"Phong trào về ngoại ăn Tết là để cân bằng lại cái đang bị lệch. Tôi nghĩ rằng các chị em cần phải nhận thức lại. Quyền của mình là quyền con người, không thể vớ vẩn được."
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng giờ đây, trong bữa cơm trưa văn phòng hay những phút tám chuyện rảnh rỗi của các chị em đã rôm rả chuyện Tết này ở nhà nội hay nhà ngoại. Vẫn biết Tết là dịp để các thành viên trong gia đình có thể quây quần song đằng sau những tiếng cười nói đó lại là giọt nước mắt của không ít nàng dâu khi nhớ về nhà ngoại.
"Xuất giá tòng phu" là câu nói đã in đậm vào suy nghĩ của biết bao thế hệ người Việt. Nhắc đến Tết nguyên đán, người ta gần như mặc định con dâu dĩ nhiên là phải ở nhà chồng, có đi đâu thì cũng phải chờ nhà chồng xong xuôi hết công việc. Có người đi làm dâu hơn 10 năm, nhắc đến chuyện ngày Tết mà bật khóc vì chưa năm nào được đón giao thừa bên nhà ngoại. Chuyện không mới nhưng chưa bao giờ là cũ, "Tết nội hay Tết ngoại" luôn là điều khiến chị em không khỏi quan tâm.
Mới đây nhất, trong một chương trình trò chuyện về chủ đề ăn Tết, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã một lần nữa gây "bão" mạng với phát ngôn đầy tranh cãi: "Ăn Tết theo nhà chồng là cổ hủ". Chạm đúng chủ đề vốn luôn nóng, phần phát biểu của vị tiến sĩ này ngay lập tức khiến dân mạng bàn tán xôn xao.
"Ăn Tết theo nhà chồng là cổ hủ. Theo quan niệm cũ, mang tính "kinh thiên động địa", con gái lấy chồng là phải về nhà chồng. Con gái là cái giống đi ngủ lang. Nhưng đây là quan niệm của thế kỷ X.
Con người ta khi sinh ra phải được quyền tự do, không ai ngăn cản. Về nội hay về ngoại là bình đẳng hai bên. Nhưng hiện nay mọi người toàn về nội ăn Tết, điều này chưa phù hợp. Vì thế phong trào về ngoại ăn Tết là để cân bằng lại cái đang bị lệch. Tôi nghĩ rằng các chị em cần phải nhận thức lại. Quyền của mình là quyền con người, không thể vớ vẩn được.
Tiếp đó, cần phải tìm kiếm hạnh phúc cho ông bà già, cho đứa con của mình. Những người đàn ông không cho vợ mình về ngoại ăn Tết đang bị các giá trị cổ hủ đeo bám. Đây là quan niệm hoàn toàn không có cơ sở.
Ăn Tết nhà chồng vừa cổ hủ, vừa dốt nát, vừa trái đạo lý. Khi phụ nữ không được về ngoại ăn Tết họ sẽ già, xấu, cáu kỉnh. Lúc đó người "ăn đủ" chính là các ông chồng..."
Vốn theo quan điểm của nhiều người, con gái đã lấy chồng nhất nhất là phải đặt nhà chồng lên trước hết. Đặc biệt Tết nhất lại là dịp quan trọng, chuyện con dâu về ngoại ăn Tết gần như là chuyện không thể. Cũng chính vì suy nghĩ này mà không biết bao nhiêu chị em Tết đến chỉ biết ngước nhìn xa xăm mà nhớ về quê mẹ. Bởi lẽ đó, phát ngôn trên của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương ngay sau khi chia sẻ đã được nhiều chị em nức lòng ủng hộ.
"Mình thấy bác nói đúng quá. Tết nhất đến nơi, nghĩ mà chỉ thấy buồn. Năm nào cũng "cắm đầu" từ 23 Tết bếp núc rồi dọn dẹp bên nhà chồng đến khi hóa vàng xong mới được qua nhà ngoại chúc Tết. Chẳng hiểu vì sao lại có suy nghĩ áp đặt con dâu là phải thế nọ thế kia".
"Con trai biết thương bố mẹ, muốn phụng dưỡng bố mẹ thì con gái cũng vậy, chẳng lẽ các anh không nghĩ rằng vợ mình cũng có nguồn, có cội chắc. Nhà nội có Tết thì nhà ngoại cũng có Tết chứ. Mình từng chứng kiến có nhà chồng đánh vợ ngay những ngày Tết chỉ vì vợ muốn được về quê ngoại mà anh chồng nhất định không chịu đồng ý".
Tuy nhiên, về phía các ông chồng thì quan điểm lại có phần trái ngược. Nhiều anh em không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình.
"Truyền thống Tết từ bao đời vẫn vậy, chẳng phải tự nhiên mà người ta nói "xuất giá tòng phu". Tôi thấy vị tiến sĩ nói vậy là không ổn chút nào, có khi còn gây chia rẽ gia đình nhà người ta".
"Chị em nào thấy bực bội vì không được về nhà mình ăn Tết thì mời lấy chồng Tây. Đừng ở đó mà đòi bình đẳng này kia. Thế các chị làm dâu nhà ai?".
Bên cạnh đó, có nhiều người chia sẻ quan điểm của mình rằng không nhất thiết phải phân định rõ ăn Tết bên nội hay bên ngoại mà hãy tùy tình hình rồi đưa ra lựa chọn để vẹn cả đôi đường.
"Nhà nội có thêm con dâu thì nhà ngoại cũng thêm con rể, mình đơn giản nghĩ không nên làm căng thẳng quá chuyện này. Tết là dịp đoàn viên, cứ làm sao để tất cả cùng vui là được mà".
"Gần thì chia ngày sang thăm, xa thì tùy tình hình mà quyết định. Cả khâu chuẩn bị Tết tôi cũng nghĩ vậy, cứ là công bằng, nhà nào neo người hơn thì con cái phải biết sắp xếp để lo cho bố mẹ thêm phần chu đáo. Nói chung là chuyện nhỏ thôi nhưng vợ chồng phải biết cư xử, đừng vì cố chấp mà làm hỏng dịp vui của năm".
Chuyện phụ nữ lấy chồng rồi nên ăn tết bên nội hay bên ngoại có lẽ để đưa ra phán xét đúng sai là điều không nên mà còn tùy thuộc vào quan điểm mỗi người. Ngẫm lại thì, Tết là dịp để chúng ta gặp gỡ, đoàn viên, Tết ở nhà nào đi nữa, quan trọng nhất vẫn là mọi người cùng vui vẻ phải không?