Anh tên là Mehrdad Ahesteh, nhưng mọi người quen gọi anh bằng tên tiếng Việt là Honda hơn. Với anh, Tết Việt rất đặc biệt và thú vị.
Trong những tháng ngày sôi nổi của tuổi trẻ, khi đang làm việc ở xứ sở hoa anh đào, anh đã bị một cô gái người Việt hút hồn. Người con gái ấy chính là vợ anh bây giờ, người đã đưa một chàng trai từ phương trời xa xôi về Việt Nam làm rể.
Tình yêu trên đất người
Vợ anh, chị Lê Thị Mai những năm 90 rời quê mình ở tỉnh Vĩnh Phúc, đem theo giấc mơ đổi đời đặt chân đến Nhật Bản. Ở đó chị gặp anh như một sự sắp bày của duyên số. Chị kể: “Lần đó tôi muốn uống một loại bia nhỏ nên vào siêu thị nơi anh Honda làm việc. Tôi cứ bối rồi lần mò hết các quầy trong siêu thị. Đúng lúc đó anh xuất hiện, anh là nhân viên ở đó. Anh tận tình hỏi han tôi và giúp đỡ tôi tìm được thứ mà tôi muốn”, chị kể lại.
Ấn tượng của chị lúc đó chỉ là một người đàn ông thân thiện, một nhân viên siêu thị dễ mến và mẫn cán, nhưng chị không thể ngờ được rằng chính lúc đó chàng trai có mái tóc xù đến từ một đất nước xa xăm ấy đã nhen nhóm cảm giác như tìm được tình yêu của đời mình. Đằng đẵng những ngày sau đó, anh đi hỏi han thông tin về chị qua những người bạn xung quanh để biết được địa chỉ, nơi làm việc của chị. Đều đặn trong một năm trời, thông qua một người bạn của chị, anh gửi cho chị những món quà nhỏ xinh. Chị đón nhận nó mà vẫn ngỡ đó là món quà của người bạn kia tinh ý mua tặng. Chỉ đến khi người bạn đó trách móc bật mí: “Sao cô nhận quà của người ta mà không cảm ơn người ta một câu thế”, lúc đó chị mới biết được tấm chân thành từ anh chàng dễ mến ấy.
Nhận cuộc điện thoại đầu tiên của chị, anh mừng khôn xiết, người đàn ông lực lưỡng chợt nhiên có giọng run trong tiếng nói, lúc mấp máy, khi gấp gáp. Câu chuyện tình nhiều trắc trở của họ bắt đầu được mở ra.
Anh Honda đang giới thiệu về Tết của người Iran.
Những chuyến đến thăm bất chợt, những cuộc trò chuyện từ cụt lủn, thăm dò, đến thân tình cởi mở cứ thế kéo họ lại gần với nhau. Chị Mai vốn xuất thân là một cô gái miền thôn dã, nên đứng trước một người đàn ông to lớn vẫn có chút gì đó e dè. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm chị luôn có cảm giác an toàn, được che chở bởi anh. Biến cố đầu tiên bắt đầu tìm đến với tình yêu của họ, đó là khi công ty nơi chị Mai công tác phát hiện ra chuyện một người đàn ông Iran thường xuyên đến khu trọ của công nhân nơi chị Mai đang tá túc thì họ đã quyết định đuổi việc chị. Phút chốc trở thành người bơ vơ, không việc làm, không chỗ ở.
Nghe tin, Honda biết ngay mình chính là nguyên nhân khiến cho người yêu rơi vào cảnh không chốn dung thân, nhưng anh cũng ngấm ngầm nghĩ đây là cơ hội để hai người thu hẹp khoảng cách về không gian với nhau. Đứng khép nép bên chị thật lâu anh mới rụt rè gợi ý: “Nhà tôi rộng lắm, có rất nhiều phòng, hay Mai về ở với chúng tôi”. Giữa lúc đang bơ vơ giữa xứ người, chị làm liều gật đầu về ở với anh. “Nói ở với anh ấy, nhưng thực ra tôi được bố trí một phòng riêng ở tầng trên. Trước khi đi ngủ anh ấy mới lên phòng tôi, ghé đầu vào phòng nói: Mai ơi, tôi đi ngủ đây, cần gì Mai gọi nhé”. Gần 1 năm kể từ khi về ở cùng nhà với anh, kể cả khi đã nhận lời yêu anh, Honda chưa một lần chạm tay vào người con gái mình yêu.
Ấn tượng Tết Việt
Bây giờ cuộc hôn nhân “xuyên biên giới” ấy đã cho ra hai quả ngọt. Ngồi trước mặt tôi, Honda bấm ngón tay nói: 7 năm đón Tết ở Việt Nam rồi. Cái Tết đầu tiên của anh ở Việt Nam được chị Mai nhắc nhở bằng một kỷ niệm. “Lần đó tôi thấy anh ấy cứ loay hoay cầm quả cau, tôi liền giải thích cho anh ấy về nguồn gốc, sự tích trầu cau, nhưng cũng rất khó để diễn giải cho anh ấy một cách đầy đủ về câu chuyện này. Thế nhưng, hóa ra nguyên nhân anh ấy loay hoay là không biết ăn quả đó như thế nào vì cắn rất cứng”, chị Mai nhớ lại.
Gia đình anh Honda và chị Mai
Anh Honda cho hay một điểm khác biệt mà anh ấn tượng ở Việt Nam đó là dịp Tết người ta hay đi lễ chùa xin lộc: “Lần ấy tôi và Mai đi xin lộc ở chùa, tôi cũng đứng xếp hàng như mọi người, lúc nhìn lại thì thấy có mỗi mình tôi là người ngoại quốc”, anh kể.
Bảy năm đón Tết xa Tổ quốc, nhưng ký ức của anh Honda vẫn luôn nhớ về những cái Tết xưa trên quê hương của mình. Nơi đó anh còn nhiều người thân, cha mẹ tuổi đã già, với mùi nến thắp trong những ngày Tết, thăm hỏi người thân trong nhà. “Tết chỗ tôi chỉ thăm hỏi người thân thôi, tết Việt Nam mọi người đi thăm hỏi nhau rất nhiều, cả người quen nữa”, anh nói.