Cùng 100 triệu gửi ngân hàng, sau 5 năm người lãi to, người phát thèm vì 3 điểm khác biệt

Bảo Anh. - Ngày 08/07/2020 12:12 PM (GMT+7)

Cùng có một số tiền như nhau, cùng chọn kênh đầu tư là gửi tiết kiệm ngân hàng song số tiền mà giờ đây Kim và Hà có lại có sự khác biệt rõ rệt. Sau một hồi trò chuyện, nghe Kim chia sẻ về bí kíp riêng của mình, Hà đã vỡ ra rất nhiều kinh nghiệm quý báu về việc gửi tiền tiết kiệm.

Cùng 100 triệu gửi ngân hàng, sau 5 năm người lãi to, người phát thèm vì 3 điểm khác biệt - 1

Có 2 cô bạn nọ, sau một thời gian đi làm đã tích cóp được 100 triệu phòng thân. Con số này cách đây 5 năm là khá lớn, nhất là với 2 cô nàng độc thân. Muốn có chút tiền phòng thân và chuẩn bị cho cuộc sống gia đình sau này, Kim và Hà cùng bàn nhau để xem nên làm gì với khoản tiền này.

Tìm thử trên mạng internet rồi “lót dép hóng” thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, 2 cô nàng cảm thấy đầu óc quay cuồng vì có quá nhiều kênh đầu tư với các mức tỷ suất lợi nhuận khác nhau kèm theo độ rủi ro tương ứng. Sau một hồi loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu, Kim và Hà quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng với lý do “Có tiền nhàn rỗi mà không biết làm gì, đơn giản nhất là gửi ngân hàng”.

Vậy là số tiền 100 triệu của mỗi người được gửi vào 2 ngân hàng khác nhau. Sau đó Hà có nhiều sự thay đổi trong công việc cũng như cuộc sống nên hai người ít có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Sau 5 năm gặp lại, cùng ôn lại những kỷ niệm cũ năm nào, 2 người không quên nhắc tới khoản đầu tư 100 triệu ngày đó.

Và điều bất ngờ chính là, cùng có một số tiền như nhau, cùng chọn kênh đầu tư là gửi tiết kiệm ngân hàng song số tiền mà giờ đây Kim và Hà có lại có sự khác biệt rõ rệt. Sau một hồi trò chuyện, nghe Kim chia sẻ về bí kíp riêng của mình, Hà đã vỡ ra rất nhiều kinh nghiệm quý báu về việc gửi tiền tiết kiệm.

Chọn kỳ hạn phù hợp

Cùng 100 triệu gửi ngân hàng, sau 5 năm người lãi to, người phát thèm vì 3 điểm khác biệt - 2

Gửi tiết kiệm ngân hàng được nhiều người ưa chuộng vì cho rằng đây là kênh đầu tư đơn giản và an toàn. Thế nhưng để gửi tiết kiệm sao cho tối ưu nhất thì bạn cần có những kiến thức nhất định.

Đầu tiên, hãy hiểu về kỳ hạn tiết kiệm để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho kế hoạch cũng như nhu cầu của mình. Kỳ hạn tiết kiệm là khoảng thời gian bạn gửi tiền cho ngân hàng sử dụng và là cơ sở để ngân hàng trả lãi. Hiện tại ở các ngân hàng, các sản phẩm tiết kiệm đều có kỳ hạn rất đa dạng, từ 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng cho tới 36 tháng.

Thường thì kỳ hạn tiết kiệm càng dài sẽ ứng với lãi suất càng cao. Tuy nhiên không phải vì vậy mà bạn mặc nhiên đem tất cả số tiền mình có để gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài nhất mà hãy cân nhắc đến kế hoạch sử dụng tiền thực tế, tránh việc rút tiền trước hạn xem như mất số tiền lãi.

Vậy lời khuyên ở đây là gì? Hãy xem xét đến mức độ nhàn rỗi của số tiền đó và tính toán xem trong tương lai mình sẽ cần chi những khoản lớn nào để lựa chọn kỳ hạn phù hợp. Nếu tình hình tài chính không ổn định, bạn nên chọn các kỳ hạn ngắn như 1 tháng đến 6 tháng. Trong trường hợp bạn không có kế hoạch gì lớn, khả năng tài chính ổn định thì số tiền nhàn rỗi kia nên được gửi với kỳ hạn dài để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Như trường hợp của cô bạn Hà, vì không dự tính được trước kế hoạch chi tiêu của mình mà chỉ đơn giản là đem tất cả số tiền 100 triệu gửi tiết kiệm với kỳ hạn 36 tháng, cô nàng đã phải rút trước hạn khi tiết kiệm được 6 tháng và để lãng phí khoản tiền lãi trên toàn bộ số tiền.

Chia nhỏ thành nhiều tài khoản tiết kiệm

Cùng 100 triệu gửi ngân hàng, sau 5 năm người lãi to, người phát thèm vì 3 điểm khác biệt - 3

Một giải pháp giúp bạn linh hoạt các khoản tiền gửi, tối đa hóa lợi ích chính là chia thành nhiều tài khoản tiết kiệm. Bằng việc tách nhỏ thành các tài khoản tiết kiệm với số tiền cũng như kỳ hạn khác nhau tùy thuộc nhu cầu sử dụng, bạn có thể linh hoạt rút 1 trong số các tài khoản đó mà vẫn được hưởng đầy đủ lãi suất cho những sổ tiết kiệm còn lại. Những khoản tiền nhàn rỗi lâu dài nên được gửi với kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất cao hơn, trong khi những khoản tiền không chắc khi nào cần dùng nên được gửi với kỳ hạn như 1 tháng.

Như trong trường hợp của Hà, cô nàng chỉ cần 50 triệu đồng nhưng vì không thể vay được ai nên đành rút hết cả 100 triệu đã gửi trước thời hạn. Thay vì nhận được lãi suất khoảng 7%/năm thì việc rút trước hạn khiến Hà chỉ nhận được mức lãi suất như gửi tiết kiệm không thời hạn là khoảng 1%/năm.

Trong khi đó, nếu ban đầu Hà tách khoản tiền mình có thành 2 sổ tiết kiệm khác nhau, 1 sổ 50 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng và 1 sổ 50 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng thì khi có nhu cầu, Hà có thể tất toán sổ tiết kiệm đầu tiên và khoản 50 triệu đồng trong sổ thứ 2 vẫn sẽ tiếp tục được duy trì để nhận tiền lãi.

Hiện nay nhiều ngân hàng đã đa dạng các sản phẩm tiết kiệm và có loại cho phép khách hàng vừa gửi tiết kiệm, vẫn có thể rút ra chi tiêu khi cần thiết trong vài ngày mà vẫn được nhận đầy đủ tiền lãi tiết kiệm.

Lãi kép – “kỳ quan thứ 8 của thế giới”

Cùng 100 triệu gửi ngân hàng, sau 5 năm người lãi to, người phát thèm vì 3 điểm khác biệt - 4

Lãi kép được hiểu đơn giản là khi gửi tiết kiệm hoặc đầu tư nhận được lãi về, bạn tiếp tục dồn khoản tiền lãi nhận được cộng vốn vào chu kỳ tiết kiệm/đầu tư mới. Nếu không biết đến khái niệm lãi kép thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội tăng thêm những gì mình lẽ ra có thể được nhận.

"Lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những ai vận dụng được nó sẽ nhận sự giàu có, còn những ai không hiểu... sẽ phải trả giá cho nó", nhà bác học Albert Einstein.

Đừng bao giờ nghĩ rằng “mình thì có bao nhiêu mà bày đặt tiết kiệm”. Sức mạnh của tiết kiệm chính là ở việc tích lũy lâu dài và thường xuyên. Bạn sẽ hiểu một cách dễ dàng hơn “kỳ quan” này thông qua ví dụ đơn giản sau (đặt giả thiết là Hà không phát sinh nhu cầu sử dụng tiền, không cần rút 50 triệu đồng sau 6 tháng):

Kim và Hà cùng bắt đầu với số tiền ban đầu là 100 triệu đồng, lãi suất ngân hàng tính trung bình là 7%/năm.

Sau 1 năm, số tiền 2 người nhận về là 100 triệu tiền gốc và 7 triệu tiền lãi. Tổng số tiền cuối năm 1 là 100 + 7 = 107 triệu.

Với suy nghĩ đơn giản là tiết kiệm kiểu nào cũng như nhau, Hà rút riêng tiền lãi hàng năm về nuôi heo đất và sau 5 năm, khoản tiền lãi cô nàng có bỏ heo được là 7 x 5= 35 triệu đồng. Cộng với số tiền gốc 100 triệu, Hà có 135 triệu đồng sau 5 năm. Đây chính là ví dụ đơn giản về lãi đơn, khi đồng tiền lãi sinh ra không sinh lãi tiếp.

Kim lại có sự lựa chọn khác và cô chính là người tận dụng được sức mạnh của lãi suất kép. Số tiền lãi hàng năm có được Kim đều nhập vào tiền gốc và tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng. Sau 5 năm, kết quả đã chứng minh sự khác biệt giữa lãi suất đơn và lãi suất kép.

Sau 2 năm, 100 triệu Kim có tiếp tục cho khoản lãi 7 triệu đồng như của Hà và 7 triệu tiền lãi năm trước cũng sinh lãi là 0,49 triệu. Tổng số tiền cuối năm 2 mà Kim có là 100 triệu gốc + 7 triệu lãi năm 1 + 7 triệu lãi năm 2 + 0,49 triệu lãi do 7 triệu sinh ra = 114,49 triệu.

Sau 5 năm, với cách tính tương tự, Kim nhận được số tiền là 140,25 triệu đồng.

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng công thức sau để tính số tiền mình nhận được khi nhập tiền lãi vào tiền gốc để tiếp tục gửi tiết kiệm/đầu tư:

Số tiền kỳ thứ n = Số tiền gốc x (1 + lãi suất)^số kỳ

Như vậy cùng với số tiền 100 triệu đồng sau 5 năm gửi tiết kiệm, hai người sẽ thu được số tiền khác biệt là 140,25 triệu (tận dụng lãi suất kép) và 135 triệu (dùng lãi suất đơn). Chỉ với một thao tác đơn giản, bạn đã có được 5,25 triệu đồng mà không hề tốn công tốn sức.

Nếu tiếp tục cách gửi đó trong 20 năm:

Số tiền Hà nhận được là: 100 + 7x20 = 280 triệu.

Số tiền Kim nhận được là: 100 x (1+ 7%)^20 = 387 triệu đồng.

Giờ thì bạn đã thấy được sự khác biệt rõ rệt, sức mạnh của việc tận dụng lãi suất kép rồi chứ! Chỉ với thao tác đơn giản là nhập số tiền lãi vào gốc, bạn sẽ khiến tiền sinh sôi nảy nở và lãi suất càng cao, thời gian đầu tư càng dài thì số tiền thu được càng lớn.

Một lời khuyên nữa dành cho bạn khi gửi tiết kiệm ngân hàng chính là lựa chọn gửi tiết kiệm trực tuyến để tiết kiệm thời gian cũng như đảm bảo an toàn hơn cách gửi tiết kiệm truyền thống.

Lương 6 triệu vẫn sống thoải mái, có trăm triệu tiết kiệm nhờ phương pháp 6 cái lọ
Nhiều bạn trẻ loay hoay với việc tiết kiệm và cho rằng lương thấp khi mới ra trường là điều thật tệ. Với tôi, điều này đã giúp mình học được cách chi...
Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu