Đầu năm tới làm, tôi hoảng hồn khi nhận được quyết định cho thôi việc...
Mới sáng đến, tôi còn hí hửng chào mời, tay bắt mặt mừng, chúc tụng từ ngoài vào trong, chào hỏi năm mới với cả mấy bác bảo vệ thì đùng một cái nhận được tin sét đánh ngang tai. Chỗ bàn làm việc của tôi trống trơn, đồ đạc được dọn dẹp ngăn nắp, không biết ai rảnh rỗi dọn hộ. Tôi còn nghĩ là do cô tạp vụ. Nhưng khi ngồi vào thì ngay lập tức tôi bị gọi vào văn phòng làm việc của sếp. Chẳng hiểu vì lý do gì, sếp cho tôi cái quyết định thôi việc to bằng bàn tay.
Tôi hoang mang chưa hiểu chuyện gì xảy ra và thì bỗng một suy nghĩ rất hài hước loáng thoáng trong đầu: “Chẳng lẽ sếp đùa mình, sau đầu năm lại đùa ác thế, mới năm mới ra đã đùa cho thôi việc”. Tôi còn hi vọng trong đó là phong bao lì xì do chính tay sếp trao tặng. Nhưng không, nét mặt nghiêm nghị kia là của sếp lúc nóng giận, một thời gian làm việc cùng sếp tôi đã hiểu được phần nào.
Quên mừng tuổi con sếp (ảnh minh họa)
Tôi bị cho thôi việc thật nhưng lý do chính đáng thì vẫn chưa hiểu. Đầu năm lên đã bị sếp cho nghỉ, kế hoạch trong năm đã nộp cả rồi, và sếp cũng đã duyệt, tôi làm gì thất lễ tới độ sếp phải làm như vậy. Có vẻ như tôi đã phạm phải tội lớn.
Thấy tôi buồn và không hiểu, nét mặt u sầu, anh bạn đồng nghiệp ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Này, có biết vì sao bị cho thôi việc không? Thôi đi cho sớm, mấy nữa anh kiếm được chỗ anh cũng nghỉ cho lành. Cái ông sếp dở hơi này thì trụ ở đây cũng khổ cái thân mà thôi. Chú không biết vì sao chú bị thôi việc à. Chú có lì xì con sếp không, có tới chúc Tết gia đình sếp không?”.
À thì ra là vậy. Nếu đúng lý do ấy thì quả là không sai đâu được. Tôi không làm hai cái việc mà anh bạn đồng nghiệp nói bao giờ. Từ trước tới giờ tôi đều không làm, chứ không phải từ lúc nào công ty này. Nhưng công ty này có lệ khác, cái lệ mà tôi không biết được và cũng chẳng ai nói cho tôi hay dù mọi người biết hết.
Số là, ông sếp vốn tính sĩ diện hão, dù có tiền nhưng vẫn thích thể hiện với bạn bè, họ hàng và nhất là bà vợ cũng không kém phần long trọng là được nhân viên yêu mến, kính trọng, nể nang. Mà điều ấy lại thể hiện ở những món quà đắt tiền, ở những xấp tiền mừng tuổi cho con sếp và ở sự gần gũi với gia đình sếp trong ngày Tết. Và thế là tôi đã ‘phạm quy’ và ‘dính chưởng’, thế nên tôi bị cho thôi việc không lý do như vậy.
Ở cơ quan này, mừng tuổi con sếp phải thật nhiều (ảnh minh họa)
Nói là không lý do thì cũng không đúng, chỉ là lý do không ở chất lượng công việc, mà ở thái độ với sếp, ở cái phong bì lì xì cho con sếp. Tôi đang băn khoăn không hiểu tại sao lại có tục lệ như vậy, tại sao sếp lại có thể dễ dàng cho nhân viên thôi việc vì cái chuyện cỏn con như thế. Phải chăng sếp mắc bệnh sĩ diện nặng hay nghĩ người ta khinh mình, nhân viên không tôn trọng mình nên mới không tới tết?
Tôi ra đi, mang theo cả đống đồ và bản kế hoạch. Đồng nghiệp không nói thì làm sao tôi biết làm làm theo lệ. Lòng tôi nặng trĩu vì có một điều mãi tôi vẫn không hiểu, ‘ông ấy làm sếp kiểu gì mà lại cần cái sự tự trọng, sự kính nể đến vậy. Hóa ra từ trước tới giờ ông ấy không được kính nể, hay ông ấy là người tham của, trả lương cho nhân viên rồi bóc lột nhân viên kiệt sức bằng phong bì, quà cáp? Nếu như vậy thì có thật sự xứng làm sếp hay không”? Xem ra cần phải tới một môi trường khác, một chỗ làm mới, gặp một người lãnh đạo mới tôi mới giải đáp được thắc mắc này.