Cá chết… đau thắt lòng với 'khúc ruột miền Trung'

Ngày 28/04/2016 09:42 AM (GMT+7)

Ở những vùng chài lưới ấy, nhiều nhà chỉ có duy nhất một nghề để mưu sinh, bây giờ cánh cửa đó khép lại cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những toan lo cơm áo.

Cuộc họp báo được cho là ngắn ngủi bậc nhất trong các kỳ họp báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra chiều 27-4 cuối cùng cũng đã đưa ra những kết luận ban đầu.

Tuy nhiên, kết luận kể trên vẫn chưa thể đưa ngư dân về lại với khơi xa. Bởi lẽ, có cầu thì mới có cung. Khi người dân vẫn chưa thể yên tâm để sử dụng những sản vật từ biển thì việc đánh bắt của ngư dân cũng không đem lại ý nghĩa gì.

“Khúc ruột miền Trung” là cách chúng ta vẫn gọi dải đất nghèo khó này. Khó bởi thiên tai thường xuyên đổ lên đây, khó bởi cuộc sống của người dân trông nhờ vào nghề chài lưới luôn bấp bênh và đầy rẫy rủi ro. “Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” là vì thế.

Nhưng cơn đại họa lần này đổ lên đầu họ không đến từ những gì có thể đoán định được từ thiên nhiên. Sự từng trải của người ngư dân nhiều năm chiến chinh nơi đầu sóng có thể phát hiện trước được một cơn bão dữ, có thể tìm được luồng cá lớn…nhưng lần này họ hoàn toàn bất lực trong việc biết trước để ứng phó với cơn đại họa ập đến nồi cơm manh áo của họ.

Cá chết… đau thắt lòng với #039;khúc ruột miền Trung#039; - 1

Cá chết, ngư dân biết làm gì? (Ảnh Daily mail)

Cá tôm ít đi, người dân thờ ơ với những gì họ đem về từ biển, ngư dân nhiều nơi đã phải gác tàu thuyền lại trên bờ, những đôi mắt u uẩn của người ngư dân già trên chiếc thuyền mình nhiều năm gắn bó cứ ám ảnh tôi mãi. Sự mịt mù trong việc tìm ra nguyên nhân cuối cùng của việc cá chết hàng loạt  ấy cũng mịt mù như tương lai của chính họ, của gia đình họ.

Ở những vùng chài lưới ấy, nhiều nhà chỉ có duy nhất một nghề để mưu sinh, bây giờ cánh cửa đó khép lại cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những toan lo cơm áo. Một số gia đình ở Hà Tĩnh đã chấp nhận chuyển đổi tạm thời công việc của mình sang mò vớt vật liệu dưới biển. Vậy là bất chấp sự nguy hiểm, họ đành phải bấu víu vào công việc mưu sinh mới đầy rủi ro. Biết sao được,  họ vẫn phải sống, con cái họ vẫn phải sống để chờ một sự đổi thay.

Mùa du lịch biển đang đến gần, mùa hè là mùa trọng điểm đối với du lịch của nhiều địa phương. Ở đó, nhiều loại hình dịch vụ của người dân địa phương cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, những gì mà cơn đại họa cá chết đưa tới cũng đang khiến cho du lịch tại bốn tỉnh Miền trung điêu đứng. Người dân miền Trung, người dân nơi khúc ruột cả nước thật sự đang phải thắt lòng trước thực tế ảm đảm mà họ phải đối mặt.

Hôm qua, một dòng tin lạc lõng nhưng cũng khiến cho không ít người quan tâm quanh sự vụ cá chết đó chính là ông Chu Xuân Phàm, trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội, người đã nổi tiếng với phát ngôn: Chọn sắt thép hay cá tôm đã bị công ty đuổi việc.

Trải lòng với một tờ báo về quyết định này, ông Phàm không bình luận về quyết định kể trên mà nói về câu chuyện hôn nhân với người vợ Việt Nam của mình. Ông cho hay, vợ ông đã gọi điện cho ông và tỏ ra rất tức giận, bao nhiêu năm lấy nhau ông chưa từng thấy vợ tức giận như thế vì phát ngôn của mình. Cũng đúng thôi, ngoài tư cách một người vợ, người phụ nữ ấy còn có tư cách của một công dân Việt Nam, cô hoàn toàn ý thức được những gì chồng nói ra đã chạm đến sự bất bình của người dân như thế nào.

Thế nhưng, sâu xa hơn những câu nói của ông Phàm không hề sai, nó chỉ hoặc là do thái độ, hoặc là do sự thật thà của một người Đài Loan không quá sành sỏi trong việc sử dụng Tiếng Việt vốn đa nghĩa. Người đàn ông ấy đã nói với vợ qua điện thoại: Anh thất nghiệp rồi em sẽ nuôi anh chứ?. Đương nhiên vợ ông sẽ không buông bỏ ông lúc khó khăn này, đương nhiên vợ ông đủ sức để nuôi ông, nhưng những người ngư dân miền Trung bám biển ấy thất nghiệp thì không được ai nuôi hết. Vợ họ đều trông chờ vào những chuyến ra khơi của chồng, để cho những lần cập bến họ lại đưa tôm cá ra chợ hoặc bán cho thương lái. Một sự phân công lao động phổ biến ở vùng dân chài này.

Ông Phàm có thể về nước, có thể kiếm được một công việc nào đó phù hợp với bản thân mình,  những gia đình ngư dân miền Trung cũng chỉ có cách tươi sáng nhất là được trở về với nước, với khơi với biển. Nhưng chỉ khi nước đã sạch, biển đã an toàn và người dân chấp nhận tiêu thụ cá của họ. Sự khác nhau về số phận nằm ở đó.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG