Thủ cung sa là vết đỏ đánh dấu trên tay nhằm chứng minh trinh tiết của phụ nữ Trung Hoa xưa. Không chỉ xuất hiện trên các tác phẩm điện ảnh, thủ cung sa còn được ghi chép một cách tỉ mỉ trong nhiều bộ chính sử.
Vết son đỏ chứng minh trinh tiết
Trong lịch sử Trung Hoa xưa, việc giữ gìn vết son đỏ để chứng minh trinh tiết vô cùng quan trọng với người phụ nữ. Giữa tam cung lục viện hàng ngàn mỹ nữ, các Hoàng đế cần tìm cách có thể kiểm tra trinh tiết các cung nữ của mình, tránh việc ai đó dám cả gan ngoại tình khi chưa được ân sủng. Cũng từ đó mà “thủ cung sa” – vết son đỏ kiểm tra trinh tiết của phụ nữ ra đời.
Theo sách y học cổ Trung Quốc, bộ phận sinh dục của người phụ nữ được gọi là xuân cung do chữ Xuân (9 nét) trong tự dạng Hán văn là tượng hình của bộ phận này. Sa là dấu vết một hạt châu đỏ nằm dưới da trên cánh tay của người phụ nữ. Thủ cung sa là dấu hạt châu đỏ trên cánh tay với nhiệm vụ giữ gìn xuân cung của người phụ nữ, thể hiện người ấy vẫn còn trong trắng.
Công đoạn chấm thủ cung sa - vết son kiểm tra trinh tiết của phụ nữ. (Ảnh minh họa)
Vết đỏ này theo tương truyền sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi nữ nhân đó có quan hệ chăn gối. (Ảnh minh họa)
Theo truyền thuyết, vết son đỏ sẽ không bao giờ mất đi khi nữ nhân đó vẫn còn trong trắng. Nếu người con gái đó vì bất kỳ một lý do nào mà mất đi sự trong trắng thì vết thủ cung sa sẽ tự động biến mất.
Cho đến ngày nay, chi tiết thủ sung sa vẫn được xuất hiện trong rất nhiều bộ phim thâm cung bí sử hay các tác phẩm văn học Trung Quốc. Không chỉ vậy, vết son đỏ này còn được ghi chép một cách tỉ mỉ trong các bộ chính sử.
Theo sách “Bác vật chí”, thủ cung sa là một bí thuật lưu truyền trong giang hồ có nguồn gốc từ thời nhà Hán. Giữa hàng ngàn cung tần mỹ nữ, Hán Vũ Đế đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc các phi tần ngoại tình khi chưa được mình ân sủng.
Vấn đề được tháo gỡ khi Hán Vũ Đế được một vị đại thần hiến kế dùng một thứ để đánh dấu sự trong trắng khiến các mỹ nhân sợ hãi không dám làm điều phản bội sau lưng vua. Kể từ đời Hán Vũ Đế, các triều đại Trung Hoa sau này đều dùng cách chấm thủ cung sa để đánh dấu sự trinh tiết của các mỹ nữ được tuyển vào cung.
Giữa hàng ngàn cung tần mỹ nữ, Hán Vũ Đế đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc các phi tần ngoại tình khi chưa được mình ân sủng. (Ảnh minh họa)
Thủ cung sa thực chất là gì?
Theo những ghi chép trong sách “Bác vật chí”, thủ cung sa được bào chế bằng cách dùng 7 cân chu sa (một loại khoáng vật của thủy ngân có sẵn trong tự nhiên, màu đỏ rất đẹp) để nuôi thạch sùng trong 90 ngày.
Sau đó, khi cơ thể thạch sùng đã biến thành màu đỏ máu, người ta sẽ đem đi xay nhỏ chúng được một thứ hỗn hợp màu đỏ, đặc sệt. Thứ nước này khi chấm lên cơ thể cô gái còn trinh tiết sẽ hiện lên vết son đỏ tươi và không bao giờ biến mất cho đến khi những cô gái đó có quan hệ chăn gối.
Đá chu sa - một trong những nguyên liệu làm nên thủ cung sa.
Thạch sùng được nuôi trong thủ cung sa. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ghi chép khác nhau về nguồn gốc của thủ sung sa. Một số sử liệu chép rằng, thủ cung sa thực chất là một vết màu đỏ chỉ bé bằng hạt cát, nằm dưới móng thứ tư của chân thạch sùng và có màu giống hệ chu sa. Phải là loại thủ cung sa tự nhiên này, việc kiểm tra trinh tiết mới thật sự chính xác.
Trong một ghi chép khác, người ta cho rằng, thủ cung sa phải được bào chế bằng cách bắt được thạch sùng khi đang giao hợp, đập chết rồi xay nhỏ cùng chu sa. Rất nhiều danh y Trung Hoa cổ đại cũng đã nhắc tới thủ cung sa và cách bào chế tương tự với thạch sùng và chu sa.
Thủ cung sa có thực sự kỳ diệu đến vậy?
Thủ cung sa như một chiếc vòng kim cô khiến cho phụ nữ phải một lòng chung thủy dù đàn ông có năm thê bảy thiếp. (Ảnh minh họa)
Dù được sử dụng suốt nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa song cho tới nay, những ghi chép về thủ cung sa vẫn chỉ là điển tích, sự có sự xác thực nào từ khoa học hiện đại.
Xét dưới góc độ khoa học, thủ cung sa, chu sa hay tắc kè đều không có gì liên quan tới trinh tiết người phụ nữ. Thực chất thủ cung sa chỉ là một sản phẩm được ra đời trong xã hội mà người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nhưng đàn bà lại phải một lòng sắt son.
Giải thích về những đồn đại vẫn được nhắc đến về thủ cung sa, người ta cho rằng, đó như một vết son trấn giữ tâm lý của người phụ nữ xưa. Chuyện trinh tiết hay quan hệ trước hôn nhân vốn là điều kinh khủng không thể chấp nhận trong thời đại đó. Chính bởi vậy mà khi đã chấm vết thủ cung sa lên tay, họ sẽ không dám tơ tưởng đến chuyện dan díu, bằng mọi giá phải giữ vết son đỏ trên tay.