các tương tác trực tiếp, giao tiếp phi ngôn ngữ là yếu tố cơ bản giúp bạn truyền tải thông điệp. Giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và cử chỉ của bạn đều rất quan trọng trong việc giao tiếp.
Cách bạn đứng ra sao, nhìn và di chuyển thế nào sẽ cho người khác biết về ý định của bạn, sự trung thực và tự tin của bạn. Nhớ rằng lời nói có thể lừa dối nhưng giao tiếp phi ngôn ngữ thì không.
Nếu bạn muốn mọi người lắng nghe mình, bạn cần phải truyền tải đi thông điệp rằng những gì bạn đang nói là đúng và quan trọng. Bạn sẽ khiến đối phương hiểu rằng bạn là người tự tin và trung thực nếu bạn:
Giữ nhịp điệu ổn định
Tránh lặp lại
Giao tiếp bằng mắt
Đứng thẳng
Ngẩng cao đầu
Những điều này sẽ gửi đến người nghe thông điệp rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ thông tin có giá trị.
4. Viết ra những nội dung quan trọng
Thực tế là mọi người chỉ nhớ được khoảng 35% những gì họ nghe được và khi thời gian có hạn, cách an toàn nhất để đảm bảo rằng bạn đã thực sự truyền tải được nội dung quan trọng chính là viết ra những ý then chốt. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn tham gia vào các buổi họp, thuyết trình. Việc kết hợp giao tiếp bằng lời nói và văn bản sẽ giúp người nghe có thể tiếp cận thông tin bất cứ lúc nào cần, khiến thông tin khó bị thất lạc hoặc lãng quên hơn.
5. Lắng nghe người khác
Tích cực lắng nghe người khác giúp bạn tạo mối quan hệ với người đối thoại cùng. Hãy lắng nghe họ một cách tập trung, đặt câu hỏi và tóm tắt những gì bạn nghe được để đối phương thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến những gì họ nói.
Hầu hết mọi người đều trở nên quan tâm hơn, lắng nghe ai đó hơn khi đối phương thể hiện sự quan tâm đến vấn đề của mình và lắng nghe chính là cách để họ đáp lại.
Hơn nữa, khi lắng nghe người khác, bạn còn có thể học hỏi được nhiều điều về họ và chúng có thể sẽ hữu ích cho cuộc trò chuyện của bạn sau đó.
6. Xây dựng các mối quan hệ
Chúng ta có xu hướng dễ lắng nghe những người mà mình tin tưởng và tôn trọng. Nói chuyện với những người bạn đã có mối quan hệ như người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với nói chuyện cùng người lạ. Mọi người có xu hướng hoài nghi về những điều chưa biết. Do đó, điều quan trọng là phải tìm hiểu trước về đối tượng nghe của bạn.
Khi bạn đang quảng cáo ý tưởng của mình cho người khác, một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị là tìm hiểu về đối tượng mà bạn thuyết trình. Việc tìm ra điểm chung với người nghe là cách tốt nhất để tạo kết nối và xây dựng mối quan hệ, khiến họ thực sự lắng nghe bạn.
Nhìn chung, việc lắng nghe cũng giống như nói chuyện hay bất kỳ hình thức giao tiếp nào khác, đều là về tương tác giữa con người với nhau. Để làm cho người khác lắng nghe bạn là điều không khó, miễn là bạn đối xử với mọi người một cách tôn trọng và tuân theo các chuẩn mực xã hội phù hợp với bối cảnh.