Ngày khi còn trẻ, chúng ta thích ngắm những nam thanh nữ tú, những bức hình đẹp lung linh để rồi mơ ước về người bạn đời lí tưởng. Mỗi khi thấy những bức tranh như trong Titanic là tâm hồn trẻ trung ngày ấy dễ bị rung động lạ kì.
Thế nhưng thời gian trôi qua, khi đã có người bạn đời bên mình, một người bạn đời không có nhiều điểm giống, thậm chí còn trái ngược với cái ước mơ thời trẻ trâu ấy thì chúng ta lại trở nên đổi khác nhiều lắm.
Chúng ta không thấy rung động bởi những hình ảnh trong phim kịch, những đôi nam thanh nữ tú tạo dáng đẹp lung linh nữa. Mà chúng ta lại dễ bị rung động bởi hình ảnh của hai cụ già dắt nhau đi dạo. Hay ngồi cùng nhau trước thềm nhà ngắm mặt trời lặn, bà bỏm bẻm nhai trầu, ông lặng lặng uống chuyên nước trà bà vừa pha. Hay hình ảnh ông cự dịu dàng lau mồ hôi trên trán vợ mình… Thậm chí chỉ cần hai mái đầu bạc gần nhau cũng khiến mắt ra rưng lệ.
Niềm hạnh phúc giản dị chính là niềm hạnh phúc vượt thời gian. Những thứ hào nhoáng của cuộc đời mấy khi không bị thời gian làm cho bớt huy hoàng hay hoen gỉ. Chỉ có tình yêu thương chân thành giản dị mới làm bạn được với thời gian. Vì càng đi cùng thời gian, chúng ta càng nhận ra những giá trị tuyệt vời của nó. Đôi bàn tay sần sùi, gân guốc già nua, nắm chặt lấy nhau sẽ mang lại nhiều sức biểu cảm vô cùng.
Nó có sức lay động lòng người hơn ngàn vạn những bàn tay trẻ trung xinh đẹp khác nắm lấy nhau. Thế đấy, mỗi khi nhìn thấy những điều bình dị mà thiêng liêng ấy, ít nhiều ta sẽ chạnh lòng: Liệu ta có được yêu cho tới khi già không?
***
Mẹ tôi thường bảo với bố tôi rằng: "Khi già, tôi không ở với ông nữa. Khi ấy hẳn là ông sẽ khó tính, khó nết lắm! Tôi sẽ đi bế cháu ngoại tôi, rồi cháu nội nữa. Ông cứ tha hồ mà tự do".
Bố tôi lại phất tay: "Bà thích đi đâu thì bà đi. Tôi càng đỡ đau đầu. Ở nhà chỉ tội nói nhiều. Cáu nhàu. Cằn nhằn. Lú lẫn nữa… Khi già chắc còn nói nhiều hơn, lú lẫn nhiều hơn…"
(Ảnh minh họa)
Chúng tôi, hai đứa con của cha mẹ chỉ ngồi cười. Gớm, bố tôi cứ nói thế thôi, chứ có mà rời được mẹ tôi ra. Bố có biết nấu ăn đâu. Chỉ luộc rau thôi cũng không làm được. Bố có khi nào phải giặt quần áo đâu? Chỉ biết thay ra là xong. Bố có biết dọn nhà đâu, chỉ biết nhà sạch và mát là ở… Chỉ vì bố có mẹ ở bên. Bố chỉ cần làm được một việc cũng khó khăn không kém mẹ đó là: kiếm được tiền nuôi chúng con ăn học.
Ngày trẻ mẹ cũng đẹp lắm. Nhưng từ ngày lấy bố mẹ không bước chân ra khỏi cây đa đầu làng. Chỉ quanh quẩn bên bố, quanh quẩn chuyện đồng áng, nuôi con, chăm nhà… Nên mẹ có đi được đâu? Chẳng biết nơi nào khác ngoài chồng và con. Và cái nhan sắc ngày nào cũng vì chồng, vì con mà phai nhạt nhanh hơn những người đàn bà được thảnh thơi khác.
Rồi chúng tôi lớn thêm. Tôi và em cùng đi học xa nhà. Nhưng về vẫn rúc cả vào giường mẹ ngủ cùng. Cho bố ngủ riêng. Thủ thỉ với mẹ đủ chuyện. Nhiều khi mẹ bảo: "Mẹ chỉ cần sống tới sáu mươi thôi. Khi ấy con và em cũng đều có gia đình, chắc ổn thỏa cả rồi. Đời người như thế là đủ". Tôi thường ôm mẹ bảo: "Mẹ đừng nói quẩn. Mẹ phải sống thật lâu bên bố con và chúng con chứ!" Bố nghe thì bảo: "Gớm, cứ nói nhiều như bà, có mà sống được tới sáu mươi!"
Bố cứ thế thôi, ngày tôi lấy chồng xa, mẹ khóc như mưa. Dù khi tiễn con mẹ chả khóc tí nào. Nhưng tối ấy về, mẹ khóc hoài. Bố kể thế. Mẹ nhớ con gái nên khi tôi mang bầu mẹ bắt xe ra thăm, mang đủ thử ở quê ra. Say xe chả biết trời đất gì, nhưng vẫn không quên dặn phụ xe cái bao đồ mang cho con.
Ở được một ngày, vẫn chưa hết say mẹ đã thở dài: "Không biết hôm nay bố ở nhà ăn gì? Không biết có cho mấy con chó con ăn không? Đàn lợn con có biết nấu cám cẩn thận để sáng mai cho nó ăn không? Bố con vụng lắm cơ. Sáng mai không biết ăn gì?... "
Tôi cười: "Mẹ, bố không sao đâu mà". Mẹ thở dài: "Thì đã bao giờ mẹ đi đâu lâu đâu nên lòng dạ cứ như lửa đốt". Đến trưa hôm sau thì điện thoại của bố: "Bà khi nào thì về?"… Con chỉ biết cười: "Gớm ông bà chưa đi đã nhớ nhau rồi! Thế là mẹ lại khăn gói về nhà với bố sau hai ngày thăm con".
Rồi đùng một cái, mẹ mang bệnh nặng rồi mất. Cứ như một cơn ác mộng mà cả nhà ai cũng muốn tỉnh dậy để thoát khỏi nó. Nhưng không thể được vì đó là sự thật! Là sự thật mất rồi! Khi ấy, mẹ trẻ lắm! Còn lâu lắm mẹ mới tới sáu mươi kia.
***
Bố sống một mình: một mình không biết nấu cơm, không biết nấu canh, chưa từng giặt quần áo, chưa từng biết dọn nhà, dọn bếp, chưa từng trộn cơm cho chó chó mèo ăn cuối bữa… Và cũng chưa từng thấy bố khóc khi còn mẹ. Bố bắt đầu cuộc sống một mình như thế. Người đàn ông quê cục cằn như những mảnh ruộng nứt toác mùa hanh heo chưa khi nào biết nói lời yêu thương với người đàn bà của mình cho tới khi bà đi xa mãi. Nhưng mỗi khi tới ngày giỗ mẹ, thắp nén nhang, lại thấy mắt cha đỏ hoe. Động viên mãi bố chuyện lấy người để khi già có bầu có bạn, sẻ chia buồn vui. “Con chăm cha chẳng bằng bà chăm ông”. Bố chỉ lắc đầu. Ở một mình vậy quen rồi.
Bố đã biết nấu cơm ngon cho mình, biết tự giặt quần áo, biết dọn nhà, dọn bếp, biết chăm con mèo, con chó nhỏ làm bạn… Bố biết cả rồi. Chỉ không biết khi già, mẹ sẽ ra sao thôi!
Nói ra mới thấy, quay đi quay lại mà mái tóc bố cũng đã bạc rồi. Nhưng trên ảnh, tóc mẹ vẫn đen nhánh một màu.
Sao nghe tim mình cứ nhói lên nhói lên mà không bớt xuống chút nào. Cái nghẹn ngào tới khó thở ấy biến thành nỗi buồn rưng rức không thốt thành lời! Chia ly, đó là lời đó là thử thách của đời người mà không ai có thể tránh được.
Mỗi lần về quê, nhìn mái tóc bố bạc thêm, nhìn cái cây mẹ trồng khi mình mới sinh ra cũng già hơn, nhìn mảnh vườn nhỏ lóc cóc bóng cha một mình, nhìn ảnh mẹ vẫn nụ cười hiền dịu chưa khi nào tắt… Lại thấy, thời gian trôi đi nhanh quá!
Hóa ra, có thể chúng ta không thể cùng nhau sống tới già. Nhưng có thể yêu nhau tới già đó thôi!
Thỉnh thoảng tôi vẫn nói với chồng như thế. Rồi lại hỏi anh: Liệu anh có thể yêu em tới già được không? Cái niềm hạnh phúc của hai mái đầu bạc bên nhau, tưởng là giản đơn mà không hề đơn giản chút nào! Cho nên, nếu còn yêu được nhau, còn được ở bên nhau thì nhất định hãy yêu nhau tới già anh nhé! Bởi nhiều khi, cái cơ hội để được nhìn thấy nhau già đi cũng là quá xa vời với một ai đó kia mà!