Bạn có phải là người thông minh với tiền bạc không? Dưới đây là 8 dấu hiệu giúp bạn nhanh chóng trả lời câu hỏi này.
Những người giỏi giang về tiền bạc nhận thức được tình hình tài chính của mình. Họ lập ngân sách để có thể kiểm soát thu nhập và theo dõi chi tiêu của bản thân. Họ tiết kiệm và đầu tư như một phần thói quen của mình. Thay vì để bản thân rơi vào thế thụ động, họ lập kế hoạch trước với các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn, làm chủ cuộc chơi.
Bất kỳ ai ở bất kỳ mức thu nhập nào đều có thể rèn luyện kỷ luật tài chính và thói quen tiêu tiền thông minh. Bạn chỉ cần lập kế hoạch cẩn thận cho tương lai, đầu tư và tiết kiệm thường xuyên. Dưới đây là 8 dấu hiệu chính cho thấy bạn là người thông minh trong việc quản lý tiền bạc:
1. Bạn có ngân sách
Những người thông minh về tiền bạc nhận thức được tình hình tài chính của họ. Họ lập ngân sách để có thể kiểm soát thu nhập, theo dõi các khoản chi tiêu và đảm bảo bản thân không sống vượt quá khả năng của mình.
Lập ngân sách cũng cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn những đồng tiền của mình. Nếu bạn có thể duy trì ngân sách ngay cả khi thu nhập của bạn tăng lên thay vì tăng chi tiêu ở mức tương ứng thì bạn đang làm rất tốt vì điều này sẽ giúp bạn tạo dựng sự giàu có.
2. Tiết kiệm và đầu tư là một phần thói quen của bạn
Những người có mối quan hệ tốt với tiền bạc không chờ đợi đến một cột mốc nào đó như tăng lương hay được thưởng tiền để tiết kiệm hoặc đầu tư. Họ biến nó thành một phần thói quen của mình và sử dụng với bất kỳ số tiền nào họ có trong hiện tại.
Theo nguyên tắc chung, bạn nên tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập mỗi tháng cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, quỹ khẩn cấp, hưu trí và đầu tư. Số tiền bạn chọn để đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập và mục tiêu đầu tư của bạn. Vì vậy, trước khi đầu tư, hãy đảm bảo bạn biết mức độ rủi ro bạn có thể chấp nhận và khung thời gian khi nào bạn sẽ cần tiền.
Ví dụ: Nếu bạn đang ở độ tuổi 20-30 và tiết kiệm để nghỉ hưu, nhìn chung bạn có thể chấp nhận rủi ro hơn một chút để đổi lấy lợi nhuận cao hơn vì bạn sẽ có khoảng vài chục năm để thực hiện. Đối với những người ở độ tuổi 40-50, khung thời gian đầu tư để nghỉ hưu của họ ngắn hơn nhiều nên không thể chấp nhận nhiều rủi ro.
3. Bạn đang lên kế hoạch cho tương lai của mình
Những người giỏi giang về tiền bạc đang lên kế hoạch trước cho cuộc sống của mình thay vì để bản thân trôi theo dòng chảy. Cho dù đó là tiết kiệm để mua nhà, trả học phí đại học cho con cái hay đảm bảo đủ tiền tiết kiệm để nghỉ hưu thì việc đặt ra mục tiêu tài chính rõ ràng là rất quan trọng.
Điều này có nghĩa là bạn phải có chiến lược với kế hoạch của mình. Những mục tiêu ngắn hạn như thanh toán nợ thẻ tín dụng có thể mất khoảng 1 đến 3 tháng để đạt được; những mục tiêu dài hạn như tiết kiệm để đặt cọc mua nhà hoặc nghỉ hưu đòi hỏi nhiều tiền cũng như thời gian, sự quan tâm của bạn hơn.
4. Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ, bạn đã nói chuyện với nửa kia về tiền bạc
Nếu bạn và nửa kia thường xuyên trò chuyện về tình hình tài chính và tương lai của mình thì điều đó chứng tỏ bạn đang dẫn đầu cuộc chơi. Việc hiểu được thái độ chung của nhau về tiền bạc và rõ ràng về các mục tiêu tài chính của mỗi người có thể giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc.
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một đám cưới hoặc đón thêm thành viên mới, bạn có thể cần phải cắt giảm một số chi phí và giảm các khoản nợ để tăng cường tiết kiệm.
Bạn cũng có thể có những tài sản mà bạn muốn bảo vệ và việc có một thỏa thuận tài chính quy định tài sản và tiền bạc của bạn sẽ được phân chia như thế nào nếu mối quan hệ tan vỡ là một cách tốt để đảm bảo bạn sẽ không đánh mất những gì quan trọng với mình.
5. Bạn có quỹ khẩn cấp
Có một khoản dự trữ tiền mặt vững chắc để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sẽ giúp bạn đi một chặng đường dài hơn. Nếu bạn có một khoản chi phí bất ngờ như sửa chữa xe khẩn cấp hoặc hóa đơn y tế, việc có sẵn tiền sẽ giúp bạn tránh phải sử dụng thẻ tín dụng lãi suất cao hoặc vay cá nhân. Tùy vào điều kiện công việc, số người phụ thuộc, tình hình sức khỏe… mà bạn sẽ cần số tiền khác nhau trong quỹ khẩn cấp song nhìn chung, các chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên rằng bạn nên có khoảng 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cho quỹ này.
6. Bạn sẵn sàng đầu tư để nhận được hỗ trợ tài chính
Một người có tư duy giàu có biết rằng một kế toán viên, huấn luyện viên tài chính hay cố vấn tài chính sẽ giúp họ gia tăng tài sản hoặc thu nhập. Nếu bạn đánh giá cao kinh nghiệm của các chuyên gia trong các khía cạnh khác của cuộc sống, đừng coi thường chung trong lĩnh vực quản lý tiền bạc.
Họ có thể giúp bạn về mọi mặt trong cuộc sống tài chính như tiết kiệm, bảo hiểm, thuế, nợ… để bạn đi đúng hướng hơn tới mục tiêu của mình. Họ cũng sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi như: “Bao nhiêu tuổi tôi có thể nghỉ hưu? Tôi có thể sử dụng những chiến lược nào để xây dựng sự giàu có? Làm sao để tôi có thể giảm thuế của mình?...”
7. Bạn đang tiết kiệm để nghỉ hưu
Có một kế hoạch sẵn sàng cho việc nghỉ hưu là dấu hiệu tốt cho thấy bạn đã chuẩn bị tài chính cho tương lai của mình, ngay cả khi việc nghỉ hưu của bạn còn cách xa hàng chục năm nữa. Việc thường xuyên rót thêm tiền vào quỹ hưu sẽ giúp bạn đi đúng hướng hơn để đạt được lối sống mà mình muốn. Ngay cả khi bạn chưa bắt đầu tiết kiệm tiền để nghỉ hưu thì việc cân nhắc xem mình muốn quỹ hưu trí như thế nào cũng là một bước đi đúng hướng.
8. Bạn tìm kiếm các nguồn thu nhập khác
Những người thông minh về tiền bạc đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ bằng các tài sản khác, chẳng hạn như tài sản cho thuê để tạo thu nhập thụ động. Ngay cả khi không sở hữu nhiều tài sản, bạn vẫn có những cơ hội cho thuê khác có thể mang lại nguồn thu nhập thụ động khác như cho thuê bớt một phòng trong nhà hoặc cho thuê xe, chỗ để xe…
Cuối cùng, cho dù bạn đang tiết kiệm được 1 đồng hay 100 đồng, những người giỏi quản lý tiền đều biết cách sử dụng khôn ngoan những gì mình có. Kỷ luật là chìa khóa và cùng với kỷ luật, bạn có thể xây dựng tương lai tài chính mà mình mong muốn.