Khi sự phụ thuộc lẫn nhau xuất hiện trong tình bạn, sự hỗ trợ chỉ mang tính một chiều và đó là dấu hiệu cho thấy tình bạn của bạn có vấn đề.
1. Bạn của bạn luôn cần sự giúp đỡ
Bạn của bạn có vẻ là người kém may mắn nhất từ trước đến nay không? Họ luôn bị mất chìa khóa, mất ví, kết bạn với những người xấu hoặc yêu nhầm người. Vì vậy, họ có thể bất ngờ gọi cho bạn và yêu cầu bạn đến đón họ hoặc giúp họ ít tiền. Ngoài ra, họ còn luôn cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần, muốn bạn ở đó lắng nghe về mọi nỗi niềm của họ.
Hãy dành ra chút thời gian để trả lời câu hỏi đơn giản này: “Bạn của bạn có làm điều tương tự với bạn không?” Nếu câu trả lời là không thì rất có thể tình bạn của bạn có vấn đề.
2. Sự hỗ trợ chỉ từ một phía
Đây là điểm khác biệt chính giữa tình bạn phụ thuộc và tình bạn lành mạnh.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, hai người cùng giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Bạn của bạn muốn thảo luận về các vấn đề cá nhân của họ, bạn cũng vậy. Cả hai sẵn sàng ngồi và lắng nghe nhau khi người kia cần nói chuyện.
Khi sự phụ thuộc lẫn nhau xuất hiện trong tình bạn, sự hỗ trợ chỉ mang tính một chiều. Dù là hỗ trợ về tài chính hay tinh thần, bạn của bạn luôn là người cần giúp đỡ và bạn luôn đóng vai trò là “đôi tai biết lắng nghe” hay “một bờ vai để dựa vào khóc”.
3. Bạn của bạn trông cậy vào bạn
Bạn có phải là người thân thiết duy nhất mà bạn của bạn có và có thể dựa vào không? Có thể họ có mối quan hệ không tốt với cha mẹ nên không thể nhờ giúp đỡ hoặc thậm chí chia sẻ vấn đề. Cũng có thể họ không có bạn bè nào khác và mọi mối quan hệ xã hội của họ đều quá hời hợt.
Về cơ bản, bạn là hệ thống hỗ trợ duy nhất của họ.
Bạn của bạn thường nói với bạn rằng bạn là người tốt nhất và trung thành nhất của họ, là người duy nhất hiểu và lắng nghe. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy bản thân thật đặc biệt và hãnh diện nhưng sự thật là sự phụ thuộc này không lành mạnh và là dấu hiệu lớn của tình bạn có vấn đề.
4. Sự hiện diện của bạn bè có thể khiến bạn kiệt sức
Bạn có thể bắt đầu cảm thấy sự hiện diện của ai đó khiến mình nản lòng vì họ luôn phàn nàn và nói về những điều tiêu cực. Họ làm bạn cạn kiệt năng lượng vì hầu hết các cuộc trò chuyện đều xoay quanh vấn đề của họ. Ngay cả khi trước đó bạn từng thấy vui thì mọi thứ cũng nhanh chóng vụt tắt sau khi họ hiện diện.
Bạn có thể bắt đầu nhận thấy mình không hào hứng với việc gặp gỡ bạn. Bạn thậm chí có thể cảm thấy tội lỗi về điều đó bởi bạn bè hỗ trợ nhau lúc khó khăn chẳng phải chuyện thường tình hay sao?
Khi tình bạn của bạn là đồng phụ thuộc và đơn phương, bạn sẽ cảm thấy như mình là phụ huynh của một đứa trẻ đầy rắc rối. Đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải giải quyết mớ hỗn độn của họ.
5. Bạn cảm thấy có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề của bạn mình
Ở một khía cạnh nào đó, bạn cảm thấy bản thân phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của bạn mình. Bạn đã quen với vai trò của người giải cứu hoặc cố vấn, trước giờ vẫn luôn như vậy và thấy mình có nghĩa vụ phải cho bạn một bờ vai khi họ gặp rắc rối.
Đôi khi, cảm giác nghĩa vụ này bắt nguồn từ một thói quen đơn thuần, nhưng cũng có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi. Rất có thể, bạn của bạn không có ai khác để trò chuyện trong thời điểm khủng hoảng, bạn là người thân thiết duy nhất mà họ có. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với cách suy nghĩ này bởi bạn của bạn là người lớn, cần tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn trong cuộc sống của họ.
6. Bạn đặt nhu cầu của bạn bè lên hàng đầu
Bạn đang định đi ăn tối với chồng thì đột nhiên, bạn của bạn xuất hiện trước cửa nhà và nói rằng bạn trai đã bỏ rơi cô ấy. Vì vậy, thay vì cùng nhau có những khoảnh khắc lãng mạn bên nửa kia của mình, bạn dành cả buổi tối để lắng nghe bạn mình và cố gắng giúp cô ấy bình tĩnh lại. Tất nhiên, đôi khi chúng ta có thể phải hủy bỏ kế hoạch để giúp đỡ ai đó đang cần mình nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình huống như vậy lặp đi lặp lại trong tình bạn của bạn?
Bạn có luôn xếp mình về phía sau để giúp đỡ bạn không? Bạn có đột nhiên quên mất kế hoạch và trách nhiệm của mình khi người bạn đang cần giúp đỡ xuất hiện? Bạn có thường xuyên bỏ qua thời gian cho gia đình và những người bạn khác để ở bên người bạn đó không? Đây không phải là một mối quan hệ lành mạnh.
7. Ranh giới của bạn bị xóa nhòa
Vì bạn bè của bạn rất tin tưởng vào bạn nên họ nghĩ bạn có thể đến mà không báo trước hoặc ngay cả khi gọi điện cho bạn vào lúc nửa đêm. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó chịu nhưng sẽ nhanh chóng quên đi và sẵn sàng giúp đỡ. Bạn luôn tìm cách bào chữa cho hành vi của họ, rằng họ cần bạn, họ không còn ai để nương tựa…
Ranh giới cá nhân bị xóa nhòa là dấu hiệu cho thấy tình bạn của bạn có vấn đề. Bạn đã cho phép bạn mình liên tục vượt qua ranh giới.
8. Bạn ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi
Một trong những dấu hiệu quan trọng của tình bạn phụ thuộc lẫn nhau là bạn bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi không lành mạnh. Bạn không thể đặt ra ranh giới rõ ràng và không thể từ chối khi bạn bè cần.
Mỗi khi họ gặp rắc rối, bạn cảm thấy mình có trách nhiệm phải giải cứu họ. Bạn thậm chí có thể cảm thấy tội lỗi khi bạn của bạn thất bại hoặc đưa ra một quyết định sai lầm. Bạn của bạn có thể nhận thức được điều này và có thể lợi dụng cảm giác tội lỗi của bạn để đạt được điều họ muốn. Họ có thể nói rằng bạn là người duy nhất họ có thể tin cậy. Khi bạn thấy mình bị thúc đẩy bởi cảm giác tội lỗi, đó không phải là một tình bạn lành mạnh.