Tôi đâu dám mơ có chồng là “hiệp sĩ”, nhưng mà nhu nhược và nhát gan như anh thì nhiều lúc quá xấu hổ, muốn bỏ quách cho xong.
Nhà tôi có bốn chị em, tôi là con út nên luôn được cưng chiều. Ai cũng yêu thương, quan tâm và lo lắng cho tôi đủ điều. Nhưng cũng vì thế mà tôi quen với nếp sống giản đơn và thụ động. Tôi ít khi tự quyết định, hay chủ động làm một điều gì đó. Lúc nào tôi cũng có người làm giùm, người gợi ý, người giúp đỡ.
Cũng chính vì vậy, khi gặp anh, tôi có cảm giác được tìm thấy chính mình. Anh thường hay hỏi ý tôi trước khi quyết định một chuyện dù lớn dù nhỏ, làm tôi có cảm giác mình là người quan trọng đối với anh. Tôi buộc lòng phải suy nghĩ, cân nhắc những vấn đề của anh, thành ra tôi có cảm giác mình chín chắn hơn, trưởng thành hơn. Rồi chẳng biết tại sao, tôi thấy thích những khi anh tỏ ra yếu đuối, nhõng nhẽo với tôi. Tôi thấy mình mạnh mẽ hơn và vai trò của tôi trở nên to lớn hơn trước mặt anh. Tôi đến với anh trong vai trò của một người yêu, đồng thời là người chị, thậm chí là người mẹ. Ngày xưa tôi được nuông chiều bao nhiêu thì bây giờ tôi lại chiều chuộng anh bấy nhiêu. Tôi từng thấy đó là niềm hạnh phúc lớn lao của mình.
Nhưng cuộc sống hôn nhân thì luôn luôn khác với thời mới yêu. Khi yêu, đôi khi tật xấu của một người cũng trở thành nét dễ thương trong mắt người mình yêu. Nhưng khi đã là vợ chồng, thì chuyện gì cũng phải nằm trong một giới hạn nhất định, vượt qua ngưỡng đó, đời sống hôn nhân sẽ trở nên bức bách, ngục tù.
Cuộc sống trôi qua thật nặng nề và áp lực với tôi. Nhiều lúc tôi chán chẳng thèm trả lời những câu hỏi ngớ ngẩn của anh. (ảnh minh họa)
Lấy anh được một thời gian thì tôi phát ngán với tính cách thụ động và nhu nhược của anh. Hầu như chuyện gì trong nhà cũng do tôi quyết định, từ chuyện để ti vi ở chỗ nào, mua cái quạt màu gì, tặng quà gì nhân dịp sinh nhật ba chồng, đám giỗ lần này có về dưới quê không, chi bao nhiêu tiền cho việc này, bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc kia, hay đơn giản chỉ là chuyện đổi bình ga, gọi người đến sửa vòi nước…
Đáng buồn hơn nữa là khi người lớn bên nội, bên ngoại hỏi han, thắc mắc chuyện này chuyện kia, anh đều nói anh không biết, chuyện đó là do tôi. Nhiều người nói tôi là nữ tướng trong nhà, tha hồ sung sướng vì được chồng tin tưởng giao cho toàn quyền. Còn tôi thấy mình sao mà khổ sở quá, kiếm một tấm chồng để dựa dẫm, nương tựa cũng không xong.
Có lần, một ông hàng xóm nhậu xỉn rồi ngất ngưỡng đi vào nhà tôi, nhầm tôi là vợ nên xỉ mặt chửi bới đủ điều, còn đòi đánh tôi nữa. Tôi hoảng hồn kêu anh cầu cứu. Anh hớt hải chạy ra, run rẩy đứng lặng người một chập rồi lót tót chạy thẳng qua kêu vợ người hàng xóm đón chồng về. Anh bỏ mặc tôi một mình với người đàn ông say xỉn đó. Anh không trấn an tôi lấy một câu, hay là đứng ra can ngăn người đàn ông kia để bảo vệ vợ mình. Khi ông hàng xóm đã về, anh mới rối rít chạy đến bên tôi: “Em có sao không? Anh sợ quá!...”. Thú thật, ngay khi ấy, trong đầu tôi chợt thoáng qua ý nghĩ là ước gì anh biết nhậu, biết say xỉn và biết quậy phá như người đàn ông kia. Có lẽ như thế tôi sẽ thấy dễ chịu hơn. Vì nếu anh biết quậy phá, thì anh cũng sẽ biết cách để bảo vệ những người anh yêu thương.
Cuộc sống trôi qua thật nặng nề và áp lực với tôi. Nhiều lúc tôi chán chẳng thèm trả lời những câu hỏi ngớ ngẩn của anh. Những chuyện chẳng đâu vào đâu anh cũng hỏi tôi. Những việc lẽ ra người đàn ông trong nhà phải quyết định thì anh lại rụt rè không dám quyết. Lẽ nào tôi phải đóng vai người chị, người mẹ của anh cả đời? Chỉ đơn giản là tôi muốn tựa vào vai chồng trong cảm giác yên tâm vì mình đã tìm được một điểm tựa vững chắc trong đời, nhưng chưa bao giờ được như vậy. Nhiều lúc nhìn chồng người khác mà ham.