Thói quen hàng ngày có thể cho biết bạn sẽ là người thành công hay thất bại trong tương lai. Chỉ 5 phút mỗi ngày với 7 thói quen dưới đây, giàu có sẽ là điều trong tầm tay bạn.
Mỗi sự thay đổi nhỏ hàng ngày sẽ tạo nên khác biệt lớn.
"Thói quen hàng ngày có thể cho biết bạn sẽ là người thành công hay thất bại trong tương lai", Thomas C. Corley, người đã dành 5 năm để nghiên cứu về thói quen hàng ngày của 177 triệu phú tự thân cho biết.
Những thói quen có thể ngăn cản bạn đạt đến sự giàu có hoặc biến bạn từ bình thường trở thành triệu phú. Chỉ 5 phút mỗi ngày với 7 thói quen dưới đây, giàu có sẽ là điều trong tầm tay bạn.
1. Viết ra những mục tiêu tài chính cụ thể
"Nếu muốn trở nên giàu có, bạn cần phải hành động. Hãy bắt đầu bằng cách viết ra những mục tiêu cụ thể cho thu nhập hàng năm và giá trị ròng", triệu phú tự thân T. Harv Eker từng viết trong cuốn sách Secrets of the Millionaire Mind (Tạm dịch: Bí mật trong suy nghĩ của các triệu phú).
Mục đích của bạn là trở nên giàu có, tạo ra sự dư thừa chứ không chỉ dừng lại ở mức đủ sống. Chính vì thế, bạn cần viết ra khung thời gian để đạt được mục tiêu. Đừng sợ rằng mình đang nghĩ quá lớn hay sợ thử thách bản thân mình.
"Một lý do khiến nhiều người không có được thứ mình muốn là bởi bản thân họ không biết mình thực sự muốn gì. Những người giàu luôn hiểu rất rõ rằng mình muốn giàu có", Eker nhận xét.
2. Gửi bưu thiếp cảm ơn
"Cách nói lời cảm ơn có thể phản ánh con người bạn", Corley viết. Ngày nay, nhiều người thường gửi lời cảm ơn qua Facebook, Twitter hay các trang mạng xã hội khác song lời khuyên ở đây là hãy gửi bưu thiếp cảm ơn.
Bạn nên viết bưu thiếp khi nào? Khi ai đó nhớ ngày sinh nhật của bạn, khi một khách hàng nhắc đến bạn, khi một người bạn giới thiệu cho bạn đầu mối quan trọng để liên lạc hay đơn giản là gửi lời cảm ơn đến những thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thiết.
3. Tìm kiếm sự phản hồi
"Sợ bị chỉ trích là lý do khiến chúng ta không muốn nhận thông tin phản hồi từ người khác", Corley chia sẻ. Thông tin phản hồi là rất cần thiết khi nó có thể giúp bạn hiểu được điều mình làm đang gặp vấn đề gì, còn khúc mắc gì cần giải quyết.
Tiếp nhận những phản hồi dù tốt hay xấu đều giúp ích bạn trong việc hoàn thiện mình. Các triệu phú tự thân thành công nhất đều từng tiến hành rất nhiều thử nghiệm trước khi đưa dự án vào triển khai. Sự phản hồi sẽ cho bạn thông tin cần thiết để đạt được thành công dù hoạt động trong bất kỳ ngành nghề nào.
4. Lập danh sách những việc không làm
Người giàu luôn có danh sách những việc không bao giờ nên làm bởi nó sẽ ngốn thời gian của họ hay đơn giản đó là những thói quen xấu. Danh sách những việc không làm có thể là “Không xem ti vi quá 1 tiếng”, “Không ngồi tán chuyện” hay “Không mua sắm bừa bãi”.
Tất nhiên, việc lập danh sách những điều không làm không giúp bạn đạt được thành công ngay lập tức nhưng điều này rất hữu ích. Những người giàu trong nghiên cứu của Corley đều thành công nhờ siêng năng làm một số việc mỗi ngày và tránh xa một số việc khác.
5. Những cuộc gọi 5 phút
Theo nghiên cứu của Corley, 80% những người giàu sẽ gọi điện để chúc mừng sinh nhật, nhân các sự kiện lớn hay hỏi thăm người thân, bạn bè, đối tác trong khi tỷ lệ này ở những người nghèo là rất thấp.
“Đừng bao giờ xem nhẹ các chi tiết nhỏ”, Corley nhấn mạnh. Những cuộc gọi chỉ vài phút có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ với những người thành công, có đầu óc khác. Đây là thói quen cơ bản của những người giàu. Bạn càng biết nhiều về người mà bạn gắn bó, bạn sẽ càng giao tiếp với họ hiệu quả hơn.
6. Nói "cả hai" thay vì “hoặc”
Bất cứ khi nào buộc phải đưa ra sự lựa chọn, hãy tự hỏi: "Liệu mình có thể có được cả hai". Người giàu sẽ không nói "hoặc". Họ nói "cả hai" vì họ biết họ có thể có tất cả.
Không ở đâu suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như khi đề cập đến vấn đề tiền bạc. Người nghèo và người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng mình buộc phải lựa chọn giữa tiền và các khía cạnh của cuộc sống trong khi chúng ta hoàn toàn có thể có được cả 2.
7. Tự nhủ rằng mình xứng đáng
"Những người bình thường nghĩ rằng giàu có là đặc ân dành cho những người may mắn", triệu phú tự thân Siebold chia sẻ. Tuy nhiên sự thật là trong một nền kinh tế thị trường, dù là ai bạn cũng có quyền giàu có nếu sẵn sàng tạo ra những giá trị to lớn cho người khác.
Bắt đầu với suy nghĩ: “Vì sao lại không phải là mình?” và lấy đó làm động lực để nghĩ lớn hơn, bước ra khỏi vùng an toàn.