Sẽ không có một con số tuyệt đối nào là chính xác cho số tiền mà bạn cần có trong tài khoản tiết kiệm bởi điều này còn phụ thuộc vào những điều kiện khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo số tiền tiết kiệm cần thiết ở các năm mang tính cột mốc trong đời.
Ở những độ tuổi khác nhau bạn có thể sẽ chuyển hướng mục tiêu của mình theo những thay đổi của bản thân. Song dù là giai đoạn nào và mục tiêu của bạn là gì thì vẫn có một điều luôn không bao giờ thay đổi: Bạn không bao giờ quá sớm hoặc quá muộn để tiết kiệm.
Sẽ không có một con số tuyệt đối nào là chính xác cho số tiền mà bạn cần có trong tài khoản tiết kiệm bởi điều này còn phụ thuộc vào những điều kiện khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo số tiền tiết kiệm cần thiết ở các năm mang tính cột mốc trong đời.
Đây sẽ là những thông tin hữu ích để bạn biết được liệu mình đã đi đúng hướng. Luôn có khoản tiền tiết kiệm phù hợp sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho bất cứ điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Bạn có thể sử dụng cách đơn giản là nhân mức lương của mình theo hệ số “X” để có được số tiền tiết kiệm mình có theo các độ tuổi khác nhau, theo một báo cáo của Công ty dịch vụ tài chính Fidelity.
Cụ thể:
Khi 30 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 1 năm thu nhập của bạn.
Khi 35 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 2 năm thu nhập.
Khi 40 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 3 năm thu nhập.
Khi 45 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 4 năm thu nhập.
Khi 50 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 6 năm thu nhập.
Khi 55 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 7 năm thu nhập của bạn.
Khi 60 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 8 năm thu nhập của bạn.
Khi 67 tuổi: Bạn cần có khoản tiết kiệm tương đương 10 năm thu nhập của bạn.
Giả sử, thu nhập trung bình của bạn là 8 triệu/tháng, tương đương 96 triệu/năm thì ở độ tuổi 30, bạn cần có 1 năm thu nhập tiền tiết kiệm tương đương 96 triệu; khi 40 tuổi cần có 3 năm thu nhập tiền tiết kiệm tương đương 288 triệu và khi ở tuổi 50 là 6 năm thu nhập tiền tiết kiệm tương đương 576 triệu đồng.
Tất nhiên, bảng hướng dẫn về mức tiết kiệm theo từng độ tuổi của Fidelity sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai song hãy nhớ rằng đó chỉ là một công thức chung và đối chiếu với mỗi người sẽ còn cần căn cứ vào lối sống của bạn, cuộc sống mà bạn muốn có khi về hưu. Bạn có thể sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn nữa nhưng nhớ là không được tiết kiệm ít hơn.
Cũng bởi vậy, đừng hoang mang khi bạn đang ở độ tuổi 30 mà chưa có một năm thu nhập tiền tiết kiệm hay 3 năm thu nhập tiền tiết kiệm lúc 40 tuổi.
“Nếu bạn đang xem biểu đồ này và nó khiến bạn cảm thấy chán nản thì đây là những gì tôi có thể nói với bạn: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đầu tư và thời điểm tốt nhất để bắt đầu chính là bây giờ.
Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người ở độ tuổi 50 nhìn vào biểu đồ này một cách chán nản. Họ có thể đã ly hôn, bị mất việc làm hoặc công việc kinh doanh đổ bể do ảnh hưởng của thiên tai, địch họa… Hãy lấy lại tinh thần một cách nhanh chóng vì điều bạn cần làm bây giờ là đứng dậy và tiến về phía trước”, David Bach, tác giả cuốn sách bán chạy nhất của “The Automatic Millionaire” và “Smart Women Finish Rich” (tạm dịch “Triệu phú tự động” và “Phụ nữ thông minh sống trong giàu có”).
Vậy làm sao để bạn đạt được con số này? Các chuyên gia cho rằng dù bạn đang ở độ tuổi nào, có tình hình tài chính ra sao, hãy bắt đầu xem lại các kế hoạch chi tiêu của mình và tăng số tiền tiết kiệm thêm ít nhất 1%-2%. Sau đó hãy cố gắng làm việc và nâng tỷ lệ tiết kiệm lên 10%-15%.
Nhớ rằng, càng bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn sẽ càng tận dụng được sức mạnh của lãi kép – “kỳ quan thứ 8 của nhân loại”.